Kể từ hôm 26/3 khi chỉ số VN-Index lao dốc mạnh về mức 1.140 điểm trong phiên sáng để rồi ngay trong buổi chiều đã quay đầu tăng trở lại và kết phiên ở mức 1.162 điểm, cho tới phiên giao dịch ngày 5/4, VN-Index đã có tới 6 phiên tăng điểm liên tiếp. Trong 6 phiên tăng điểm này, VN-Index đã tăng tổng cộng trên 70 điểm.
Một số công ty chứng khoán đã đưa ra nhận định rằng, có thể trong vài phiên giao dịch tới thị trường sẽ có sự điều chỉnh về mặt kỹ thuật để hướng tới đỉnh cao mới. Mức độ điều chỉnh có thể là về ngưỡng hỗ trợ 1.200 - 1.210 điểm.
Nhận định trên có vẻ đúng khi trong phiên giao dịch ngày 5/4 đã có một đợt chốt lời khá mạnh xuất hiện vào buổi sáng. Rõ ràng là đà tăng giá gấp gáp trong những ngày qua đã kích hoạt một nhịp xả ngắn hạn. Hiện tượng này được nhận định là vẫn tiếp sẽ tiếp tục diễn ra trong những ngày tới.
Trong bản tin nhận định thị trường ngày 5/4, có công ty chứng khoán cho rằng sóng tăng 5 sẽ có mục tiêu là 1.250 điểm. Nếu nhận định này là chính xác thì VN-Index chỉ còn hơn 30 điểm để ‘hoàn thành nhiệm vụ’.
Trên thị trường, nhiều nhà đầu tư lâu năm, chơi lớn cũng đã đứng ngoài thị trường trong giai đoạn này. Bằng kinh nghiệm của mình, những người này cho rằng đây là sóng cuối, diễn ra nhanh và rất khó để kiếm lời. Vì vậy họ chọn phương án đứng ngoài.
Ngoài việc đứng ngoài thị trường của những nhà đầu tư cá mập thì dòng tiền ngoại sau nhiều tháng bán ròng cũng chưa cho thấy dấu hiệu giải ngân mạnh trở lại.
Trái ngược với những diễn biến kể trên của các nhà đầu tư lớn thì những nhà đầu tư nhỏ lẻ lại hết sức hào hứng giải ngân trong hơn 1 tuần qua, nhất là khi VN-Index bứt phá một cách thuyết phục khỏi mức cản tâm lý mạnh 1.200 điểm.
Ngoài chuyện phá được ‘dớp’ nhiều năm không vượt được đỉnh lịch sử nói trên của VN-Index thì việc nhiều công ty chứng khoán quay trở lại nới room cho vay margin kể từ hồi đầu tháng này cũng là động lực mạnh mẽ giúp nâng bước thị trường trong những ngày gần đây.
Bên cạnh đó, thông tin CPI bình quân quý I/2021 chỉ tăng 0,29% và là mức tăng thấp nhất trong 20 năm qua, cùng với quan điểm điều hành chính sách tiền tệ được nêu ra một cách rất rõ ràng tại cuộc họp thường kỳ tháng 3 qua Chính phủ mới đây cũng là yếu tố mang lại sự yên tâm và hứng khởi cho nhà đầu tư chứng khoán.
Theo đó, lãnh đạo NHNN cho hay, quan điểm điều hành chính sách tiền tệ của cơ quan này là tạo sự ổn định, tiếp tục duy trì ổn định cả lãi suất huy động và cho vay. Cùng với đó, nếu diễn biến thị trường thuận lợi sẽ tiếp tục giảm lãi suất để giảm chi phí, hỗ trợ người dân và nền kinh tế.
Mức hào hứng của nhà đầu tư cá nhân lên tới mức, có công ty chứng khoán mỗi ngày giải ngân cho vay tới vài trăm tỷ đồng. Thế nhưng nên nhớ rằng, mức cho vay margin của các công ty chứng khoán là hữu hạn, bởi phải tuân thủ chỉ số an toàn do cơ quan quản lý thị trường đặt ra.
“Với mức giải ngân cho vay margin tăng nhanh như những ngày gần đây, chẳng mấy chốc margin tại các công ty chứng khoán lại ‘căng cứng’ như giai đoạn tháng 3 vừa rồi”, giám đốc khối tại một công ty chứng ty chứng khoán cho biết.
Một khi margin tại các công ty chứng khoán bị rơi vào trạng thái căng cứng, dòng tiền mới vào thị trường sẽ bị giảm đáng kể, và khi đó thị trường sẽ khó có cơ sở để tăng mạnh, nếu không nói là phải điều chỉnh do hoạt động chốt lời của nhà đầu tư. Một khi hoạt động chốt lời diễn ra nhanh và mạnh, cộng với việc chỉ số áp sát mục tiêu 1.250 điểm thì việc thị trường có những phiên giảm sâu là không thể tránh khỏi.
Vì thế, trong cơn hưng phấn của thị trường, nhà đầu tư cần phải giữ cho mình một cái đầu tỉnh táo và phải biết đóng vị thế đúng lúc để không phải nhận một cái kết đắng.