Trong suốt hàng chục năm qua, Trung Quốc có thể tự hào vì là quốc gia đông dân nhất thế giới. Danh hiệu này chính thức được đưa ra trong những năm của thập niên 50, khi Liên Hợp quốc bắt đầu tổng hợp dữ liệu dân số các nước.
Dĩ nhiên, việc sở hữu dân số lớn nhất thế giới đem đến nhiều lợi thế nhất định. Nguồn cung lao động lớn có đóng góp không nhỏ đến tăng trưởng GDP hàng năm của Trung Quốc. Trung bình trong ba thập kỷ qua, mỗi năm nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng gần 9%.
Tuy nhiên, vào tháng trước Trung Quốc đã phải nhường lại danh hiệu quốc gia đông dân nhất thế giới cho Ấn Độ. Các xu hướng nhân khẩu học đằng sau thay đổi đó có những tác động đáng lo ngại đối với Trung Quốc.
Dân số trong độ tuổi lao động của Trung Quốc đã sụt giảm trong suốt một thập kỷ qua. Tổng số dân số cũng giảm trong năm 2022 và Trung Quốc đang già đi nhanh chóng. Những yếu tố này có nguy cơ cản trở tăng trưởng kinh tế nước này và tạo ra gánh nặng khổng lồ trong việc chăm sóc lực lượng người cao tuổi của đất nước.
Tuy nhiên, khi các quan chức ở Trung Quốc xem xét các giải pháp, họ gần như không tính đến phương án gia tăng lượng người nhập cư tại Trung Quốc.
Hiện tại, Trung Quốc có rất ít người nhập cư so với các nước khác. Trong số 1,4 tỷ dân của Trung Quốc, chỉ có khoảng 1 triệu người là dân nhập cư, tức chưa đến 0,1% tổng dân số.
Trong khi đó, tỷ lệ này ở Mỹ là 15%, ở Đức là 19% và ở Australia thì lên đến 30%. Khi so với các nước châu Á, tỷ lệ dân nhập cư của Trung Quốc cũng rất thấp. Người nước ngoài chiếm 2% dân số Nhật Bản và 3% dân số Hàn Quốc. Thậm chí ở Triều Tiên còn có tỷ lệ người nhập cư cao hơn cả Trung Quốc, theo Liên Hợp quốc.
Trong tháng 1 năm nay, Chính phủ Trung Quốc công bố danh sách 100 công việc thiếu nhân lực, bao gồm nhân viên bán hàng và người lao công, dọn dẹp.
Khảo sát cho thấy có khoảng 80% công ty sản xuất gặp phải tình trạng thiếu hụt lao động trong năm 2022. Nghiên cứu tháng 12/2022 chỉ ra rằng, gần một nửa trong số 400 triệu lao động cổ cồn xanh của Trung Quốc đã ngoài 40 tuổi.
Điều này cho thấy rằng Trung Quốc sẽ gặp khó khăn trong việc lấp đầy gần 30 triệu công việc thuộc ngành sản xuất vào năm 2025.
Trong quá khứ, nguồn nhân lực lao động trẻ giá rẻ và dồi dào đã giúp Trung Quốc lấp đầy những vị trí trên. Nhưng khi dân số già đi và thu hẹp lại, nguồn cung lao động đó cũng cạn kiệt dần.
Các doanh nghiệp đang phàn nàn về tình trạng chênh lệch giữa các công việc mà người trẻ mong muốn, số cử nhân đại học ngày càng tăng dẫn tới nhiều người trẻ Trung Quốc không muốn làm việc trong nhà máy, đây là một phần lý do khiến tỷ lệ thất nghiệp của những người trong độ tuổi 16-24 ở thành phố lên đến gần 20%.
Tại nhiều nước, dân nhập cư thường nhận các công việc không thu hút được dân địa phương vì mức lương quá thấp. Lao động nhập cư cũng giúp làm giảm gánh nặng tại những quốc gia có dân số già.
Nhật Bản cho phép các y tá nước ngoài chăm sóc cho người cao tuổi. Trên phương diện này, thách thức của Trung Quốc còn lớn hơn. Khác với Nhật Bản, Trung Quốc chưa kịp giàu đã già đi, điều này sẽ tốn chi phí ngày càng lớn cho chăm sóc y tế và xã hội.
Trung Quốc thừa nhận mình cần có thêm người trẻ. Chính phủ đã khuyến khích người dân sinh thêm con, nhưng những nỗ lực này vẫn chưa đạt được hiệu quả.
Năm 2016, Trung Quốc thiết lập hệ thống ba cấp cho những người xin thị thực việc làm. Hạng thấp nhất (hạng C) gồm những người có trình độ học vấn và kinh nghiệm làm việc tương đối ít. Tờ Economist cho biết những giấy phép này rất khó để được cấp.
Ngay cả những nhân tài hàng đầu cũng gặp trở ngại lớn. Năm 2004, Trung Quốc thiết lập hệ thống thẻ xanh để giúp những người lao động nước ngoài khá giả hoặc có tay nghề cao không phải nộp đơn xin lại thị thực mỗi năm để làm việc.
Tuy nhiên, dữ liệu mới nhất cho thấy, từ năm 2004 đến 2016, Trung Quốc chỉ cấp 11.000 giấy phép cư trú trong vòng 10 năm. Trong cùng giai đoạn đó thì Mỹ với dân số chỉ bằng 1/4 Trung Quốc đã phát hành gần 12 triệu thẻ xanh.
Tờ Economist cho biết, việc duy trì chính sách nhập cư khắt khe là quyết định đáng tiếc với Trung Quốc. Nới lỏng chính sách này sẽ giúp ích cho các lao động và còn khuyến khích sự sáng tạo, đổi mới. Google, LinkedIn và Tesla đều được đồng sáng lập bởi những người nhập cư đến Mỹ.
Điều thú vị là con đường dễ nhất để trở thành công dân Trung Quốc lúc này dường như là sở hữu tài năng thể thao vượt trội. Có khoảng chục cầu thủ bóng đá, hầu như đều không có gốc gác tại Trung Quốc đã được nhập tịch vào nước này năm 2019 và 2020 để cố gắng giúp nước này giành vé vào World Cup nhưng không thành công.
Một số vận động viên khác đa phần có bố mẹ sinh ra ở Trung Quốc cũng đều đã được cấp quốc tịch trước Thế vận hội Mùa đông năm 2022.