Trụ đỡ vốn ngoại vẫn vững

(ĐTCK) Thống kê cho thấy, trong tháng 5, khối ngoại mua ròng trên TTCK Việt Nam gần 927 tỷ đồng. Xu hướng mua ròng của khối ngoại tiếp tục được duy trì sang tháng 6, với tổng giá trị mua ròng từ đầu tháng đến nay đạt 372,17 tỷ đồng.
TTCK Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn ngoại TTCK Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn ngoại

Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh, Giám đốc Môi giới CTCK Bản Việt (VCSC) đánh giá, nhìn chung, việc khối ngoại mua ròng đang có tác động tích cực tới diễn biến thị trường, vì khối này tập trung mua những mã bluechip nên gián tiếp tác động đến điểm số.

Tuy nhiên, theo bà Trúc Quỳnh, xu hướng tiếp theo khối ngoại khó dự đoán, bởi chỉ số VN-Index đang tiến đến sát mốc kháng cự mạnh là 640 – 645 điểm và thanh khoản thị trường đang thấp. Tại thời điểm này, cũng chưa có nhiều thông tin hỗ trợ cho thị trường chứng khoán, nhưng thị trường vẫn đi lên “chầm chậm”.

Sự gia tăng về điểm số trên thị trường Việt Nam có thể được lý giải bởi những tác động tích cực từ thông tin vĩ mô ở một số thị trường trên thế giới như tăng trưởng GDP Nhật Bản quý I vượt mức kỳ vọng (đạt 1,9% so với dự báo là 1,7%); kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc tăng 5,1% trong tháng 5, chấm dứt chuỗi 16 tháng giảm liên tiếp từ cuối năm 2014. Giá dầu thế giới bứt phá đi lên, cán mốc 50 USD/thùng, giúp các cổ phiếu dầu khí phục hồi tốt, trong đó có những mã có vốn hóa lớn nên có tác động lên điểm số thị trường.

Trong khi đó, theo ông Đỗ Bảo Ngọc, Chuyên gia Phân tích chiến lược thị trường CTCK MB (MBS), thống kê trong vòng 1 tháng, dòng vốn ETF có hiện tượng rút ra nhẹ, nhưng một tuần trở lại đây quay trở lại trạng thái mua. Điều này cho thấy, dòng vốn nước ngoài thời gian qua cũng khá phân hóa.

Thời gian gần đây, dòng vốn ngoại ẩn danh Pnote hoạt động khá mạnh và rất khó dự báo hành động. Từ cuối tháng 5, MBS đã có những phân tích về rủi ro dòng vốn quốc tế đảo chiều khi Fed tăng lãi suất vào tháng 6. Tuy nhiên, khả năng tăng lãi suất trong tháng 6 là không có, còn trong tháng 7 cũng chỉ khoảng 30%. Điều này càng khiến dự báo về dòng vốn ngoại thời gian tới khó khăn hơn.

“Cách đây một tuần, chúng tôi quan sát thấy một dòng vốn quốc tế rút ra khỏi các thị trường mới nổi, là thời điểm đồng USD được dự báo tăng mạnh do Fed tăng lãi suất. Nhưng từ đầu tuần đến nay, biến số này lại thay đổi ngược lại. Chúng tôi cũng chưa thấy dòng vốn này có động thái mới nào”, ông Ngọc nói và cho biết thêm, nguyên nhân rót ròng tiếp của khối ngoại vào TTCK Việt Nam từ đầu tháng 6 đến nay cũng khá khó hiểu. Khoảng 2 tuần trước đây, tỷ giá USD/VND biến động mạnh theo chiều hướng đồng VND mất giá, nhưng giai đoạn này khối ngoại vẫn mua ròng. Thông thường, với bối cảnh như vậy, khối ngoại sẽ rút ròng mạnh và thị trường giảm điểm, nhưng thực tế thì khối ngoại vẫn mua đều qua các phiên. Đây cũng chính là lực đỡ chính cho chỉ số VN-Index trụ vững trên mốc 600 điểm.

Có quan điểm tích cực hơn, ông Trương Hiền Phương, Giám đốc CTCK KIS Việt Nam, Chi nhánh TP. HCM nhận định xu hướng rót ròng của khối ngoại vẫn diễn ra trong cả năm 2016, tuy nhiên, việc rót ròng/ rút ròng tùy bối cảnh từng tháng.

Ông Phương cho rằng, vốn ngoại vẫn đang tiếp tục mua ròng vì: Thứ nhất, một số cổ phiếu do giá dầu giảm đã xuống dưới giá trị thực hoặc tới vùng giá hấp dẫn để mua vào, nay giá dầu đang có xu hướng tăng nên trở thành cổ phiếu rẻ như PVD, PVS, GAS… Thứ hai, những cổ phiếu do SCIC thoái vốn có khả năng tăng room lên 100%, mà hiện đang hết room như FPT. Hiện dòng vốn ngoại vẫn đang chờ đợi sự điều chỉnh nào đó của SCIC đối với các cổ phiếu VNM, BMP, DHG, mặc dù danh sách công bố thoái vốn của SCIC không có. Thứ ba, nhiều doanh nghiệp niêm yết đang bắt đầu hưởng lợi từ một số quyết sách mới có tính hỗ trợ hơn như giảm thêm lãi suất tín dụng, cho thấy định giá hiện tại còn hấp dẫn so với tiềm năng sắp tới. Thứ tư, mặt bằng giá cổ phiếu trên TTCK Việt Nam vẫn còn thấp, nên dòng vốn ngoại sau khi rời bỏ thị trường Trung Quốc, phân bổ nhiều vào các thị trường khác nhưng chưa thẩm thấu hết và một phần chảy vào Việt Nam để đa dạng hóa rổ đầu tư giữa các quốc gia.

Ông Phương cũng cho rằng, xu hướng rút ròng của dòng vốn quốc tế tại các thị trường mới nổi không ảnh hưởng quá nhiều đến TTCK Việt Nam do quy mô thị trường còn quá nhỏ. Với dòng vốn rót nhiều vào Việt Nam chủ yếu là các quỹ đầu tư dài hạn, còn các quỹ ETF tại Việt Nam có quy mô quá nhỏ nên không có ảnh hưởng nhiều.

“TTCK Việt Nam mới là thị trường cận biên, chứa nhiều rủi ro nhưng lại có nhiều cơ hội tăng trưởng lợi nhuận hơn so với thị trường khác nên vẫn hấp dẫn dòng vốn ngoại. Khối ngoại vẫn rót ròng, tuy nhiên, việc rót ròng mạnh hay không còn tùy vào mặt bằng giá cổ phiếu hoặc thông tin tích cực tại từng thời điểm”, ông Phương nhận định.           

Nhã An

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục