Dải lụa giữa lưng chừng trời...

(ĐTCK) Nhiều người bảo tôi dở khi quanh Hà Nội thiếu gì vui chơi cuối tuần vừa đẹp, vừa tiện, hà cớ gì phải trèo đèo, lội suối, vượt bao nguy hiểm hơn 300 km lên núi cắm trại. Nhưng anh bạn người Yên Bái bảo rằng, tháng 5 mà lên thác Háng Tề Chơ thì đẹp lắm, cứ như một dải lụa hững hờ ai đó dán vào sườn núi ấy. Một lời mời như thế thử hỏi ai mà chối từ cho được. Vậy là tôi đi.
Dải lụa giữa lưng chừng trời...

Tưởng dải ngân hà tuột khỏi mây

Trong tâm thức rất nhiều người, thác Háng Tề Chơ hẳn còn là một cái tên lạ và đầy bí ẩn, bởi nó nằm sâu trong bản Đề Cơ xa xôi, tận miền Tây Yên Bái.

Tồn tại ở đây đã lâu, nhưng Đề Cơ vẫn là một trong những bản nghèo nhất tỉnh và có lẽ là một trong những bản nghèo nhất cả nước. Những dãy núi trùng điệp, bao phủ tứ bề sát nhau như răng lược đã cho người Mông ở đây một chỗ ẩn cư lý tưởng.

Nơi núi non hiểm trở này mà tìm được chỗ đất bằng phẳng cỡ 1 ha thôi cũng là điều không thể. Vì vậy, để kiến tạo nên chỗ sống, người ta phải dựa vào thế núi. Chỗ này thì phải giật từng bậc thang ôm lấy lườn núi đỏ bầm, chỗ kia phải dồn đất xuống lũng sâu như hang con thú nào mới dũi. Cứ thế, chỗ này một căn, chỗ kia một căn bấu cheo leo vào vách núi mà tồn tại.

Nhưng, dường như đã có một sự bù trừ bí ẩn nào đó khi Đề Cơ mang tiếng là bản nghèo nhất mà có đến 2 địa điểm du lịch phượt quý giá là dốc Tà Si Láng chất ngất và thác Háng Tề Chơ đẹp như tranh.

Đường vào tới con thác hùng vĩ, huyền thoại và đẹp như một dải lụa vắt ngang mây này quả là gian nan không kể xiết. Tôi cứ ngỡ lối vượt dốc Tà Si Láng đã là hiểm trở nhất rồi, hóa ra chưa là gì so với cung đường từ Làng Nhì vào Đề Cơ.

Mất gần 1 ngày chạy xe từ Văn Chấn, qua dốc Tà Si Láng, chúng tôi đến với UBND xã Tà Si Láng, rồi gửi xe ở lại. Từ đây, cả đoàn phải men theo đường mòn với hơn 10 con dốc thẳng đứng khoảng 25 - 30 độ toàn đường đất để tìm đến con thác.

Tôi có cảm giác mình như chú kiến bám vào sợi chỉ rối mà leo mãi một chiều dốc không cùng. Giữa trưa mà gió lạnh trên sườn núi thốc vào mặt như ngàn vết kim đâm. Con đường khó đi quá, hiểm trở, lồi lõm, chênh vênh quá.

Những đầu gối lâu ngày không có cơ hội trèo đèo lội suối của chúng tôi như khụy xuống, đám cơ căng hết cỡ mỗi khi chân nhích lên từng bậc. Tôi nghe rõ cả tiếng thở, nhịp tim đập lên ào ào của người đi trước. Gió đã đưa lại hơi lạnh và tiếng rầm rầm của con thác Tề Chơ. Xa xa là một dòng nước trắng xóa như sữa, hững hờ rơi xuống từ đỉnh núi như dải ngân hà tuột khỏi mây.

Nhìn vậy thôi, nhưng từ chỗ tôi đứng tới đó phải hàng cây số. Chúng tôi thi nhau thở, thi nhau cười ngất trong buổi trưa tháng 5 nắng cháy. Cả đoàn cứ lần theo dòng nước trong veo, có những hòn sỏi và những đàn cá nhỏ màu thủy tinh đỏng đảnh nơi đáy nước. Cứ thế mà bước đi thì cũng đến được con thác Háng Tề Chơ huyền thoại tận trên đỉnh cao như được ai treo vào vách đá.

Thác Háng Tề Chơ trầm ngâm đứng đó một mình với rừng xanh, với mây trắng bồng bềnh, với đôi bờ mê mải những thảm cỏ xanh. Thác chỉ có một dòng trắng xóa như tấm màn vắt vào thành đá, bám rễ rừng mà xuống tới đây.

Nắng chiều duyên dáng chiếu sắc cầu vồng năm bảy màu vào dóng nước mang đến cho con người cảm giác dễ chịu, vỗ về lòng người trước cảnh thiên nhiên hùng vĩ. Anh bạn tôi sững sờ ngắm nhìn rồi thốt lên: “Đẹp, đẹp quá em ơi. Anh người Yên Bái mà mãi đến bây giờ mới biết trên quê hương mình có một cảnh sắc đẹp đến thế”.

Tôi giơ điện thoại lên định chụp rồi ngẩn ngơ tiếc khi qua một chặng đường dài vất vả, cái điện thoại già nua trên tay đã hết pin từ bao giờ. Đúng là ông trời chả cho hết ai, cũng chả lấy hết của ai cái gì. Tôi nén thân hình tong teo của mình xuống tảng đá cạnh thác, rồi nằm xem cả đoàn trổ tài chụp choẹt của mình.

