Sắp có quy định về cơ sở dữ liệu thông tin thị trường bảo hiểm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tại Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi đang lấy ý kiến, quy định về Hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin thị trường bảo hiểm đã được bổ sung sau nhiều ngóng đợi.
Sắp có quy định về cơ sở dữ liệu thông tin thị trường bảo hiểm

Có dữ liệu sẽ giúp loại bỏ khách hàng xấu

Theo Điều 6, Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm, hệ thống này được quản lý tập trung, được cung cấp cho doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm và các tổ chức, cá nhân có liên quan nhằm xây dựng mức phí bảo hiểm tương ứng với quyền lợi bảo hiểm, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm, phòng chống gian lận, trục lợi bảo hiểm.

Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, tổ chức cung cấp dịch vụ phụ trợ có trách nhiệm cung cấp thông tin về bên mua bảo hiểm, đối tượng bảo hiểm và các thông tin khác có liên quan để xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin thị trường bảo hiểm. Việc tổ chức thu nhận, bảo mật thông tin, sử dụng, lưu trữ, cung cấp và công bố thông tin phù hợp với quy định của pháp luật.

Chính phủ quy định về tổ chức xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin thị trường bảo hiểm. Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chi tiết về nội dung, phương thức cung cấp và sử dụng thông tin.

Lãnh đạo Cục quản lý và Giám sát thị trường bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết, hệ thống cơ sở dữ liệu chung của ngành bảo hiểm đang trong quá trình hoàn thiện và dự kiến hoàn tất trong đầu năm 2022.

Ý kiến từ các thành viên thị trường cho rằng, nếu hệ thống cơ sở dữ liệu chung có đầy đủ thông tin số hợp đồng bảo hiểm đã ký, quyền lợi bảo hiểm của từng hợp đồng, số lần chi trả bảo hiểm..., sẽ giúp loại bớt khách hàng xấu (những khách hàng từng có hành vi gian dối, trục lợi bảo hiểm, hay khách hàng có lịch sử bồi thường cao) ngay từ khâu ký hợp đồng bảo hiểm. Đây là cơ hội thay đổi toàn thị trường, gia tăng niềm tin vào bảo hiểm và khi đó, khách hàng sẽ chủ động tìm đến bảo hiểm như các thị trường phát triển.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, chuyên gia bảo hiểm Hà Vũ Hiển cho biết: “Nếu có dữ liệu chung bảo hiểm, kể cả trường hợp không khai báo trung thực thì vẫn có thể hạn chế khách hàng xấu ngay từ khi mua. Tất nhiên, khi có dữ liệu, khai báo trung thực vẫn là nghĩa vụ bắt buộc. Thông tin trung thực là đầu vào quan trọng bậc nhất đối với các bên khi giao kết hợp đồng. Bên bán cũng phải trung thực. Minh bạch thông tin là nghĩa vụ của 2 bên”.

Dù có những lo ngại về việc sàng lọc kỹ khách hàng có thể khiến hoạt động bán hàng khó khăn hơn và doanh thu giảm sút, nhưng theo nguyên lãnh đạo cấp cao một công ty bảo hiểm, việc giảm doanh thu chỉ diễn ra ở những thị trường đã trưởng thành, còn tại thị trường đang phát triển như Việt Nam, dư địa để tăng trưởng doanh thu vẫn rất lớn, nên khả năng này khó xảy ra.

Quan trọng vẫn là sự trung thực

Là người có nhiều năm hoạt động trong ngành bảo hiểm nhân thọ, đồng thời là chuyên gia thẩm định bảo hiểm nhân thọ từ năm 1998 đến nay, bác sỹ Nguyễn Thị Quỳnh Mai cho biết, theo quy định tại Điều 19, Luật Kinh doanh bảo hiểm, khi giao kết hợp đồng bảo hiểm, cả 2 bên (nhà bảo hiểm với đại diện là đại lý bảo hiểm và khách hàng) đều phải có trách nhiệm cung cấp trung thực, đầy đủ thông tin, nên không lý do yêu cầu nhà bảo hiểm phải đi tìm sự gian dối của khách hàng trước khi bán.

“Chuyện trục lợi bảo hiểm cả thế giới đều có và không bao giờ có thể xử lý hết. Vấn đề ở đây là các công ty bảo hiểm phải có thẩm định viên chi trả quyền lợi bảo hiểm chuyên nghiệp, điều tra viên chuyên nghiệp, bộ phận pháp chế chuyên nghiệp. Các thị trường phát triển đều có phòng dữ liệu thông tin y khoa (Medical Information Bureaux - MIB) để lưu trữ thông tin sức khỏe, mức tăng giảm phí của của khách hàng… tại nhiều công ty bảo hiểm khác nhau. Các cơ quan quản lý cần tham khảo mô hình này để có phương án áp dụng phù hợp”, bà Mai đề xuất.

Ở góc nhìn khác, phụ trách pháp lý của 1 công ty bảo hiểm nhân thọ cũng cho rằng, hệ thống dữ liệu chung bảo hiểm chủ yếu là phương tiện hỗ trợ nhà bảo hiểm kiểm tra thông tin, giúp rà soát phòng chống gian lận khi cần, chứ không thể thay thế nghĩa vụ khai báo thông tin trung thực của khách hàng, không thể vì chưa có hệ thống này mà đổ lỗi cho việc khách hàng gian dối là lỗi do nhà bảo hiểm không rà soát.

Theo chị Lê Thanh, một đại lý bảo hiểm lâu năm, không nên thần thánh hóa trung tâm dữ liệu chung bảo hiểm, bởi có nhiều cách để nhà bảo hiểm xác định dấu hiệu trục lợi, tất nhiên nếu có một cơ sở dữ liệu chung thì công đoạn này sẽ trở nên thuận lợi hơn.

Chị Thanh cho biết, công ty bảo hiểm có quyền xác minh thông tin dựa trên trung tâm dữ liệu chung khi nào họ muốn, chứ không bắt buộc hay thay thế nghĩa vụ của khách hàng, nên kể cả khi có hệ thống thông tin dữ liệu đầy tiện ích, thì không ai buộc nhà bảo hiểm phải xác minh khi họ thấy chưa cần thiết.

So sánh hệ thống dữ liệu chung ngành bảo hiểm với ngành ngân hàng, lãnh đạo phụ trách pháp lý một công ty bảo hiểm cho biết, do bản chất ngành nghề khác nhau, nên hình thức cũng khác nhau.

“Đối với trung tâm dữ liệu của ngân hàng, thông tin khách hàng gắn với các khoản nợ, khoản vay và phục vụ mục đích kiểm tra lịch sử tín dụng của khách hàng. Còn với bảo hiểm, trung tâm này sẽ gắn với quyền lợi của khách hàng (vì khách hàng bỏ tiền ra mua bảo hiểm, chứ không phải đi vay), nên cách thu thập cũng như đưa thông tin khách hàng lên hệ thống sẽ khác, chưa kể còn liên quan đến việc bảo mật thông tin khách hàng”, vị này nói.

Kim Lan

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục