Phượt trên Tà Si Láng

(ĐTCK) Nhóm phượt của chúng tôi gồm 6 người, vừa nhắc đến Tà Si Láng là cả hội rồ lên “vote” và “like” ngay. Địa điểm này từ lâu đã là một cung đường “offroad” lý tưởng dành cho nhiều phượt thủ, là ‘tứ đại tử địa’ của miền Tây Yên Bái. Hai ngày nghỉ lễ 30/4 chính là cơ hội tuyệt vời cho cả hội lên đường.
Phượt trên Tà Si Láng

Cung “tử địa” với những con đường ngược dốc

Offroad là từ những người đi phượt hay dùng để nói đến các cung đường không bao giờ bằng phẳng, mà khi thì ghồ ghề, khi thì lầy lội, đá lởm chởm, khi thì dốc cao, vực sâu và nhiều khi là đường rừng. Người mê offroad phải là người mở đường ở những nơi như thế.

Phượt đêm để tránh cái nắng 40 độ là một việc làm táo bạo được chúng tôi quyết định ở phút chót. Đúng 6h chiều, 3 chiếc xe wave như những con chiến mã căng diều bắt đầu xuất phát từ Đại học Quốc gia Hà Nội. Dòng xe đông đúc cứ thưa dần thưa dần rồi mất hút sau lưng.

Chúng tôi như đàn kiến chăm chỉ, men theo hướng Quốc lộ 32 qua Thanh Sơn, vượt đèo Thu Cúc chỗ lở chỗ sạt trong đêm mưa tầm tã. Cứ xuyên mưa đi mãi cũng đến được huyện Văn Chấn - Yến Bái lúc 3h sáng. Từ đây, hành trình chinh phục Tà Si Láng mới thực sự bắt đầu.

Phượt trên Tà Si Láng ảnh 1

 Dốc Tà Li Láng là một cung đường “offroad” lý tưởng dành cho nhiều phượt thủ

Có thể chia hành trình đến với “tứ đại tử địa” của chúng tôi làm 2 chặng, với độ khó ngày tăng và những con dốc ngày một cheo leo, lắt léo như thử thách sự nhẫn nại của con người.

Chặng thứ nhất, chúng tôi xuất phát từ thị xã Nghĩa Lộ tới Phình Hồ. Quãng đường khoảng 10 km nay đã được lát nhựa gọn gàng, nên rất dễ đi. Hai bên đường là những đồi chè cổ thụ lâu năm, trầm ngâm đứng đó ngắm nhìn toàn bộ trung tâm huyện Trạm Tấu phía dưới chân đèo.

Chặng thứ hai, từ Phình Hồ lên tới Làng Nhì, chính là con dốc Tà Si Láng đè đá, bám núi ở đó hơn nửa thế kỷ qua. Con dốc dài loằng ngoằng, không có lan can hai bên đã dự báo trước một hành trình đầy gian khổ.

Ngay từ những phút đầu xe rồ ga lao đi, tôi ngồi sau tay lái đã thót tim theo từng góc cua. Xe xóc nảy tưng tưng, thỉnh thoảng gặp chỗ đất ướt lại trượt bánh quay ngang, căng thẳng như trong cuộc đua địa hình.

Phượt trên Tà Si Láng ảnh 2

Tôi phải cắn chặt hai hàm răng, ôm chắc xế nếu không muốn bị văng ra. Miệng tôi thì không thể ngừng cầu nguyện: Đừng để con dốc nuốt chửng xe mình. Nghe tôi tỏ sự kinh hãi, anh xế bình thản, tại em không quen nên cảm giác thế, chứ nhiều cô giáo dạy học trong này, cứ mỗi chiều thứ Sáu vẫn phóng xe dốc Tà về tận Văn Chấn với chồng con, rồi sáng sớm thứ Hai quay lại, bao nhiêu năm nay cắm bản đều như vậy rồi.

Đến giữa dốc, một trong những chiếc xe của đoàn bị đứt xích, tụt lại phía sau. Những khúc cua ở đây đã hạ gục một xế phượt lâu năm nhất. Mất gần 2 tiếng đồng hồ sửa xe, chúng tôi mới có thể tiếp tục lên đường.

Trời đã ngả chiều và thật may mắn, cơn mưa sáng nay đã tạnh hẳn, nhường chỗ cho những tia nắng cuối ngày hắt lên. Nhìn những tia nắng hồ hởi vạch mây bước ra, tôi tin đây sẽ là một cuộc thi tài có nhiều người về đích.

Qua con dốc cao thì đến đoạn đường offroad liên tục với đá tai mèo, đá tảng, đá dăm trải dài 7 km để lên đến xã Làng Nhì. Đây chính là con dốc Tà Si Láng cheo leo đi vào huyền thoại. Tôi phải ồ lên kinh ngạc khi lần đầu trong đời nhìn thấy độc nhất một con đường nhỏ đang vắt ngang qua khu rừng đá, cheo leo giữa mây mù và mưa phùn. Con đường mềm mại như một sợi dây thừng buộc trâu, tuy có đoạn phồng đoạn xẹp thô nhám.

Phượt trên Tà Si Láng ảnh 3

Sợi dây thừng luồn lách qua những khe đá ngồi, đá nằm, đá đứng, đá quỳ… Cứ gồng lên rồi bám lấy núi mà thành đường đi. Đá dưới chân chúng tôi xám ngoét, lè nhè như dọa người. Đường lỏng lẻo oằn mình mà đẹp như một thỏi bạc.

