
Người Việt đang định nghĩa lại “sống tốt”
Theo báo cáo World Population Prospects năm 2024 của Liên hợp quốc, tuổi thọ trung bình của người dân Việt Nam dự báo sẽ tăng từ 74,6 tuổi vào năm 2023 lên 78,9 tuổi vào năm 2050. Những con số này vẽ nên bức tranh về một xã hội có tuổi đời ngày càng cao. Thế nhưng, một nghịch lý thú vị lại xuất hiện từ khảo sát Manulife Asia Care gần đây, “sống lâu không còn là mong muốn hàng đầu của người dân” và “dù dự đoán mình có thể sống đến 80 tuổi, đa số người Việt chỉ khao khát sống đến 76 tuổi”.
Dữ liệu từ khảo sát Manulife Asia Care chỉ ra sự dịch chuyển rõ rệt trong các ưu tiên hàng đầu của người Việt. Cụ thể , trong các mong muốn hàng đầu hiện nay, chỉ 11% người Việt muốn “sống lâu”. Trong khi đó, 16% người tham gia khảo sát mong muốn đạt được độc lập tài chính; 15% ưu tiên có cuộc sống chất lượng; 15% muốn duy trì sức khỏe tốt cả về thể chất lẫn tinh thần. Đáng chú ý, trong nhóm tuổi 25 - 34, cứ 4 người tham gia khảo sát thì có 1 người muốn được tự do tài chính hoàn toàn.
Lý giải về việc “sống lâu” không còn là mong muốn hàng đầu, 48% người được khảo sát cho rằng, họ muốn sống một cuộc sống ý nghĩa và 44% muốn sống chất lượng hơn là sống lâu. Thêm vào đó, 32% lo sợ mất đi sự độc lập và chủ động khi về già, 31% không muốn trở thành gánh nặng cho gia đình và 26% lo lắng chi phí y tế sẽ trở thành gánh nặng khi tuổi cao… Điều này cho thấy một cách nhìn mới của người Việt về cuộc sống, đó là sống chất lượng, khỏe mạnh, ý nghĩa và độc lập về tài chính, chứ không chỉ đơn thuần là kéo dài tuổi thọ.
Bà Tina Nguyễn, Tổng giám đốc Manulife Việt Nam chia sẻ: “Khảo sát Manulife Asia Care năm nay đã chỉ ra một xu hướng mới khá thú vị trong góc nhìn của người Việt về cuộc sống. Việc ưu tiên sống khỏe mạnh, sống chất lượng và mong muốn độc lập tài chính, thay vì sống lâu cho thấy người Việt ngày càng quan tâm và chủ động chăm sóc sức khỏe thể chất, tinh thần lẫn tài chính. Đây thực sự là cơ hội để ngành bảo hiểm, trong đó có Manulife Việt Nam nỗ lực, sáng tạo hơn nữa để đáp ứng nhu cầu về chăm sóc sức khỏe và hoạch định tài chính cho người dân”.
Cơ hội vàng cho ngành bảo hiểm
Sự thay đổi trong tư duy người Việt có thể coi là cơ hội chưa từng có cho ngành bảo hiểm và có thể tạo ra bước dịch chuyển về việc thiết kế các sản phẩm bảo hiểm: từ sống thọ sang sống chất lượng.
Thay vì chỉ tập trung vào các sản phẩm bảo vệ rủi ro tử vong hoặc bệnh hiểm nghèo đơn thuần, ngành bảo hiểm cần mở rộng và phát triển các giải pháp toàn diện hơn, hướng tới việc nâng cao chất lượng cuộc sống của khách hàng, bao gồm các gói bảo hiểm y tế cao cấp, bảo hiểm chăm sóc sức khỏe tinh thần, hỗ trợ phòng ngừa bệnh tật, và các dịch vụ wellness (chăm sóc sức khỏe và thể chất) tích hợp; giải pháp tài chính linh hoạt cho tuổi già, như sản phẩm hưu trí cá nhân, quỹ hưu trí tự nguyện, hoặc các gói bảo hiểm liên kết đầu tư giúp khách hàng tích lũy tài sản, đảm bảo nguồn thu nhập ổn định và độc lập tài chính khi về hưu. Đây là câu trả lời trực tiếp cho nỗi sợ trở thành gánh nặng khi về già của nhiều người.
Thực tế, sự khác biệt về mong muốn giữa các độ tuổi cũng đòi hỏi cách tiếp cận riêng biệt. Chẳng hạn, thế hệ trẻ (25 - 40 tuổi) có nhu cầu tự do tài chính sớm. Nhóm trung niên (40 - 60 tuổi) mong muốn các giải pháp chuẩn bị cho tuổi hưu, đảm bảo sức khỏe và tài chính để họ không trở thành gánh nặng cho gia đình khi về già…
Số liệu cập nhật của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV) trong những tháng đầu năm cho thấy, cơ cấu sản phẩm khai thác mới có sự dịch chuyển rõ rệt. Tính đến tháng 4/2025, doanh thu phí bảo hiểm liên kết đầu tư dù giảm 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất (54,1%). Sự sụt giảm này chủ yếu đến từ sản phẩm bảo hiểm liên kết chung, giảm tới 6,9%, mặc dù vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong nhóm này (46,9%). Ngược lại, dù việc đáp ứng các điều kiện để bán sản phẩm ngày càng khắt khe hơn nhưng sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị lại ghi nhận mức tăng trưởng tích cực 6,5%, nâng tỷ trọng lên 7,2%. Điều này cho thấy sự dịch chuyển của khách hàng từ các sản phẩm liên kết chung (thường có yếu tố bảo toàn vốn và lãi suất cam kết thấp) sang các sản phẩm liên kết đơn vị (có tiềm năng sinh lời cao hơn).
Bên cạnh đó, sản phẩm bảo hiểm tử kỳ chiếm tỷ trọng 30,3% nhưng cũng chứng kiến sự giảm nhẹ 1,7%. Đây là các sản phẩm bảo vệ thuần túy, thường có phí bảo hiểm thấp và quyền lợi đơn giản. Sự sụt giảm này có thể cho thấy xu hướng khách hàng tìm kiếm các sản phẩm có yếu tố tiết kiệm hoặc đầu tư đi kèm, hoặc các giải pháp bảo vệ toàn diện hơn. Dòng sản phẩm bảo hiểm hỗn hợp ghi nhận mức giảm mạnh nhất, tới 30,3%, chỉ còn chiếm 4,4% tỷ trọng trong cơ cấu khai thác mới. Đây là một tín hiệu đáng lưu ý, cho thấy sự suy giảm mạnh mẽ của một dòng sản phẩm từng rất được ưa chuộng.
Ngược lại, điểm sáng bất ngờ đến từ nhóm “các sản phẩm bảo hiểm còn lại” (bao gồm sản phẩm bảo hiểm sức khỏe, sản phẩm bảo hiểm hưu trí, sản phẩm bảo hiểm trọn đời), với tỷ trọng chiếm 11,5% và đặc biệt là mức tăng trưởng phi mã, lên tới 123% so với cùng kỳ năm ngoái. Sự tăng trưởng vượt bậc này cho thấy nhu cầu về các sản phẩm bảo vệ sức khỏe và chuẩn bị cho tuổi già đang gia tăng mạnh mẽ. Đây là xu hướng phù hợp với sự thay đổi nhận thức của người dân về tầm quan trọng của sức khỏe và kế hoạch tài chính dài hạn, đặc biệt trong bối cảnh dân số già hóa và chi phí y tế ngày càng tăng.
Theo các chuyên gia trong ngành, cơ cấu doanh thu của các sản phẩm bảo hiểm đã có sự dịch chuyển rõ nét sau đại dịch Covid-19. Cụ thể, nhu cầu về bảo hiểm sức khỏe và các sản phẩm bảo hiểm bảo vệ đã tăng lên đáng kể ở nhiều thị trường, trong đó có Việt Nam.
Đến thời điểm hiện tại, các sản phẩm bảo hiểm liên quan đến sức khỏe vẫn tiếp tục là những sản phẩm bán chạy nhất. Đây không chỉ là dòng sản phẩm chủ lực mang lại doanh thu lớn cho ngành bảo hiểm nhân thọ mà còn là nguồn doanh thu quan trọng nhất đối với khối bảo hiểm phi nhân thọ (số liệu của IAV cho thấy, 4 tháng đầu năm 2025, doanh thu phí bảo hiểm sức khỏe toàn ngành đạt 10.676 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 36,9%, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm 2024).
Sự thay đổi này được lý giải bởi ý thức của người dân về tầm quan trọng của sức khỏe, khách hàng ngày càng chủ động tìm kiếm các giải pháp bảo hiểm giúp họ đối phó với rủi ro bệnh tật, tai nạn và các chi phí y tế phát sinh. Điều này thúc đẩy các công ty bảo hiểm tập trung hơn vào việc phát triển và cung cấp các sản phẩm bảo hiểm sức khỏe đa dạng, phù hợp với từng phân khúc khách hàng, từ đó tạo ra một thị trường sôi động và cạnh tranh hơn.