Đẹp quá và cũng buồn cho tôi quá!

Hoàng hôn miền rừng xuống thật nhanh. Trên ruộng nương trời đã nhập nhoạng tối. Một vài phụ nữ người Mông váy áo sặc sỡ lưng địu con đã bắt đầu đi về phía ánh lửa bập bùng của bản làng. Trên con đường nhỏ ấy, đám trẻ tóc tai rối bời thi xem ai chạy về nhà nhanh hơn. Mùi mồ hôi trẻ con và hương núi rừng hòa vào nhau thơm phức. Đâu đó giữa các khe núi và trên tầng cao, có tiếng chim í ới gọi nhau về tổ ấm. Chúng bay ngang qua đầu chúng tôi. Chim nhớ chim như người nhớ người. 

Nghiên mực tàu ai lỡ đổ vào trời đêm

Chiều muộn. Trời tạnh ráo, mây quang. Ánh sáng duy nhất giữa đêm tối mịt mùng là từ bếp lửa trải dài ở phía bản Đề Cơ. Những ngôi nhà đã cài then sập cửa. Bây giờ chúng tôi có muốn đổi ý lên đó ngủ nhờ cũng đã muộn rồi. Phụ nữ Mông có tục chồng đi vắng thì đêm xuống không được mở cửa cho người lạ vào.

Cả đoàn người cởi đồ, người dọn dẹp để mau chóng có một chỗ khô ráo đốt lửa trại. Đêm nay chúng tôi sẽ ngủ lại đây. Tháng 5, đêm mềm như tấm lụa thả xuống rừng. Trăng non về sáng chừng như thức khuya quá đầy vẻ ngái ngủ, khiến không gian càng mênh mông. Gió từ thác thổi lạnh buốt, đút hai tay vào túi, tôi cuộn tròn trong lều, để hé cửa ngước lên nhìn bầu trời. Bây giờ, mặt trăng là một lưỡi liềm bị mây mờ che phủ.

Đêm thác Háng Tề Chơ không ngủ. Một đêm sắt se mờ đục, chỉ có những vì sao sắp tắt tận cuối trời. Tuổi 20 của tôi cũng là những đêm mất ngủ như vậy. Bên bờ thác, tiếng gà gáy nghe thật buồn day dứt… Ngược chiều gió, trong đêm, có bóng áo trắng chấp chới với bước chân ngập ngừng nửa muốn tan, nửa muốn hiện.

Không ngủ được, tôi thức dậy rảo chân về phía có tiếng chó cắn, gà gáy. Bấy giờ đã 5h sáng. Hừng đông đã rạng. Phía xa xa, ông mặt trời đang cựa mình thức giấc.

Màn đêm âm u loang ra một màu trắng sữa xem chút ửng hồng. Thứ sáng trắng của dòng thác trong trẻo lạ kỳ. Tiếng chim ném vào sớm mai âm thanh mật ngọt. Tôi mạnh dạn đi về phía có khói. Người ta đã gom thân cây ngô khô từ hồi nào, chất thành đống to để đốt chuẩn bị cho vụ mùa tới.

Từ khi xa nhà, lâu lắm rồi, tôi cứ nao nao thương nhớ mùi nương rẫy. Tây Bắc tuổi thơ tôi - nghèo đói, nhọc nhằn, ngây thơ và trong trẻo tuyệt vời - là vốn liếng vô giá đầu đời của mọi đứa trẻ như tôi. Những cây ngô cây lúa bắt núi phải quỳ xuống làm ngựa, dựa vào đá mà mọc lên cao mãi.

Có phải đêm nay, khi tôi về lại một chốn thân tình như Tà Si Láng, như Háng Tề Chơ, Tây Bắc biết đứa con mình muôi bằng dòng sữa ngọt ngày nào đã về, nên làm bếp đỏ đầu bản đượm lửa hơn. Tôi ngửi thấy mùi khói cay cay, chua chua, miên man nghĩ mình vẫn là đứa bé con hôm nào theo cha mẹ lên rừng chặt củi, ngăn vách làm lớp học.

Tiếng chim rừng đã vang lên lảnh lót. Giọt nước trong xanh từ thác ghềnh đọng lại trên vạt lá rồi ẩn mình vào đám mây trôi ngang trời. Vũ trụ đã bước vào cuộc giao hoan kỳ vĩ, ngập tràn ánh sáng của nắng và mưa.

Chúng tôi vội dậy gói gém đồ đạc, nhờ một thanh niên tên A Giàng xách hộ đồ, đưa ra UBND xã. Cả bao tải đồ nặng như vậy, 2 người bê vác mãi mới lên tới đường chính, mà A Giàng dù người nhỏ, vẫn gùi phăng phăng trên đá, trên núi.

Chúng tôi trả tiền công, biếu A Giàng 200.000 đồng làm quà và chút bánh kẹo còn lại cho vợ con. Anh lấy bánh, còn tiền trả lại. Anh bảo, người Mông ở đây sống vô tư lắm, sống trong thiếu thốn nhưng không phải trong tuyệt vọng.

“Nhà em sống dựa lưng vào rừng, vào rẫy, chăm chỉ làm ăn 4 đời nay vẫn nuôi được các con nên người mà”, A Giàng vô tư nói.

Ngoài kia, rừng vùng biên đang xào xạc mùa thay lá. Không biết đến khi nào lòng tôi mới thôi mang cảm giác choáng ngợp trước sự bình yên, nhẹ nhàng mà thiên nhiên đã hào phóng ban tặng và được chính con người nơi đây giữ gìn.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com


Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục