Công ty Tài chính chứng khoán Trung Quốc (CSF) hiện đang nắm giữ khả năng tiếp cận và sử dụng nguồn tiền này. Số tiền 483 tỷ USD lớn gấp 25 lần quỹ hỗ trợ mà các công ty môi giới Trung Quốc thành lập vào đầu tháng 7/2015 và gấp 5 lần gói cứu trợ thứ ba mà các nước châu Âu vừa dành cho Hy Lạp.
Được biết, số tiền này có nguồn từ quỹ cho vay lại của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc và các ngân hàng thương mại khác, có thể được sử dụng để để mua vào cổ phiếu khi cần và hỗ trợ thanh khoản cho các công ty môi giới.
Hiện chưa rõ CSF sẽ dùng bao nhiêu tiền và sử dụng như thế nào để can thiệp vào TTCK trị giá 6,6 nghìn tỷ USD của Trung Quốc, tuy nhiên, theo Bocom International Holdings, quỹ này có đủ khả năng để khôi phục lại niềm tin của hơn 90 triệu nhà đầu tư cá nhân trên thị trường Đại lục.
Trước thông tin trên, chỉ số Shanghai Composite đã tăng 3,5% trong phiên ngày thứ Sáu (17/7), trở thành một trong những chỉ số tăng mạnh nhất trong tuần vừa qua.
CSF được thành lập vào năm 2011 nhằm mục đích cung cấp các nguồn tiền cho vay hoạt động ký quỹ đối với các công ty môi giới chứng khoán tại Trung Quốc. Giờ đây, CSF là công cụ chủ lực của chính quyền nhằm ngăn chặm đà suy giảm mạnh mẽ trên thị trường, khi chỉ số Shanghai Composite đã giảm tới 32% kể từ ngày 12/6.
Trước đó, CSF đã áp dụng hàng loạt phương pháp để cứu vãn tình thế khi TTCK lao dốc 3 tuần gần đây. CSF đang cho 21 công ty bảo hiểm vay khoảng 42 tỷ USD (260 tỷ nhân dân tệ) để họ có thể mua những cổ phiếu hàng đầu (blue chip), chưa tính tới việc hỗ trợ các công ty môi giới sẽ đưa hơn 20 tỷ USD vào thị trường. CSF cũng đưa ra cam kết sẽ mua một lượng lớn các cổ phiếu hạng vừa và nhỏ.
Với gói 483 tỷ USD này, James Laurenceson, Giám đốc Viện nghiên cứu quan hệ Australia – Trung Quốc cho biết: “Điều mà các nhà chức trách đang làm là khẳng định với thị trường rằng, nếu khủng hoảng xảy ra, họ đã có sẵn nguồn lực để giải quyết nó. Các quan chức tài chính trên toàn cầu vẫn thường đưa ra các thông điệp như vậy đối với thị trường tín dụng hay ngoại hối”.
Trung Quốc không phải là quốc gia đầu tiên trong lịch sử có các hành động can thiệp mạnh tay vào thị trường. Trước đó, giới chức Hong Kong đã mua 15 tỷ USD cổ phiếu nhằm nâng giá cổ phiếu khi khủng hoảng tài chính châu Á xảy ra năm 1998. Uỷ ban giao dịch chứng khoán Mỹ cũng từng tạm thời cấm bán ra cổ phiếu trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế 7 năm trước. Trong khi Nghị viện Mỹ tuyên bố dành 700 tỷ USD trong chương trình gọi là TARP năm 2008, nhằm giúp tái cơ cấu vốn của hệ thống ngân hàng nước này.
Các biện pháp gần đây, bao gồm cả việc dành sẵn 483 tỷ USD để “giải cứu” thị trường đều nhằm mục tiêu hỗ trợ cho giá của cổ phiếu. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, sự can thiệp quá mạnh của Trung Quốc đang khiến thị trường bị bóp méo. Các nhà quản lý quỹ, bao gồm cả Standard Life Investments và Aberdeen Asset Mannagement đã cảnh báo rằng, các hành động gần đây của Trung Quốc có thể đe dọa tới khả năng chứng khoán Đại lục tiếp tục bị trì hoãn đưa vào chỉ số toàn cầu của MSCI Inc.
Thêm vào đó, nhiều chuyên gia nhận định, TTCK Trung Quốc sẽ tiếp đà giảm, bất chấp nỗ lực của giới chức nước này. George Magnus, chuyên gia kinh tế cấp cao tại UBS Group AG cho rằng, chỉ số Shanghai Composite có thể giảm thêm 35% nữa, bởi TTCK phải được căn chỉnh bởi tốc độ tăng trưởng kinh tế. Trong khi TTCK Trung Quốc đã có bước tiến kỷ lục kể từ năm 2014 thì nền kinh tế nước này lại đang trong tình trạng trì trệ nhất kể từ năm 1990. Điều này là không hợp lý và TTCK Đại lục cần có thời gian để căn chỉnh lại.