Dòng tiền hợp lực nâng đỡ thị trường

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Giao dịch chứng khoán trở nên sôi động trong tuần cuối cùng của tháng 8 khi chỉ số thị trường vượt qua ngưỡng cản kỹ thuật. 
Dòng tiền hợp lực nâng đỡ thị trường

Động lực đến từ các dòng vốn nội

Thanh khoản bình quân 3 phiên đầu tuần này trên sàn HOSE đạt 6.000 tỷ đồng, tăng 55% so với 3 tuần trước đó. Nhìn rộng ra thì dòng tiền đã quay lại thị trường trong tháng 8 khi thanh khoản đạt hơn 6.000 tỷ đồng/phiên, tăng 14% so với tháng 7 và ở mức cao thứ ba kể từ đầu năm, sau tháng 5 và tháng 6 lần lượt đạt 6.600 tỷ đồng và 7.900 tỷ đồng.

Lũy kế 8 tháng (tính đến ngày 26/8), thanh khoản toàn thị trường đạt bình quân 5.564 tỷ đồng/phiên, tăng 21% so với cùng kỳ, trong đó thanh khoản thông qua khớp lệnh tăng 27%, đạt 4.398 tỷ đồng/phiên.

Theo Công ty Chứng khoán MB (MBS), động lực thúc đẩy thị trường đi lên và giao dịch sôi động trong những phiên gần đây đến từ dòng tiền nội, tương tự như giai đoạn tháng 4 và tháng 5.

Số lượng tài khoản mở mới trong tháng 7 dù giảm còn gần 27.000 tài khoản, nhưng vẫn cao hơn mặt bằng chung của năm 2019 (phổ biến từ 15.000 - 20.000 tài khoản/tháng).

Bên cạnh đó, dòng tiền từ các tổ chức trong nước mua ròng tổng cộng hơn 2.100 tỷ đồng trong tháng 8 so với mức bán ròng 440 tỷ đồng trong tháng 7.

Dòng tiền đổ vào thị trường còn đến từ các doanh nghiệp niêm yết có lượng tiền nhàn rỗi thực hiện đầu tư cổ phiếu hoặc mua cổ phiếu quỹ.

Đóng góp vào sự sôi động trong những phiên giao dịch vừa qua là dòng tiền đến từ kênh ETF. Các quỹ ETF đã hút ròng 33,74 triệu USD kể từ đầu năm, trong đó 2 quỹ ETF nội là VFM DIAMOND và SSIAM VNFIN LEAD lần lượt tăng thêm 64,1 triệu USD và 21,59 triệu USD (tính đến ngày 25/8).

Riêng trong tháng 8, các quỹ ETF đã hút ròng gần 41 triệu USD, trong đó V.N.M là 18,43 triệu USD, VFM DIAMOND là 7,1 triệu USD, FTSE Vietnam là 6,3 triệu USD.

Ở một góc nhìn khác, ông Trần Thăng Long, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) cho rằng, dòng tiền bắt đáy của nhà đầu tư cá nhân trong nước từ thời điểm tháng 3 vẫn chưa thoát khỏi thị trường.

Dòng tiền này xuất hiện trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm giảm dần, cơ hội kinh doanh thu hẹp do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, trong khi TTCK sụt giảm tạo sức hút.

Mặt khác, dòng tiền ít dùng đòn bẩy nên có sức bền, khi dịch Covid-19 bùng phát lần hai, dòng tiền vẫn bám trụ và vận động luân chuyển trong thị trường tìm cơ hội. Dòng tiền mới đang thế chỗ cho hoạt động bán ròng của khối ngoại trong suốt thời gian qua.

Đáng chú ý, trong các phiên giao dịch gần đây, đặc biệt phiên ngày 25/8 ghi nhận thanh khoản tăng mạnh, điều này được BSC lý giải đến từ 2 yếu tố. Một là, nhà đầu tư trong nước hứng khởi khi đón nhận thông tin sẽ có dòng tiền lớn từ quỹ đầu tư Đài Loan. Hai là, áp lực chốt lãi ngắn hạn của một bộ phận nhà đầu tư khi VN-Index tiến đến vùng cản 880 - 900 điểm.

Thị trường chứng khoán nhìn chung vẫn hấp dẫn, nhất là khi hoạt động đầu tư tại nhiều kênh khác trở nên mạo hiểm.

Đơn cử, trong tháng 8, giá vàng trong nước liên tục biến động mạnh, mạnh hơn cả diễn biến của giá vàng thế giới, có đợt giảm nhanh từ gần 60 triệu đồng/lượng xuống 46 triệu đồng/lượng.

Ngoài ra, theo ông Đào Tuấn Trung, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Công ty Chứng khoán VietinBank, lãi suất huy động giảm mạnh tại các ngân hàng cũng khiến dòng tiền tiết kiệm của cá nhân và doanh nghiệp đổ vào thị trường chứng khoán, hợp lực với dòng tiền từ các quỹ ETF đã góp phần giúp chỉ số VN-Index bứt khỏi ngưỡng kháng cự 850 điểm, dần tiến sang ngưỡng kháng cự mới tại 880 điểm.

Tiền đầu cơ đang hoạt động mạnh mẽ

Dòng tiền nâng đỡ thị trường chủ yếu đến từ nhà đầu tư trong nước, trong đó có phần đóng góp quan trọng của nhà đầu tư nhỏ lẻ khi kênh đầu tư chứng khoán vẫn hấp dẫn trên nền lãi suất ngân hàng ở mức thấp và có khả năng giảm thêm.

Khác với một số kênh đầu tư khác, năm nay, nhiều nhà đầu tư mới trên thị trường chứng khoán chiến thắng những nhà đầu tư lâu năm quá cẩn trọng, cân nhắc kỹ các khoản đầu tư, khi họ nhanh chóng chớp thời cơ trong các đợt điều chỉnh của thị trường.

Không giống như tâm lý thận trọng về khả năng dòng tiền chỉ “dạo chơi” chứng khoán, không bền vững và rút ra nhanh như nhận định ban đầu, theo BSC, dòng tiền nhà đầu tư trong nước, bao gồm các nhà đầu tư mới đã và đang tạo nền tích lũy cho thị trường.

Khi có thêm dòng tiền mới từ các quỹ hoặc khối ngoại, VN-Index có cơ hội kiểm tra ngưỡng tâm lý 900 điểm trong 1 - 2 tuần tới.

Xét mức độ biến động của các chỉ số chứng khoán như VN-Index, VN30 với biến động giá cổ phiếu thuộc nhiều nhóm ngành cho thấy sự phân hóa rất lớn, đặc biệt là bất động sản khu công nghiệp, vật liệu và xây dựng, bán lẻ, đây là những nhóm cổ phiếu không có kết quả kinh doanh quá tốt tính trong 7 tháng đầu năm, nhưng ghi nhận tăng giá ấn tượng.

Không ít cổ phiếu vừa và nhỏ tăng giá tích cực như HAP ghi nhận phiên tăng trần thứ 15 liên tiếp, lên 8.280 đồng/cổ phiếu, khối lượng khớp lệnh gần 3,3 triệu đơn vị trong phiên 26/8.

Hay cổ phiếu TTF ghi nhận tăng giá trần, đạt 3.610 đồng/cổ phiếu, khối lượng khớp hơn 2 triệu đơn vị.

Diễn biến tăng giá mạnh ở các mã khác như MHC, LHG, VPS, TAC, HII… cho thấy, dòng tiền đầu cơ đang hoạt động mạnh mẽ, ngay cả khi thị trường đi ngang.

Thị trường chứng khoán đang trong giai đoạn hồi phục, nhưng để khẳng định thị trường bước vào xu hướng tăng thì cần nhiều hơn các phiên giao dịch với chỉ số tăng điểm và thanh khoản tăng mạnh.

Còn về cơ bản, dòng tiền nhiều khả năng tiếp tục phân hóa vào các cổ phiếu tốt, cổ phiếu có câu chuyện riêng, hoặc giảm giá sâu giai đoạn vừa qua.

“Dòng tiền mới đổ vào thị trường sẽ tiếp tục phân hóa và có xu hướng tập trung vào các doanh nghiệp có tỷ suất cổ tức hấp dẫn và triển vọng sáng về hiệu quả kinh doanh trong năm 2020”, ông Đào Tuấn Trung nói và cho rằng, một số nhóm ngành đáng quan tâm trong thời điểm này như công nghệ thông tin, vì dịch bệnh khiến các doanh nghiệp tích cực thực hiện chuyển đổi số, tạo ra tệp khách hàng mới nhiều tiềm năng cho các doanh nghiệp trong ngành.

Bên cạnh đó, dù đã ghi nhận tăng giá mạnh kể từ đáy của thị trường trong năm qua nhưng nhóm xây dựng và vật liệu xây dựng vẫn còn triển vọng nhờ hoạt động đẩy mạnh giải ngân đầu tư công nhằm kích thích kinh tế trong năm nay.

Hoàng Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục