PBOC đã hạ lãi suất chính sách 0,1% xuống 2,75% vào thứ Hai (15/8). Tất cả 20 nhà kinh tế được Bloomberg thăm dò ý kiến đều dự báo lãi suất các khoản cho vay trung hạn sẽ không đổi ở mức 2,85%.
Xiaojia Zhi, chuyên gia kinh tế tại Credit Agricole cho biết, việc cắt giảm lãi suất cho thấy chính quyền Trung Quốc vẫn "quan ngại sâu sắc về tăng trưởng và nhu cầu tín dụng chậm chạp, trong khi áp lực lạm phát đang ở mức nhẹ”.
Động thái này diễn ra ngay trước khi Chính phủ Trung Quốc công bố dữ liệu kinh tế tháng 7, dữ liệu này có thể sẽ cho thấy sự phục hồi hỗn hợp ở Trung Quốc: đầu tư bất động sản dự kiến sẽ suy yếu, tỷ lệ thất nghiệp có thể sẽ vẫn cao, trong khi sản lượng công nghiệp và doanh số bán lẻ có thể được cải thiện. Các đợt bùng phát Covid ở đảo Hải Nam cũng đang ảnh hưởng tới triển vọng tăng trưởng, với các ca bệnh tăng cao nhất trong ba tháng.
Ngoài ra, dữ liệu tăng trưởng tín dụng tháng 7 cũng sẽ được công bố trong tuần này và được dự báo ở mức thấp khi các khoản vay mới và phát hành trái phiếu doanh nghiệp chậm lại. Các số liệu nêu lên rủi ro của một bẫy thanh khoản, trong đó nới lỏng tiền tệ không thể thúc đẩy cho vay trong nền kinh tế.
Ken Cheung, Giám đốc chiến lược ngoại hối châu Á tại Mizuho Bank cho biết, bất chấp cảnh báo về lạm phát cơ cấu và tình trạng thanh khoản dồi dào, rủi ro suy giảm chiếm ưu thế đối với tăng trưởng và dữ liệu tín dụng yếu đã khiến PBoC phải hạ lãi suất chính sách.
Việc cắt giảm lãi suất đã làm gia tăng sự khác biệt giữa lập trường nới lỏng chính sách của PBOC và các ngân hàng trung ương lớn khác đang thực hiện thắt chặt chính sách tiền tệ để kiềm chế lạm phát tăng vọt. Điều đó làm tăng rủi ro cho đồng nhân dân tệ khi áp lực dòng vốn chảy ra tăng lên. Động thái này cũng gây bất ngờ khi PBOC gần đây đã cảnh báo nguy cơ lạm phát gia tăng, mặc dù nhu cầu trong nước vẫn ở mức thấp, giữ cho áp lực giá tổng thể trong tầm kiểm soát.
Việc giảm lãi suất đã nhấn mạnh mức độ nghiêm trọng của các thách thức về vấn đề tăng trưởng kinh tế. Các nhà chức trách của Trung Quốc vào tháng trước đã tuyên bố sẽ đạt được “kết quả tốt nhất” có thể cho tăng trưởng kinh tế trong năm nay, trong khi vẫn tuân thủ chính sách Zero Covid nghiêm ngặt và hạ thấp mục tiêu chính thức là tăng trưởng khoảng 5,5%. Các nhà kinh tế được Bloomberg thăm dò ý kiến dự báo nền kinh tế Trung Quốc chỉ tăng trưởng 3,8% trong năm nay.