Mái chùa che chở hồn dân tộc
Lần nào tới Thiền viện Tây Thiên, tôi cũng nhận thấy một niềm hỷ lạc, an vui, tự tại hiện diện trong lòng mình. Ở đó, những lúc mệt mỏi vì nắng gắt hay vì những lo toan tầm thường, phóng mắt từ Bửu Điện mà gặp tượng Phật Quan Âm Bồ Tát, chỉ một vài phút chiêm bái những nét đại từ bi trên khuôn mặt Ngài, lòng tôi cũng đã được an lạc.
Ở đó, mỗi lần lắng tai nghe tiếng chuông Đại Hồng Chung âm ba trầm lắng lúc chiều tà, hay âm thanh mạnh mẽ như thác đổ của thời kinh Hoa Nghiêm vang lên đều đều lúc trời còn mờ sáng, một ngày mới của tôi lại như vừa được tiếp thêm nhựa sống.
Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên thuộc dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử, là 1 trong 3 thiền viện lớn nhất của Việt Nam hiện nay và được xây dựng bên cạnh Khu di tích danh thắng Tây Thiên cổ tự. Tương truyền từ thế kỷ 3, nhà tu hành Ấn Độ Khương Tăng Hội trong chuyến viễn du sang phía Đông, gặp cảnh núi rừng u tịch và trang nhã đã chọn Tây Thiên làm chốn nghỉ chân và truyền bá đạo Phật.
Trong hệ thống núi đồi trùng điệp chạy tới chân trời của rừng nguyên sinh Tam Đảo, Trúc Lâm Tây Thiên tạo với các huyết mạch quốc gia như Đền Hùng, cố đô Hoa Lư, núi Tản - sông Đà và các trụ xứ Phật giáo thâm uy như Chùa Hương, Yên Tử... một thế phong thủy vững chãi, dựa lưng vào mạch núi thiêng mà tỏa xuống đồng bằng rộng mở và hướng ra biển lớn.
Ngày nay, Trúc Lâm Tây Thiên không chỉ là ngôi chùa hội tụ và gìn giữ nét tinh hoa Phật giáo cổ xưa, mà còn là nơi giảng dạy những giáo lý nhà Phật để giúp con người thoát khỏi khổ đau, mà an vui với đời. Đó là vốn văn hóa quý giá của dân tộc.
Ngay từ cổng Tam quan của Thiền viện nhìn lên đã thấy thấp thoáng trong mây cảnh sắc sơn thủy hữu tình và u tịch. Dòng thác Bạc trắng xóa như dải lụa ngân hà rơi xuống từ trời xanh điểm xuyết vào khung cảnh vốn đã rất nên thơ, hữu tình ấy thêm một đường nét mềm mại, hài hòa.
Những cây thông hàng ngàn năm tuổi, kiêu hãnh vươn mình tỏa bóng cho các lối đi. Một ngày ở đây, người ta có thể thưởng thức được dư vị của bốn mùa trong một năm: lúc bình minh là gió Xuân dịu nhẹ, trưa hè là nắng Hạ chói chang, chiều về là tiết Thu se lạnh và sương giăng mù của mùa Đông khi bóng đêm đổ xuống.
Cảnh vật nơi đây tinh khôi, nguyên sơ và u tịch khiến tôi phải thầm kính nể cái nhìn thẩm mỹ của vua Hùng ngày xưa thường hay lui đến xứ này. Người xưa sao khéo chọn nơi đẹp đẽ đến vậy để tới thưởng ngoạn.
Một không gian xanh, nên thơ, nơi những ngôi chùa nằm lặng lẽ trong rừng cây cổ thụ ngàn năm che chở cho mái chùa qua bao mùa mưa nắng và thời gian. Nhẹ nhàng bước qua khu đền đài cổ kính, bạn sẽ thấy lòng thanh tịnh rất đỗi bình yên và cảm nhận được:
Men theo một con đường lát đá nhỏ quanh co trong rừng, bốn bề mây bay, gió thổi chừng 3 - 4 km sẽ tới khu tịnh thất. Đây là nơi các lớp giảng đạo được tổ chức mỗi tuần cho các Phật tử trẻ tuổi.
Theo nhiều tài liệu, tịnh thất Tây Thiên ban đầu chỉ là một thảo am nhỏ của ba sư cô trẻ ẩn tu, sau đó phát triển rộng rãi theo pháp môn Mật Tông Tây Tạng của dòng truyền thừa Drukpa 800 năm tuổi và chỉ nhận sư nữ.
Nếp sống muôn đời của tổ tông
Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên dù trải qua bao biến cố thăng trầm vẫn luôn gìn giữ được những giá trị tinh hoa, tầng tầng lớp lớp văn hóa Phật giáo cổ xưa của dân tộc, đã góp phần hình thành nên nhân cách cho chúng tôi, để hôm nay chúng tôi có thể sống giá trị, ý nghĩa và sống hợp với lẽ thật của cuộc đời.
Trở về Thiền viện tầm sư học đạo, chúng tôi giũ bỏ hết những duyên sự ràng buộc của cuộc sống thường nhật, chỉ còn đây sự thương yêu nhau. Có nhiều bài học của Đức Phật rất gần gũi, thiết thực, giúp các Phật tử tại gia - những người sống trong đời sống thế tục với các mối quan hệ gia đình và xã hội tìm thấy an lạc, hạnh phúc ngay trong hiện tại.
Đức Phật dạy người Phật tử phải đặt đời sống đạo đức lên đầu, phải biết làm bạn với thiện, phải có lòng tin chân chính, có trí tuệ và biết bố thí, làm những việc có ích cho xã hội và kết bạn hiền. Người Phật tử tại gia cần phải giữ sự cân bằng giữa đời sống vật chất và tinh thần. Sự nghèo nàn hoặc mất cân đối giữa vật chất và tinh thần đều dẫn đến những bất ổn trong đời sống. Khi đã có tài sản phải biết giữ gìn, bảo hộ không để của cải bị tiêu tán. Đó chính là nguồn cội của an vui, là yếu tố tạo sự bền vững, hạnh phúc lâu dài ngay trong đời sống thường ngày.
Điều đó cho thấy Đức Phật không chỉ quan tâm đến đời sống xuất gia, giác ngộ, giải thoát, mà Ngài còn quan tâm đến đời sống thế tục của những ai còn vương vấn bụi trần. Giúp cho những người có nhân duyên với Ngài, có nhân duyên với giáo pháp của Ngài đạt được sự thăng bằng vững chãi để có sống cuộc sống hướng thượng. Đó cũng có nghĩa là đóng góp cho sự hài hòa, ổn định của xã hội.
Thế nhưng, mỗi người mỗi nghiệp, mấy ai đủ dũng khí để “buông”, bởi thế mà phiền não, trầm luân không dứt.
Tôi chợt ngộ ra rằng, thực sự nếu có một giây phút nào đó thoáng qua trong đời, mình biết được chuyện sai- đúng, xấu đẹp, thì lúc đó chưa chắc đã còn cơ hội làm gì nữa. Bởi vì khi trẻ, mình đã lỡ sống ào như một quán tính mất rồi.
Tuổi tác sinh học không đủ để con người biết đúng sai trong cuộc đời, mà chính những giờ phút an lạc trong vòng tay Ngài sẽ làm cho thân tâm được bình an hơn.Cuộc đời hóa ra là một sự trả vay. Cho nên kiếp này tôi nguyện được vui vẻ trả và quyết sẽ không vay.
Tôi xin mượn câu trả lời của Quốc sư trên núi Yên Tử với Đức vua Trần Nhân Tông để kết thúc bài viết này:"Núi vốn không có Phật, chỉ có ở tâm - Lắng tâm mà thấy, đấy gọi là chân Phật”. Từ đây, mỗi người đều có thể tự tu, tự chứng, tự ngộ để bước vào một đời sống hạnh phúc an lạc và vun bồi cho cây giác của mình thêm đơm hoa kết trái…
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com