Một số nhà phân tích cho rằng, trên thực tế, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) không tiến hành đợt tăng lãi suất nào giai đoạn đầu năm 2016 cũng có một phần nguyên nhân từ Trung Quốc.
Nhà kinh tế Jeremy Stevens tại Standard Bank nhận định: “Năm ngoái, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã nhận được sự hỗ trợ bất ngờ từ Fed”.
Theo chuyên gia này, việc Fed không tăng lãi suất thời điểm đó đã tạo điều kiện để PBoC triển khai các biện pháp kiểm soát vốn, làm chậm dòng tiền mặt chảy ra nước ngoài, qua đó giữ được ổn định nền kinh tế.
Tuy nhiên, trong năm 2017, PBoC sẽ không cần sự hỗ trợ kiểu như vậy từ Ngân hàng Trung ương Mỹ nữa. Việc Fed tăng lãi suất sẽ chỉ khiến đường cong lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm và lãi suất cơ bản kỳ hạn 1 năm giữa 2 nền kinh tế thêm gần nhau hơn.
“Trung Quốc cũng có thể sử dụng các công cụ tài chính khác khi Fed tăng lãi suất. Điều này đã được Bắc Kinh dự đoán từ trước và sẵn sàng để không gây ra nhiều tác động tới thị trường”, chuyên gia Yu Yongding nhận định.
Trong khi đó, người đứng đầu Trung tâm nghiên cứu Trung Quốc tại Gavekal Dragonomics, Andrew Batson cho rằng, lãi suất ngắn hạn tại Trung Quốc hiện nay là chấp nhận được và việc thắt chắt thêm các quy định tài chính có thể tạo ra hiệu ứng không tốt tới các thị trường.
Bên cạnh đó, khả năng PBoC tăng lãi suất cũng khó xảy ra tại thời điểm hiện tại. Hiệu quả từ các đợt kiểm soát vốn, các giao dịch mua lại và kiều hối chuyển ra nước ngoài từ các công ty và cá nhân là lý do tích cực giúp PBoC giải tỏa sức ép và nỗi lo từ việc Fed tăng lãi suất.
Sau khi giữ ở ngưỡng 6,9 Nhân dân tệ (NDT) đổi 1 USD, tỷ giá giữa 2 đồng tiền này đã tăng 1,4% kể từ cuối tháng 5/2017. Năm ngoái, nhiều nhà phân tích từng dự đoán, tỷ giá NDT/USD có thể giảm xuống ngưỡng 7,3 NDT đổi 1 USD, thậm chí thấp hơn.
Việc đồng NDT tăng giá ngoài dự đoán cũng giúp giảm căng thẳng thương mại giữa 2 nước, đặc biệt sau cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi đầu tháng 4 vừa qua.