Sầm Sơn - “Thiên đường”đầy mê hoặc của xứ Thanh
Trước khi trở thành tín đồ của biển, tôi đã từng là một người rất yêu nước hoa. Mùa hè của tôi là những ngày làm việc đơn điệu 12 tiếng trong các tòa nhà cao chọc trời, điều hòa mát lạnh từ sáng đến tối, như thể chẳng có tia nắng nào trên mặt đất cả.
Ngày đó, tôi tự thổi mát tâm hồn mình bằng những lọ nước hoa mang hương vị biển cả, không mặn mòi vị cá, mà dịu êm như những con sóng. Ai có thể cưỡng lại được sự quyến rũ từ những bờ cát trắng phau trải dài, những con sóng bạc đầu mát lạnh và cảm giác sảng khoái tột đỉnh của làn nước xanh thẫm mang lại.
Cho đến một ngày, tôi tự hỏi mình, cứ dùng mãi nước hoa để lừa mình như vậy có đủ không? Có đủ cho một mùa hè nắng vàng? Có đủ cho một tuổi trẻ đã sẵn sàng không? Chỉ cần như thế, tôi lên đường ra biển.
Ảnh: Vũ Xuân Đức
Nếu có một vài ngày cuối tuần rảnh rỗi, tôi khuyên các bạn nên bắt xe khách hoặc tự đi xe máy khoảng 4 giờ đồng hồ từ Hà Nội để đến với Sầm Sơn. Sau nhiều năm nỗ lực cải tạo lại bãi biển và dịch vụ du lịch, giờ đây, Sầm Sơn chắc chắn đủ sức “gây thương nhớ” với bất cứ ai.
Sở hữu 3 bãi biển là Hải Tiến, Hải Thanh và Hải Hòa, nhưng Thanh Hóa chỉ “ghim”mỗi Sầm Sơn lên bản đồ du lịch biển Việt Nam. Nơi đây, những con sóng ào ạt ngoài khơi xa cũng phải mềm lại, bình thản lại khi trở về bờ.
Những bãi cát trắng trải dài hơn 3,5 km theo hình vòng cung, với nắng vàng nép mình bên rặng phi lao vi vu hát trong gió, làm cho không khí ở Sầm Sơn rất trong lành và mát mẻ, cho dù lúc bạn ghé đến là chính Ngọ ngày Hạ chí.
Chính vì vậy, mà kể cả tôi, người lười đi du lịch nhất thế gian, cũng không thể cưỡng lại nổi sức mê hoặc của Sầm Sơn. Trên đường đến với bãi cát bên đại dương xanh này, trong lòng tôi hân hoan lạ thường, cứ như biển xanh, cát trắng, nắng vàng đang hiển hiện trước mắt vậy.
Những “nét duyên thầm” bên thành phố biển
Còn gì tuyệt vời hơn khi đùa nghịch với những con sóng trắng xóa và tận hưởng hương vị của biển cả. Còn gì êm dịu hơn khi nằm phơi mình trên bãi cát dài, lắng nghe tiếng thì thầm của biển, quyện vào bản nhạc du dương của gió và rặng phi lao.
Nếu có ai hỏi tôi về trải nghiệm thú vị nhất ở Sầm Sơn là gì, tôi sẽ không ngần ngại đáp rằng, đó là gió biển và bình minh.
Biển Sầm Sơn vào mỗi thời khắc trong ngày có những vẻ đẹp riêng, để mỗi người có thể tận hưởng từng khoảnh khắc cảm xúc riêng mình. Khi bầu trời ửng hồng phía chân trời, từng đoàn thuyền đánh cá trở về, những nụ cười rạng rỡ, tràn đầy hạnh phúc, báo hiệu một đêm ra khơi thành công.
Quang cảnh bãi biển dần hiện lên qua những tia năng đầu tiên trong ngày đẹp đến nỗi, tôi đã quả quyết với bạn cùng phòng rằng, mùa hè tới, nếu có dịp quay lại đây, tôi sẽ không nề hà chuyện ngủ lại một đêm bên những bờ cát trắng, để lắng nghe tiếng sóng cài then, đêm sập cửa và thức dậy đón bình minh, tinh khiết, trong lành như một giấc chiêm bao.
Không rực rỡ, tráng lệ như nhiều bãi biển khác, bình minh ở Sầm Sơn thong thả, dệt những sợi tơ vàng xuyên qua dãy núi Trường Lệ phía sau.Mọi thứ ở đây thật bình lặng và nên thơ đến kì diệu, từ tốn trôi qua như một thước phim quay chậm, ai làm việc của người ấy, không ồn ào, tấp nập. Những đoàn thuyền trở về mang theo nụ cười hồn hậu, tươi rói và mặn mà hương biển.
Còn một Sầm Sơn truyền thống và cổ tích
Không chỉ có bãi tắm đẹp, Sầm Sơn còn được trời phú cho nhiều cảnh đẹp, đầy màu sắc huyền thoại. Đến với Sầm Sơn, bạn không chỉ được tắm trong làn nước trong lành, mát lạnh, mà còn có cơ hội được “tắm” trong những giai thoại, truyền thuyết thú vị về mảnh đất này. Đó cũng là một điểm đặc sắc thu hút hàng triệu khách du lịch đổ về đây mỗi năm.
Trải qua 40 bậc đá lên tới đền Độc Cước cổ kính, thu vào tầm mắt là những bãi cát thoai thoải, sóng êm, nước trong xanh, cảnh biển Sầm Sơn bao la nép bên cạnh núi Trường Lệ hùng vĩ chạy dọc bờ biển. Chuyện xưa kể rằng, năm đó có một trận đại hồng thủy, đã cuốn trôi mọi thứ ra biển Đông, trong đó có cả một người phụ nữ mang thai gần đến ngày hạ sinh. Bà dạt vào bở biển này, rồi nằm lại đây nguyện làm con đê chắn sóng cho cả làng Kẻ Trường. Cảm phục và xót thương trước tấm lòng cao cả của bà, nhân dân trong vùng đem đất đá đắp lên thi hài bà, hình thành dáng núi Trường Lệ - nghĩa là nước mắt dài.
Theo con đường uốn lượn quanh sườn núi Trường Lệ, 2 hòn đá nằm chênh vênh trên một phiến đá lớn từ bao đời, như thách thức với thời gian và sóng gió. Đó là hòn Trống Mái, biểu tượng thủy chung của tình yêu.
Chuyện rằng, ở vùng Sầm Thôn có chàng trai tên Ngư Phủ, khỏe mạnh chăm chỉ, hết mực yêu thương nàng tiên nữ giáng trần tuyệt đẹp. Ngọc Hoàng hay tin con gái kết duyên cùng người hạ giới thì vô cùng tức giận, sai người xuống trừng phạt, nhưng nàng một mực ở lại cùng chàng. Nàng dùng phép biến 2 người thành đôi chim, khi sứ giả bước vào định bắt, thì đôi chim kia biến thành đá đứng trơ trơ, được người dân gọi là hòn Trống Mái.
Khách du lịch đến đây say mê ngắm nhìn núi Trường Lệ hoang sơ, trữ tình, uốn lượn và ôm vào lòng biển Sầm Sơn xinh đẹp, hài hòa với thiên nhiên từ bàn tay kiến tạo của con người.
Sức hút ẩm thực
Sẽ thật thiếu xót nếu nói về ẩm thực của Sầm Sơn mà không nhắc đến các món ăn hải sản. Như đã thành thông lệ, cứ vào trung tuần tháng 5 đến hết tháng 8 hàng năm, du khách và những người sành ẩm thực lại rủ nhau tìm đến các nhà hàng, khách sạn dọc đường Hồ Xuân Hương, ngay sát bờ biển để “ngầm mua vé” tham gia vào lễ hội hải sản lãng mạn, đa dạng và rất phong cách ở đây. Có đủ món từ biển, từ núi, từ sông và cánh đồng cho bạn tha hồ chọn lựa.
Từ tầng thượng của những tòa nhà này, bạn có thể nhâm nhi những món ăn tươi ngon, tận hưởng những thức uống độc đáo, phóng tầm nhìn thoáng đãng ngắm toàn cảnh phố biển xinh đẹp lúc hoàng hôn.
Còn tôi, tôi chọn cho mình một cách thưởng thức riêng, đi chợ hải sản buổi sớm, họp ngay bên bờ biển và lựa ít tôm, cua, ghẹ, mực…. và thuê người làng chài nấu ngay trên bãi cát trắng chạy dài.
Làm sao có thể thờ ơ bước qua quầy bán nem chua, chả giò thơm phưc phức, bề bề rang muối nóng sốt, những con mực to bản đã được nướng xả ớt nằm im trên đĩa đợi chờ…. Thử cho vào miệng, vị biển tan biến trên lưỡi, không ai nghĩ hải sản ở đây có thể ngon đến vậy.
Khi mặt trời nhè nhẹ xuống núi, từng cơn sóng vỗ bờ trắng xoá ôm lấy dải cát mịn màng, những cánh diều no gió rực rỡ chao liệng giữa màu xanh của bầu trời, núi non và biển cả. Chúng tôi uống rượu, thưởng thức hải sản, nô đùa với những con sóng mặc cho thời gian tự trôi đi.
Biển Sầm Sơn không chỉ có tiếng sóng giúp tâm trí chúng ta thư thái, mà nước biển xanh, sạch, độ muối vừa đủ cũng như một loại thuốc từ mẹ thiên nhiên. Hàng triệu năm trước, người Hy Lạp cũng đã có hẳn một phương pháp trị bệnh dựa vào nước biển, có tên gọi thalasso therapy, hay liệu pháp đại dương như chúng ta biết ngày nay.
Nối dài những giấc mơ biển xanh
Tạm biệt phố biển xinh đẹp, những con phố hải sản đông đúc, xa xa tôi vẫn còn thấy những con sóng vỗ nhẹ đưa thuyền cập bến. Những vị khách du lịch vội vã dậy sớm chụp ảnh “check in” làm kỷ niệm, để ngày mai khi rời khỏi nơi này, vẫn thấy tâm can mình bình yên.
Trong đoàn người hôm ấy đi Sầm Sơn, có một vị khách lạ, chị đã 14 năm không trở lại đây vì dị ứng với cảnh chèo kéo bán hàng rong, chụp ảnh dạo, chặt chém lừa gạt hồi nào của Sầm Sơn. Nhưng năm nay quay lại, chị ngạc nhiên vì Sầm Sơn thay đổi nhiều quá, văn minh hơn, sạch đẹp hơn, xinh đẹp y hệt như thành phố duyên hải Fortaleza của Brazil, đã từng lột xác rất nhanh trong thập niên 1980 vậy. Khi trả 10.000 đồng cho 1 tour xe điện vòng quanh bãi biển này, tôi chỉ thấy mắt chị trùng xuống vì tiếc nuối, sao mình không quay lại sớm hơn!
Trở về thủ đô, trong đầu tôi còn vấn vương hình ảnh một buổi sớm mai trong trẻo của đô thị biển xinh đẹp đang trở mình thức dậy trong ánh bình minh. Trên nền biển xanh đó, tôi thấy một nàng tiên cá như thể vừa nhảy từ mỏm đá cao trầm mình xuống biển. Rồi những lớp sóng dập dềnh nâng nàng lên khỏi mặt nước để hít căng bầu không khí thanh tao trong vắt và chính ở nơi này, nàng để lại bức thư tình trên đại dương xanh.
Cả thế giới đang dịch chuyển, tại sao tôi lại không nhỉ? Tôi tin rằng, mình sẽ còn đi về phía biển. Đi để tìm lại cho mình những an nhiên.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com