Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen bày tỏ quan điểm tin tưởng rằng, nước Mỹ vẫn có thể tránh được một cuộc suy thoái nghiêm trọng phía trước.
"Tôi cho rằng một cuộc ‘hạ cánh mềm’ là điều Mỹ hoàn toàn có thể đạt được. Tôi thực sự tin có một con đường để đưa lạm phát giảm xuống mà vẫn duy trì được một thị trường việc làm mà tất cả chúng ta đều cho là vững mạnh", bà Yellen nói.
Sau nhiều tháng lạm phát ở Mỹ dao động quanh ngưỡng cao nhất 40 năm, tốc độ tăng giá tiêu dùng ở nước này đang giảm dần gần đây. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) mới nhất cho thấy lạm phát ở Mỹ đã hạ về mức thấp nhất trong vòng gần 2 năm qua. PPI tháng 3 tăng 2,7% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi CPI tăng 5% so với mức tăng đỉnh điểm 9,1% ghi nhận trong quý 2 năm 2022.
Thị trường việc làm Mỹ duy trì được sự vững vàng tới mức đáng ngạc nhiên. Tỷ lệ thất nghiệp ở nước này hiện nay chỉ ở mức là 3,5%, gần mức thấp nhất trong nửa thế kỷ qua. Dù xét trên phương diện nào, thị trường việc làm của Mỹ hiện nay cũng đều mạnh hơn so với thời điểm tháng 2/2020, trước khi Covid trở thành đại dịch và làm khủng hoảng nền kinh tế toàn cầu.
Bà Yellen nói rằng, gần đây số đơn trợ cấp thất nghiệp lần đầu tăng lên, số công việc mà doanh nghiệp cần tuyển dụng giảm xuống, và tỷ lệ tham gia vào lực lượng lao động tăng, đây là bằng chứng cho thấy sự căng thẳng trong một thị trường lao động thắt chặt quá mức đã bắt đầu được giải toả, là một tin tốt đối với nước Mỹ.
Bà Yellen nhấn mạnh: "Tôi nghĩ thị trường lao động tăng và lạm phát giảm là hai mục tiêu có thể đạt được vào thời gian tới".
Quan điểm này của vị Bộ trưởng Bộ Tài chính có sự khác biệt so với hầu hết các chuyên gia kinh tế, những người cho rằng chừng nào thị trường lao động còn thắt chặt, lạm phát sẽ khó giảm về mức mục tiêu 2% mà Fed đã đưa ra.
Các chuyên gia kinh tế của ngân hàng Goldman Sachs hiện dự báo khả năng chỉ 35% kinh tế Mỹ sẽ rơi vào suy thoái trong năm nay.
Tháng trước, cuộc khủng hoảng ngân hàng bất ngờ bùng lên khiến thị trường tài chính toàn cầu bị chao đảo. Cuộc khủng hoảng đã nhanh chóng được kiểm soát nhưng vẫn có thể khiến các ngân hàng trở nên thận trọng hơn và họ đã thắt chặt các hoạt động cho vay.
Bất ổn trong hệ thống ngân hàng được xem là một trong những hệ lụy từ chiến dịch thắt chặt chính sách tiền tệ quyết liệt mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã đưa ra hơn 1 năm qua để chống lạm phát.
Đó là lý do vì sao nhiều chuyên gia kinh tế giữ quan điểm bi quan, trái với những đánh giá của bà Yellen. Một cuộc khảo sát do hãng tin Bloomberg đã cho thấy các chuyên gia đánh giá khả năng kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái trong năm nay là 65%.
Ngay cả những người thuộc phái lạc quan như bà Yellen cũng thừa nhận những rủi ro cao đang ở ngay phía trước. Tuy nhiên, sự vững chắc của nền kinh tế Mỹ ở thời điểm này là điều khó phủ nhận.
Thị trường chứng khoán Mỹ đang ở vào giai đoạn đầu của mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2023. Một loạt ngân hàng lớn đã công bố báo cáo cho thấy họ vẫn đang ở mức ổn định, nhiều doanh nghiệp khác đã có doanh thu và lợi nhuận tốt hơn dự báo. Giá dầu thô hiện đã giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái dù phản ánh mối lo về tăng trưởng kinh tế toàn cầu, nhưng cũng giúp giảm chi phí cho người tiêu dùng.
Tuy nhiên, mặc cho những lo ngại đó, giá cổ phiếu ở Phố Wall vẫn tăng. Chỉ số Dow Jones đã tăng 2,5% từ đầu năm; chỉ số S&P 500 tăng 8%; và chỉ số Nasdaq tăng 16%. Như vậy, thị trường đã tăng điểm trở lại sau đợt giảm mạnh năm ngoái - khi chứng khoán Mỹ chứng kiến đà giảm mạnh nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu cách đây hơn 10 năm.
Một cách lý giải khác là nếu suy thoái có xảy ra ở Mỹ trong năm nay, thì đó sẽ là một cuộc suy thoái nhẹ và ngắn, với tỷ lệ thất nghiệp không tăng nhiều.