Cơ quan Quản lý Ngoại hối Nhà nước Trung Quốc (State Administration of Foreign Exchange) vừa công bố, các nhà đầu tư đã tham gia hoặc đủ điều kiện tham gia chương trình Nhà đầu tư tổ chức nước ngoài đủ tiêu chuẩn (QFII) sẽ được phép mua chứng khoán, trái phiếu và các sản phẩm tài chính khác tại Trung Quốc với hạn mức 300 tỷ USD, gấp đôi hạn mức trước đó.
Trung Quốc đã trì hoãn việc mở rộng cửa các thị trường tài chính nội địa với nhà đầu tư nước ngoài trong nhiều năm qua, bởi vậy, thay đổi kể trên cộng với việc nới lỏng các tiêu chuẩn đối với nhà đầu tư tham gia chương trình QFII vào cuối tháng 1/2019 được xem là bước tiến quan trọng. Nguyên nhân xuất phát từ việc thị trường Trung Quốc phần nào mất đi sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư quốc tế và tình trạng khát vốn của nền kinh tế.
Theo số liệu tổng hợp bởi Bloomberg, hạn mức trước đây của chương trình QFII là 150 tỷ USD mỗi năm, nhưng các nhà đầu tư tổ chức chỉ sử dụng khoảng 101 tỷ USD, tương đương khoảng 2/3 hạn ngạch được phép. Đặc biệt, vấn đề đáng lo ngại nhất là việc dòng tiền đổ vào Đại lục không còn dồi dào như trước đây. Tài khoản vãng lai của Trung Quốc đã rơi vào tình trạng thâm hụt 5 tỷ USD vào tháng 9/2018.
Bên cạnh việc gia tăng gấp đôi hạn mức của chương trình QFII, giới chức Trung Quốc đang tích cực thúc đẩy việc đưa các chỉ số chứng khoán Đại lục vào các chỉ số tiêu chuẩn toàn cầu, chẳng hạn của MSCI Inc, với mục tiêu thu hút thêm hàng trăm tỷ USD đổ vào thị trường.
Chưa kể, Trung Quốc cho biết sẽ mở cửa lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán và trái phiếu, tạo lực hấp dẫn với nhà đầu tư ngoại, đặc biệt là với lượng trái phiếu doanh nghiệp mà thị trường nội địa không thể hấp thụ hết.
Dòng vốn ngoại rút ra khỏi các tài khoản ngân hàng đã đạt hơn 400 tỷ USD.
Nền kinh tế Trung Quốc phụ thuộc lớn vào quá trình tích lũy vốn, do đó, việc các dòng tiền không còn dồi dào ảnh hưởng tiêu cực tới triển vọng tăng trưởng kinh tế.
Không riêng dòng tiền nước ngoài có xu hướng rút ra, nguồn vốn huy động tại thị trường nội địa cũng khó khăn khi tỷ lệ tiết kiệm giảm xuống, hoạt động đầu tư không mang lại lợi nhuận như kỳ vọng. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã liên tiếp hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc để giúp các nhà băng tiếp tục hoạt động cho vay, tuy nhiên, đây không phải biện pháp bền vững.
Theo các chuyên gia kinh tế, nếu Trung Quốc muốn tiếp thêm sinh lực cho thị trường vốn và tài chính, quốc gia này cần các giải pháp cải tổ dài hạn hơn.
Việc mở rộng hạn mức đầu tư là bước đi đầu tiên, nhưng niềm tin của nhà đầu tư cần được xây dựng với việc đưa ra các thông điệp đáng tin cậy về tài chính, hoàn thiện hệ thống pháp luật bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư nước ngoài, cải cách khu vực kinh tế nhà nước, nếu không các quỹ đầu tư lớn vẫn sẽ ngần ngại khi bước chân vào thị trường này.
Trong năm 2018, tăng trưởng đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc (chỉ số quan trọng thể hiện sự tự tin của nhà đầu tư trong dài hạn) chỉ đạt 3,5% so với năm 2017.