Chiếc wave của tôi rất khỏe, như con ngựa chiến lầm lũi leo dốc ngược bằng số 1, nhảy chồm chồm trên con đường khấp khểnh đá. Qua dốc Cổng Trời, trước mặt chúng tôi là đoạn đường bị sạt đêm qua chỉ còn cái vệt khoảng 20 - 30 cm đủ cho 1 chiếc xe.

Không thể xuống dắt vì không đủ chỗ, chúng tôi chỉ còn biết nhắm mắt phi xe qua đoạn này trong sự lo sợ đến nín thở. Cánh rừng hoang vắng không bóng người, chỉ có tiếng chim kêu mệt mỏi đâu đó xen lẫn tiếng xe rì ga, nổ máy và tiếng của chúng tôi hò nhau cố gắng vượt qua quãng này. Xe tôi tuy nhỏ nhất đoàn, nhưng cứ một mình lao vun vút về phía trước bằng tất cả tinh thần và ý chí của tuổi trẻ.

Đi mãi đi mãi. Khoảng chừng 1 tiếng sau, cuối cùng chúng tôi cũng thoát ra khỏi con dốc đá âm u này.

Tà Si Láng có gì ngoài những “hoang sơ”

Đến UBND xã Tà Si Láng thì gặp ngay cơn mưa dày hạt. Có lẽ đường trước mặt đã trơn tuột như lươn, nên chúng tôi quyết định ngủ đêm lại đây chứ không đi vào Làng Nhì nữa. Bóng rừng và những con đường đá đã lùi về sau lưng. Chiều mờ dần.

Tuy chưa ai qua được kỳ thi phượt thủ lần này, nhưng có lẽ, cung đường Tà Si Láng sẽ làm chúng tôi nhớ nhất. Bởi qua một hành trình nhiều háo hức và mệt mỏi, cuối cùng chúng tôi cũng đến được với quê hương của những con dốc ngược cao chót vót và tình bạn được thắp lên ngay giữa miền núi cao hẻo lánh này.

Chúng tôi ngồi bên nhau dưới cái nắng cuối ngày, lẩy bẩy như người ốm dậy, bình yên tận hưởng không khí trong trẻo, hoang sơ để thấu cho hết cái khổ tận cam lai mà tự mình đã dành cho dòng máu xê dịch của mình.

Anh bộ đội biên phòng thấy khách lạ tới thì vội vã đi về phía Ủy ban. Ở nơi xa xôi heo hút, ngẩng lên thấy đá, nhìn xuống cũng là đá, mà lại gặp được một người miền xuôi lên đây thì gì vui bằng.

Tay bắt mặt mừng, anh dừng lại với chúng tôi rất lâu. Anh kể, anh đã sống ở đây tới 10 mùa Đông. Những ngày đầu tới miền đất xa ngai ngái, mỗi mùa mưa đến lại chạnh lòng vì sợ mẹ già ở quê không ai chạy lũ. Chắc giờ này quê hương anh vẫn thế thôi. Không già đi và không cũ thêm.

Ùa ra đón chúng tôi là nhiều đứa trẻ nhỏ và thấp, không rửa mặt, đầu tóc rối bù, nhưng có một điểm chung mà ai cũng nhận ra, đó là những ánh mắt rất giống nhau. Những ánh mắt quen đi rừng, nhìn xa canh thú dữ và quen nhìn núi đá. Từ sáng sớm tinh mơ, chúng theo cha mẹ lên nương, chiều về trên vai đầy ự một lù cở khoai, sắn.

Phượt trên Tà Si Láng ảnh 4

 Đường vào Tà Si Láng

Cái nghèo, cái đói cứ ôm ấp Tà Si Láng quanh năm, 1 - 2 tháng thiếu ăn lúc giáp hạt là chuyện thường, nên con chữ đến được với những đứa trẻ quả thực không hề đơn giản chút nào.

Anh chỉ vào cái bản người Mông bé tẹo, lọt thỏm giữa nương và bảo, cái bản kia leo pheo như thế, hoang tàn, cô liêu là thế nhưng vẫn sống và cựa quậy ở đây bao nhiêu năm ròng và sinh ra toàn những phụ nữ đẹp.

Trong cái lều nhỏ và thấp nhất bản, tôi thấy thấp thoáng bóng một người phụ nữ mặc trang phục truyền thống người Mông, địu con trên lưng nhìn chúng tôi lơ đễnh. Con người ở đây họ rất thật lòng, nghĩ gì nói đó, không có những giả tạo của thể giới văn mình tồn tại.

Anh bộ đội biên phòng tiếc người nên giữ chúng tôi ở lại tới tận chiều hôm sau mới cho xuống núi, vì địa chất vùng Tây Bắc rất phức tạp. Núi đấy mà là tựa cát, có thứ hồ của trời đất kết dính cát mà thành núi. Bất kỳ chả hẹn, mưa gió đổ xuống, núi mà cựa mình thì khó lường trước được.

Anh còn cẩn thận cho một chàng trai người Mông dẫn chúng tôi ra tận Phình Hồ. Chúng tôi đi xe máy, anh người Mông cứ rảo chân bước một mình theo sau. Trên lưng anh còn cõng thêm mùa xuân đầu tiên trong đời làm bố, ngày 2 lần đi và về.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com


Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục