Trọng tài bảo hiểm cần có quy định riêng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các vụ tranh chấp bảo hiểm ngày càng nhiều và phức tạp, đòi hỏi phải có cơ chế giải quyết linh hoạt, phù hợp và hiệu quả, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên khi tham gia các quan hệ hợp đồng bảo hiểm.
Người mua bảo hiểm thường mất nhiều công sức và thời gian khi giải quyết tranh chấp thông qua con đường toà án Người mua bảo hiểm thường mất nhiều công sức và thời gian khi giải quyết tranh chấp thông qua con đường toà án

Tranh chấp bảo hiểm kéo dài

Thống kê các vụ tranh chấp bảo hiểm đã có bản án trong năm 2022 của ông Lương Văn Ban, Thư ký Văn phòng Luật sư Tinh Hoa Việt, dựa trên dữ liệu ở trang web https://congbobanan.toaan.gov.vn của Toà án nhân dân tối cao cho thấy, có những vụ tranh chấp đã diễn ra từ rất lâu. Chẳng hạn, vụ Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Tuyên Quang kiện Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Petrolimex (Pjico) xảy ra từ năm 2015, đến ngày 16/9/2022, tòa án ra phán quyết, Pjico phải bồi thường gần 700 triệu đồng.

Tính chung, ở cả 2 khối bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ, 17 vụ kiện đã có bản án. Theo đó, doanh nghiệp bảo hiểm đều là bị đơn (bị bên mua bảo hiểm kiện), không có bản án nào mà bên mua bảo hiểm là người bị kiện. Tổng số tiền chi trả bảo hiểm được yêu cầu là gần 12,4 tỷ đồng; tổng số tiền doanh nghiệp bảo hiểm thua kiện phải bồi thường là gần 11,2 tỷ đồng. Vụ kiện có số tiền đòi chi trả bảo hiểm lớn nhất là vụ kiện Bảo Minh (vụ tranh chấp tàu, số tiền đòi là gần 3,3 tỷ đồng).

Tranh chấp bảo hiểm dẫn đến khiếu kiện thường liên quan đến hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm; giám định nguyên nhân và mức độ tổn thất; xác định sự kiện bảo hiểm và trách nhiệm bồi thường theo hợp đồng bảo hiểm…, ở cả mảng bảo hiểm nhân thọ lẫn phi nhân thọ như bảo hiểm sức khỏe con người, bảo hiểm tài sản, bảo hiểm thân tàu và trách nhiệm dân sự chủ tàu, bảo hiểm xe cơ giới.

Nguyên nhân cơ bản dẫn đến các tranh chấp là doanh nghiệp bảo hiểm chưa tuân thủ nghiêm túc quy trình khai thác, giám định bồi thường, điều kiện, điều khoản bảo hiểm; người tham gia bảo hiểm, người được bảo hiểm chưa nhận thức đầy đủ về bảo hiểm, hợp đồng bảo hiểm; văn bản pháp quy về bảo hiểm và các quy định về nghiệp vụ bảo hiểm còn lỏng lẻo, gây ra những kẽ hở…

Cần có cơ chế pháp lý vững chắc để đảm bảo thi hành các quyết định của trọng tài; có các quy định cụ thể và riêng biệt về trọng tài bảo hiểm.

Bảo Minh là doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ bị kiện nhiều nhất, còn AIA Việt Nam và Aviva Việt Nam là 2 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ bị kiện nhiều nhất. Bảo hiểm Bảo Việt đứng thứ 2 trong khối doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ về số vụ bị kiện (4 vụ), với kết quả thua 3 vụ, thắng 1 vụ. Các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ khác bị kiện là Liberty, VBI, Pjico…

Các vụ tranh chấp đã có bản án của tòa án ước tính chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với tổng số vụ tranh chấp bảo hiểm đang trong giai đoạn bên mua bảo hiểm khiếu nại trực tiếp đến doanh nghiệp bảo hiểm, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), hay đang được tòa án, trọng tài giải quyết.

Theo các chuyên gia, người mua bảo hiểm thường mất nhiều công sức và thời gian khi giải quyết tranh chấp thông qua con đường toà án, nên được khuyến khích giải quyết thông qua Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), hoặc hòa giải tại Trung tâm Hòa giải Việt Nam (trực thuộc VIAC). Bởi lẽ, bảo hiểm là một lĩnh vực chuyên ngành phức tạp, cần những người có chuyên môn, giàu kinh nghiệm mới có thể phân tích đúng hay sai và định hướng các bên trong quá trình hoà giải tranh chấp.

Mặc dù vậy, thực tế cho thấy, việc giải quyết tranh chấp bảo hiểm bằng trọng tài cũng gặp một số khó khăn, trở ngại như trọng tài thiếu các thiết chế hỗ trợ đi kèm và không có đầy đủ các quyền năng như tòa án nên trong quá trình xét xử, trong một số thủ tục liên quan, trọng tài phải thông qua tòa án. Ngoài ra, việc thực thi các kết quả đạt được trong quá trình giải quyết tranh chấp bằng con đường trọng tài phần lớn phụ thuộc vào sự tự nguyện của bên có nghĩa vụ thi hành.

Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, cần có một cơ chế pháp lý vững chắc để đảm bảo thi hành các quyết định của trọng tài; có các quy định cụ thể và riêng biệt về trọng tài bảo hiểm.

Cần có trọng tài bảo hiểm ở quy định riêng

Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua ngày 16/6/2022, có hiệu lực từ ngày 1/1/2023, nhưng không có quy định về trọng tài bảo hiểm.

Trước đó, quy định về trọng tài bảo hiểm đã được đưa vào dự thảo Luật để lấy ý kiến các bên.

Cụ thể, dự thảo Luật quy định (tại các điều 70, 71, 72, 73), trọng tài bảo hiểm là phương thức giải quyết tranh chấp theo vụ việc trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm do các bên thoả thuận theo nguyên tắc công khai, độc lập, khách quan, vô tư và tuân theo quy định của pháp luật. Trung tâm trọng tài bảo hiểm được thành lập theo quy định của pháp luật, có chức năng tổ chức, điều phối hoạt động giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận. Chính phủ hướng dẫn chi tiết về trọng tài bảo hiểm...

Bộ Tư pháp đã đề nghị làm rõ sự cần thiết của việc quy định về trọng tài bảo hiểm trong dự thảo Luật, vì vấn đề trọng tài thương mại đã được điều chỉnh tại Luật Trọng tài thương mại năm 2010 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Mặt khác, dự thảo quy định trọng tài bảo hiểm giải quyết tranh chấp theo nguyên tắc “công khai” là chưa phù hợp với nguyên tắc của tố tụng trọng tài là “bí mật”.

Cơ quan này cũng đề nghị làm rõ bản chất trọng tài bảo hiểm có phải là một trong các loại hình của trọng tài thương mại hay không? Trong trường hợp trọng tài bảo hiểm là một trong các loại hình của trọng tài thương mại, đề nghị rà soát các nội dung dự thảo Luật để có dẫn chiếu theo pháp luật về trọng tài thương mại cho phù hợp. Dự thảo Luật chỉ nên quy định, cụ thể hóa các quy định có tính chất đặc thù, đặc biệt của hoạt động kinh doanh bảo hiểm mà nếu không quy định thì không thể thực hiện được, hạn chế phát sinh chồng chéo, cồng kềnh của hệ thống pháp luật.

Vụ Pháp chế, Bộ Tài chính cho rằng, cần làm rõ sự cần thiết phải đặt ra quy định riêng về trọng tài bảo hiểm (tiêu chuẩn, điều kiện, hình thức giải quyết tranh chấp…), vì theo Luật Trọng tài thương mại, tranh chấp giữa các bên vẫn thuộc thẩm quyền giải quyết của trọng tài thương mại.

Trong khi đó, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề nghị bỏ toàn bộ quy định về trọng tài bảo hiểm trong dự thảo Luật (Điều 70, 71, 72, 73). Trường hợp thấy phương thức giải quyết bằng trọng tài trong lĩnh vực bảo hiểm còn nhiều bất cập, vướng mắc, đề nghị kiến nghị sửa đổi Luật Trọng tài thương mại 2010 để đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Nhiều doanh nghiệp bảo hiểm cũng phản đối việc đưa quy định về trọng tài bảo hiểm vào Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). AIG, PVI, FWD cho rằng, các quy định trong dự thảo Luật vừa không đầy đủ về chế định trọng tài (sẽ hạn chế sự tham gia của các trọng tài thương mại theo Luật Trọng tài thương mại), vừa quá rộng cho quyền của trọng tài nên dễ xảy ra phán quyết tùy tiện. Còn AIA, UIC, Bảo Việt Nhân thọ đề nghị bỏ quy định về trọng tài thương mại để tránh mâu thuẫn, chồng chéo với các quy định của Luật Trọng tài thương mại hiện hành.

Liên quan đến tiêu chuẩn trọng tài viên bảo hiểm, dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) quy định, “trọng tài viên bảo hiểm phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của Bộ luật Dân sự, có trình độ từ đại học trở lên tối thiểu một trong các chuyên ngành luật, bảo hiểm, tài chính và có kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm từ 15 năm trở lên tại các doanh nghiệp bảo hiểm hoặc có kinh nghiệm công tác tại cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm từ 10 năm trở lên”.

VCCI nhận định, quy định trên sẽ khiến số lượng trọng tài viên bảo hiểm mà các bên có thể lựa chọn rất hạn chế (vì không phải ai cũng đáp ứng được điều kiện này), các trọng tài viên này rất dễ có xung đột lợi ích (có mối quan hệ nghề nghiệp với một bên tranh chấp và/hoặc luật sư của một bên) dẫn tới không thể tham gia giải quyết tranh chấp; hoặc nếu tham gia thì rất dễ bị khiếu nại và bị yêu cầu thay đổi.

Ngoài ra, theo luật sư Đỗ Hồng Sơn, Đoàn Luật sư Hà Nội, quy định như vậy sẽ bỏ sót một lượng lớn những người có kiến thức chuyên môn, am hiểu về bảo hiểm như giảng viên tại các trường đại học, môi giới bảo hiểm, đại lý bảo hiểm, phụ trợ bảo hiểm.

Mặc dù Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) đã bỏ quy định về trọng tài bảo hiểm, tuy nhiên, thực tiễn vẫn có yêu cầu cần thiết phải có loại hình này. Theo nhiều chuyên gia, việc làm rõ khái niệm, chức năng, nhiệm vụ của trọng tài bảo hiểm… cần có trong các văn bản khác để triển khai thuận lợi trên thực tế.

Hương Ngọc

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục