Thông tin lợi nhuận quý I nâng đỡ thị trường chứng khoán

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Những động thái tái cấu trúc, tăng vốn, đặc biệt là kết quả kinh doanh quý I tăng trưởng mạnh ở nhiều doanh nghiệp trong bối cảnh vĩ mô tích cực đã trở thành lực đẩy giúp chỉ số VN-Index băng băng vượt đỉnh lịch sử.
Nhà đầu tư tìm đến cổ phiếu của những doanh nghiệp có lợi nhuận quý I tăng trưởng mạnh. Ảnh: Dũng Minh. Nhà đầu tư tìm đến cổ phiếu của những doanh nghiệp có lợi nhuận quý I tăng trưởng mạnh. Ảnh: Dũng Minh.

Dồn dập thông tin tái cấu trúc

Hôm 26/3, một số nhà đầu tư chú ý đến cổ phiếu STB (của Ngân hàng Sacombank) và quyết định mua vào khi thông tin các đại gia, trong đó có Tập đoàn Vingroup muốn nắm quyền kiểm soát ngân hàng này từ đầu năm râm ran trở lại.

Đặc biệt, sau bài báo của một cây bút sắc sảo đánh giá giá trị tiềm năng của STB phải lên tới 20 tỷ USD trong khi vốn hóa hiện nay chỉ hơn 1 tỷ USD cũng như hé lộ về việc tới đây lô cổ phiếu lớn của ông Trầm Bê tại STB có thể được đưa ra đấu giá, mở đường cho các nhà đầu tư muốn nắm quyền chi phối Sacombank, dòng tiền đã đổ mạnh vào cổ phiếu này.

Phiên giao dịch ngày 30/3, STB đã lập kỷ lục trên thị trường khi tăng trần và khớp lệnh tới hơn 100 triệu cổ phiếu, với giá trị lên tới gần 2.000 tỷ đồng. Các phiên sau đó, cổ phiếu này vẫn duy trì được sắc xanh với khối lượng khớp lệnh lần lượt trên 56 triệu và trên 33 triệu đơn vị.

Những thông tin đồn đoán về thương vụ M&A sắp diễn ra tại Sacombank đã đẩy giá cổ phiếu này chạy xa và tạo ra sự sôi động rất lớn cho thị trường.

Sacombank cũng đã có thư mời cổ đông tham dự đại hội thường niên 2021 và dự kiến sự kiện này sẽ hé lộ nhiều thông tin mới mẻ ở ngân hàng từng có nhiều sóng gió thời gian qua. Thậm chí, còn có thông tin đại gia Đặng Văn Thành, người từng cầm trịch Sacombank nhiều năm, nay cũng muốn trở lại.

Cổ phiếu của một số công ty niêm yết quy mô nhỏ cũng tăng giá mạnh trong tuần qua. Cổ phiếu TEG của Công ty cổ phần Năng lượng và bất động sản Trường Thành tăng tích cực sau khi Đại hội đồng cổ đông thường niên hôm 29/3 thông qua phương án tăng vốn và mua cổ phần chi phối Công ty cổ phần Năng lượng Trường Thành.

Giá cổ phiếu TEG đã tăng xấp xỉ 50% trong tháng 3 và tăng hơn 1,5 lần so với hồi đầu năm nay khi có sự tái cấu trúc mạnh mẽ, trong đó nhóm cổ đông lớn của Công ty dưới sự lãnh đạo của ông Đặng Trung Kiên, Chủ tịch TEG nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã nắm cổ phần chi phối tại doanh nghiệp.

Ông Kiên cũng là Chủ tịch và người sáng lập Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Thành Việt Nam (TTVN Group), một tên tuổi lớn trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. TTVN Group đã hoàn thành 3 dự án điện mặt trời với tổng công suất 357 MWp, đồng thời sở hữu một loạt dự án về năng lượng tái tạo khác. Hiện doanh nghiệp này đang triển khai xây dựng nhà máy điện gió tại Trà Vinh.

Việc tăng sở hữu tại TEG và tiếp tục mua vào cổ phiếu TEG, như lời ông Kiên là, muốn đưa một phần lợi thế của TTVN về với TEG, ông phải thổi hồn vào doanh nghiệp, phải có khả năng thực hiện ý tưởng, dự án lớn.

Số tiền thu được từ đợt phát hành cho cổ đông hiện hữu và chào bán công khai ước tính hơn 316 tỷ đồng sẽ dùng đầu tư mua cổ phần Năng lượng Trường Thành. Tính tới 31/12/2020, TEG đang sở hữu 26,28% vốn điều lệ tại Năng lượng Trường Thành.

Lý giải cho việc nhiều mã cổ phiếu có sóng lớn trong tuần qua, nhiều nhà đầu tư gọi là “sóng đại hội cổ đông”, vì các doanh nghiệp thường để dành tin, sự kiện tung ra trước đại hội, gián tiếp hỗ trợ giá cổ phiếu.

Khi giá cổ phiếu tăng, mọi người đều hỉ hả và dĩ nhiên lãnh đạo doanh nghiệp cũng “mát mặt” thay vì “rát mặt” tại đại hội. Kinh nghiệm nhiều đại hội đã cho thấy, không khí rất nhẹ nhàng, thân thiện khi giá cổ phiếu duy trì ở mức hấp dẫn để cổ đông hài lòng.

Ảnh: Dũng Minh.

Ảnh: Dũng Minh.

Một số nhà đầu tư đang được khuyến nghị xem xét giải ngân mua cổ phiếu DXG (của Tập đoàn Đất Xanh) với lý do: để IPO thành công công ty con DXS, chắc chắn công ty mẹ phải tung ra tin tức tích cực. Những thông tin như dự kiến lãi 500 tỷ đồng trong quý I của Đất Xanh là một ví dụ. Thanh khoản của cổ phiếu tuần qua duy trì tích cực, ở mức 4-5 triệu đơn vị/phiên.

Sóng lợi nhuận quý I

Những số liệu về CPI, tăng trưởng GDP quý I được loan đi trong tuần qua đã củng cố tâm lý cho giới đầu tư trên thị trường chứng khoán. Cùng với thông tin về kế hoạch tái cấu trúc, cải thiện hiệu quả mạnh mẽ ở nhiều doanh nghiệp thì dòng tiền bị hút vào những doanh nghiệp công bố con số ước tính lợi nhuận quý I tăng trưởng mạnh.

Chẳng hạn, Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (mã BSR), ước đạt doanh thu quý I gần 21.000 tỷ đồng và lợi nhuận ước đạt 1.803 tỷ đồng, tăng vọt nếu so với số lỗ gần 2.348 tỷ đồng trong cùng kỳ. Cổ phiếu BSR theo đó đã tăng mạnh lên vùng 18.000 đồng/cổ phiếu.

Kết quả kinh doanh quý I sẽ dần hé mở trong tuần này cho đến hết tháng 4. Nhóm công ty nào có thể tăng trưởng lợi nhuận tốt?

Kết quả kinh doanh quý I/2021 của các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường có thể tăng trưởng tới 30%, kịch bản tích cực nhất là 33%, còn thấp nhất là 25%”

Ông Đặng Trần Phục, Chủ tịch Công ty cổ phần AzFin Việt Nam

Theo ông Đặng Trần Phục, Chủ tịch Công ty cổ phần AzFin Việt Nam, kết quả kinh doanh quý I/2021 của các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường có thể tăng trưởng tới 30%, kịch bản tích cực nhất là 33%, còn thấp nhất là 25%. Một lý do quan trọng là kết quả kinh doanh quý I/2020 rất thấp do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Chẳng hạn như PLX, bình thường quý I các năm lãi vài trăm đến cả nghìn tỷ đồng, thì trong quý I/2020 lỗ tới 1.893 tỷ đồng. Tương tự, HVN lỗ 2.589 tỷ đồng, BSR lỗ 2.330 tỷ đồng, OIL lỗ 423 tỷ đồng…

Ông Phục dự báo, ngành chứng khoán sẽ có lợi nhuận tăng trưởng mạnh nhất trong quý I/2021, thứ nhất là vì thanh khoản thị trường cao kỷ lục, trung bình đạt 18.000 tỷ đồng/phiên, gấp 2,8 lần mức bình quân phiên năm 2020 và gấp 3 lần bình quân phiên trong quý I/2020.

Các công ty chứng khoán có thị phần môi giới lớn sẽ hưởng lợi trước tiên như SSI, HSC, VND, VCSC, VPS, MBS, SHS…

Thứ hai là thị trường tăng 10% từ đầu năm đến cuối quý I/2021, giúp danh mục tự doanh của các công ty chứng khoán tăng trưởng tốt, điển hình như VCSC, SSI. SHS trong danh mục có cổ phiếu SHB cũng đang có mức tăng giá rất tốt.

Thứ ba là, cho vay ký quỹ đạt kỷ lục, tăng gấp 2,2 lần so với trung bình năm 2020, những công ty có thị phần khách hàng cá nhân nhiều sẽ hưởng lợi như SSI, HSC, VND, MBS.

Ở nhóm cổ phiếu chứng khoán, ước tính lợi nhuận của Công ty Chứng khoán SSI tăng trưởng 4.000% trở lên, vì cùng kỳ năm trước rất thấp, chỉ có 8 tỷ đồng. VND dự kiến có thể đạt mức tăng trưởng lợi nhuận 400 - 550% so với cùng kỳ 2020, ước tính đạt 300 tỷ đồng sau thuế nhờ thị trường chứng khoán sôi động.

Chứng khoán Bản Việt ước tính có thể tăng trưởng lợi nhuận trên 150% nhờ môi giới tốt, tự doanh tăng mạnh. VIX ước đạt 320 tỷ đồng lợi nhuận trong quý I, hoàn thành gần 50% kế hoạch năm, trong khi cùng kỳ lỗ ròng 24,5 tỷ đồng.

Ngành dự kiến có đà tăng trưởng lợi nhuận mạnh nữa phải kể đến là ngân hàng. Về con số % có thể không bằng ngành khác, nhưng giá trị tuyệt đối lại rất lớn.

Đà tăng này đến từ nợ xấu giảm khi kinh tế tốt lên khiến chi phí dự phòng nợ xấu giảm, tín dụng quý I so với cùng kỳ tăng trưởng cao – dù thông tin là chỉ tăng 1%, nhưng đây là con số so với quý IV/2020, còn so với quý I/2020 sẽ tăng rất mạnh.

Lãi suất thấp, tiền gửi không kỳ hạn (CASA) tăng do người dân giảm sử dụng tiền mặt, tăng sử dụng dịch vụ ngân hàng nhiều hơn làm NIM của các ngân hành tăng. Mặt khác, các dịch vụ bảo hiểm và dịch vụ khác phát triển mạnh giúp tăng trưởng lợi nhuận đáng kể cho ngân hàng.

Thực tế, sự sôi động không chỉ diễn ra ở STB, mà diễn ra ở nhiều cổ phiếu cùng ngành. Không tính tân binh SSB (Ngân hàng TMCP Seabank) có “sóng chào sàn”, với chuỗi tăng trần 6 phiên liên tục và vẫn duy trì được sắc xanh sau phiên điều chỉnh nhẹ hôm 1/4 thì nhóm ngân hàng tiếp tục nổi trội với vai trò dẫn dắt thị trường.

Ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Mức tăng trưởng GDP 4,48% trong quý I năm nay đã cho thấy sự thích nghi, sức chống chịu và xu thế phục hồi của nền kinh tế ngày càng gia tăng.

Một điểm có thể nhận thấy rất rõ, đó là cả ba khu vực của nền kinh tế đều có những tín hiệu tích cực. Khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản tiếp tục là điểm sáng với tốc độ tăng 3,16%; khu vực công nghiệp và xây dựng có dấu hiệu khởi sắc, đạt mức tăng 6,3%; còn khu vực dịch vụ cũng tăng 3,34%.

Đặc biệt, trong khu vực công nghiệp, xây dựng, thì công nghiệp chế biến, chế tạo đã tăng tới 9,45%, cao hơn cùng kỳ năm trước và đang tiệm cận mức tăng 2 con số ở thời điểm trước dịch bệnh. Đây tiếp tục là động lực chính của nền kinh tế.

Ngoài ra, còn có thể kể một số điểm sáng quan trọng của nền kinh tế, như lạm phát được kiểm soát, cân đối ngân sách được đảm bảo, thị trường tiền tệ, tín dụng ổn định… Thu hút vốn đầu tư nước ngoài phục hồi tích cực. Lần đầu tiên kể từ khi dịch bệnh bùng phát, thu hút vốn đầu tư nước ngoài tăng trưởng dương. Giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước tiếp tục được thúc đẩy. Giải ngân tháng 3/2021 tăng mạnh, cao hơn 2 tháng đầu năm, xuất nhập khẩu hàng hóa đạt mức tăng trưởng ấn tượng, xuất siêu hơn 2 tỷ USD…

Để nền kinh tế có thể đạt các mục tiêu đề ra trong năm nay, phải tập trung các giải pháp để kích thích tăng trưởng, thúc đẩy phục hồi toàn diện nền kinh tế. Trong đó, nhiệm vụ đầu tiên và quan trọng nhất vẫn là thực hiện quyết liệt các biện pháp kiểm soát, phòng chống dịch bệnh, đẩy mạnh việc mua và triển khai tiêm vắc-xin Covid-19.

Ngoài ra, các biện pháp trọng tâm cần tiếp tục thực hiện, đó là chính sách tài khóa, tiền tệ linh hoạt để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Hiện nay, Chỉ số Giá tiêu dùng đang ở mức thấp, trong khi cân đối ngân sách được bảo đảm, do đó, chúng ta đang có điều kiện thuận lợi để tiếp tục mở rộng chính sách tài khóa, kích thích tăng trưởng kinh tế.

Cổ phiếu SHB sau thời gian đi ngang ở vùng giá 15.000 đồng/cổ phiếu đã tăng mạnh lên mức 27.000 đồng/cổ phiếu chỉ trong vòng chưa đầy 3 tuần. Các cổ phiếu MBB, VIB, VPB, BID, CTG, VCB… đều tăng tốt, tạo đà cho VN-Index vượt mốc 1.200 điểm và chinh phục ngưỡng đỉnh lịch sử mới 1.224.45 điểm vào cuối tuần qua.

Ở nhóm bất động sản, lợi nhuận của Vinhomes trong 6 tháng đầu năm được dự báo sẽ tăng trưởng rất mạnh. Kỳ vọng lợi nhuận có thể tăng trên 50%, doanh nghiệp sẽ tiếp tục dẫn đầu về lợi nhuận, có thể đạt 30.000 - 35.000 tỷ đồng lãi sau thuế. Năm 2020, Vinhomes chiếm 50% toàn bộ lượng giao dịch bất động sản tại Việt Nam, biên lợi nhuận lên tới gần 50%.

Ngành vật liệu xây dựng cũng được dự báo tăng trưởng đáng kể, hưởng lợi từ đầu tư công, giá bán cao hơn giá thành sản xuất giúp tăng lợi nhuận hơn.

Ông Phục dự báo, HPG tăng trưởng lợi nhuận có thể đạt 150 - 200% nhờ sản phẩm tiêu thụ mạnh, từ 2021 hoạt động hết công suất toàn bộ các nhà máy, bên cạnh đó giá thép bán ra tăng mạnh trong tháng 2 và 3 trong khi Công ty có sẵn nguồn nguyên liệu đã nhập giá thấp trước đó. Nếu ghi nhận phù hợp, HPG có thể lãi sau thuế trên 6.000 tỷ đồng (cùng kỳ chỉ khoảng 2.200 tỷ đồng).

Ngành nhiên liệu và năng lượng dự báo có mức tăng mạnh nhờ giá nhiên liệu năng lượng tăng trưởng mạnh (như giá dầu). Năm 2020, giá dầu có lúc âm 38 USD/thùng, nay đã trên 70 USD/thùng. Sản lượng cũng tăng mạnh do kinh tế phục hồi. Và kết quả kinh doanh cùng kỳ có nền rất thấp.

Trong một báo cáo công bố ra thị trường gần đây, nhóm chuyên gia phân tích của Fin Group nhận định, năm 2021, lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết sẽ khả quan hơn.

Chẳng hạn, mức tăng trung bình của các ngân hàng trong VN30 đạt 17,1% và 24,7% của các doanh nghiệp phi tài chính. VN30 bao gồm các doanh nghiệp đầu ngành và chiếm 70% vốn hóa toàn bộ các doanh nghiệp trên HOSE và 52,1% toàn bộ các doanh nghiệp trên ba sàn chứng khoán. Như vậy, so với mức tăng trưởng 14,9% lợi nhuận sau thuế của năm 2020, triển vọng năm 2021 với ngành ngân hàng là tích cực hơn.

Ngành bất động sản đang được kỳ vọng rất lớn khi thị trường sốt nóng và khan hàng. So với giai đoạn 5 năm qua thì ngành này về cơ bản đã giảm tốc tính đến hết năm 2020.

Tuy nhiên, năm 2021, phân khúc bất động sản nhà ở theo phân tích có thể tăng trưởng về lợi nhuận ở mức 29,4% trên nền doanh thu cũng sẽ tăng trưởng 22,5% từ số liệu của 13 doanh nghiệp lớn, chiếm 90,3% vốn hóa ngành này.

Tăng trưởng lợi nhuận sau thuế dự báo không chỉ từ Vinhomes mà còn tiếp tục đến từ các doanh nghiệp có quy mô nhỏ hơn.

Sự tăng trưởng về lợi nhuận sẽ giúp các cổ phiếu có tính hấp dẫn hơn nhờ cải thiện về định giá. Theo tính toán của Finn, VN30 có PE forward (dự báo) ở mức 14,4 lần (hiện nay ở mức 16 lần) và P/B forward (dự báo) ở mức 2,5 lần (hiện ở mức 2,8 lần).

Một câu hỏi được quan tâm trong tuần giao dịch mới này: Sau mốc 1.200 điểm sẽ là gì?

Công ty Chứng khoán FPTS khá kiên định với nhận định VN-Index sẽ còn một nhịp tăng qua mốc 1.200 điểm và sau đó mới tạo một đỉnh trung hạn trong nhiều tuần thị trường đỏ lửa trước. Công ty này khuyến nghị, quanh vùng đỉnh trung hạn sẽ có nhiều nhà đầu tư canh bán hạ tỷ trọng.

Song, trong một kịch bản được môi giới SSI đưa ra lại là nếu thị trường vượt mốc 1.200 điểm vững vàng, nhà đầu tư nên mạnh tay giải ngân cho sóng 5, con sóng lớn cuối cùng trong thị trường bò.

Phan Hằng – Hà Vy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục