Trung Quốc “ghìm cương” hoạt động đầu tư ra nước ngoài

(ĐTCK) Trung Quốc đã chi tổng cộng 225 tỷ USD để mua lại các công ty nước ngoài trong năm 2016, cao gấp đôi so với năm 2015 và là một con số kỷ lục, cho thấy tham vọng của nhiều lãnh đạo doanh nghiệp nước này. 
Thương vụ Dalian Wanda mua lại Dick Clark Productions giá trị 1 tỷ USD đã đổ bể

Tuy nhiên, trong bối cảnh nguy cơ dòng tiền vẫn đang chảy khỏi Đại lục, giới chức Trung Quốc đã bắt đầu “ghìm cương” hoạt động đầu tư ra nước ngoài.

Trong động thái mới nhất thể hiện sự thay đổi chính sách của Bắc Kinh, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Zhong Shan cho biết, các nhà quản lý nước này đang có kế hoạch tăng cường kiểm soát hoạt động mua lại ồ ạt các công ty nước ngoài một cách “mù quáng và phi lý”. Trước đó, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc Chu Tiểu Xuyên cũng đã lên tiếng về tính hợp lý của một số thương vụ M&A mà các công ty Trung Quốc thực hiện thời gian gần đây.

“Một vài thương vụ hoàn toàn không phù hợp với các yêu cầu và chính sách đầu tư nước ngoài của Trung Quốc, như trong lĩnh vực thể thao và giải trí. Điều này không đem lại nhiều lợi ích cho Trung Quốc, thậm chí còn tạo ra phản ứng không tốt ở thị trường nước ngoài”, ông Chu Tiểu Xuyên nói.

Trên thực tế, thời gian gần đây, hàng loạt thương vụ M&A có liên quan tới Trung Quốc đã bị đổ bể, song không rõ là do Bắc Kinh chủ động can thiệp, hay bản thân các nhà đầu tư Trung Quốc tự rút lại quyết định.

Mới đây nhất, chủ sở hữu Dick Clark Productions, công ty điều hành giải thưởng điện ảnh danh giá Quả cầu vàng (Golden Globe Awards), thông báo thỏa thuận bán lại cho Tập đoàn Dalian Wanda (Trung Quốc) trị giá 1 tỷ USD đã đổ bể. Trước đó, Tập đoàn bảo hiểm Anbang Insurance cũng đã từ bỏ thương vụ mua lại tổ hợp nghỉ dưỡng và khách sạn của Starwood Hotels & Resorts tại Mỹ.

Rõ ràng, chính phủ Trung Quốc đã nhận ra đây là thời điểm thích hợp để “nhấn phanh” hoạt động đầu tư đang có xu hướng trở nên “hỗn loạn” ở nước ngoài, đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp nước này cần phải củng cố vị thế và tiềm lực tài chính của mình, thay vì chạy theo các thương vụ mua bán.

Một năm qua, nhiều gia đình và công ty Trung Quốc đã chuyển tiền ra khỏi Đại lục, trong bối cảnh xuất hiện những lo ngại về tăng trưởng kinh tế chậm lại, đồng nội tệ suy yếu và hàng loạt vấn đề nội tại không mấy tích cực khác của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Việc dòng tiền vẫn chảy ra bên ngoài khiến Bắc Kinh chịu thiệt hại nặng nề, khi Trung Quốc đã phải chi trên 1.000 tỷ USD trong 2,5 năm qua để kéo giá trị đồng Nhân dân tệ tăng lên và đe dọa tổn hại những nỗ lực của quốc gia này nhằm trợ giúp tầng lớp trung lưu.

Để giải quyết tình trạng trên, Trung Quốc đã triển khai mọi biện pháp hạn chế lượng tiền có thể chảy khỏi biên giới nước này. Nỗ lực thắt chặt việc chuyển vốn ra nước ngoài này đã phần nào đem lại kết quả khi số liệu tháng 2/2017 cho thấy, dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc đã bất ngờ tăng trở lại mốc 3.000 tỷ USD, đánh dấu lần tăng đầu tiên trong 8 tháng qua. 

Bên cạnh đó, Bắc Kinh cũng bí mật thông báo tới các ngân hàng thương mại của nước này rằng, bất kỳ khoản tiền nào có trị giá từ 5 triệu USD trở lên muốn chuyển ra nước ngoài đều phải có sự chấp thuận đặc biệt của cơ quan quản lý. Quy định này không chỉ nhắm tới các thương vụ M&A, mà còn là cách ngăn chặn các công ty toàn cầu chuyển lợi nhuận của họ tại thị trường Trung Quốc ra nước ngoài thông qua hình thức trả cổ tức.

Giới quan sát cho rằng, Trung Quốc có thể vẫn sẽ hoạt động tích cực trên thị trường M&A trong năm nay, đặc biệt khi các doanh nghiệp nước này bổ sung việc nắm giữ bí quyết kỹ thuật vào danh mục đầu tư ưu tiên của mình. Thương vụ lớn nhất của Trung Quốc trong năm ngoái là mua lại tập đoàn nông nghiệp khổng lồ Syngenta của Thụy Sỹ với giá 43 tỷ USD, dự kiến sẽ hoàn tất trong năm nay, dù vấp phải không ít rào cản pháp lý.

Dù sao đi nữa, các nhà phân tích nhận định, Trung Quốc sẽ không từ bỏ tham vọng trong dài hạn nhằm đưa các doanh nghiệp nước này vươn ra quy mô toàn cầu, song Bắc Kinh sẽ tìm cách hạn chế các thương vụ nhỏ lẻ, đồng thời khuyến khích xây dựng hình ảnh doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư bền vững và có trách nhiệm.

Việt Khoa (Theo báo chí nước ngoài)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục