Giao dịch chứng khoán và lý lẽ của dòng tiền

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Những cổ phiếu có đặc điểm riêng như tích lũy về mặt kỹ thuật đã lâu, hay doanh nghiệp đại diện có câu chuyện mới về mở rộng đầu tư, mua bán - sáp nhập (M&A)… tiếp tục nhận được sự quan tâm của dòng tiền.
Ảnh Shutterstock. Ảnh Shutterstock.

Mở cửa phiên đầu tuần, vượt qua những chần chừ buổi sáng, dòng tiền chảy vào cổ phiếu mạnh mẽ dần lên khiến thị trường tăng điểm.

Trong khi các cổ phiếu trụ cột chỉ tăng nhè nhẹ thì một số mã bật tăng trần. Mã TDH tăng trần vì được cho là có định giá rẻ; mã ABS tăng trần vì tích lũy thời gian dài và nay có thông tin chia cổ tức bằng cổ phiếu.

Cặp đôi KDC và TAC tăng mạnh sau khi nhích tăng dần từ đầu tuần trước vì câu chuyện doanh nghiệp quay lại ngành nghề kinh doanh bánh kẹo, chia cổ tức và dự kiến M&A trong tương lai…

Nhiều cổ phiếu điều chỉnh nhẹ đã bắt đầu tăng trở lại phát ra tín hiệu mua theo phân tích kỹ thuật như AAA, CTI, DXG, NLG, DRH...

Mỗi cổ phiếu một câu chuyện, nhưng sự đồng khởi của các mã trên cho thấy, dòng tiền có sự chọn lọc theo những lý do riêng để mua vào. Ðà tăng ở nhiều mã là một quá trình từ tuần trước kéo sang tuần này và bứt phá.

Quan sát xu hướng dòng tiền cho thấy, nhà đầu tư nội vẫn đang dẫn dắt thị trường. Trong tuần trước, ở sàn HOSE, khối ngoại mua ròng 769,3 tỷ đồng, nhưng xét về khối lượng thì khối ngoại đã bán ròng 5 triệu cổ phiếu.

Ðiểm đáng chú ý là khối ngoại mua ròng thỏa thuận lên đến 1.443 tỷ đồng và nếu chỉ tính giao dịch khớp lệnh thì họ vẫn bán ròng lên đến 674 tỷ đồng.

Số liệu trên cũng lý giải phần nào thắc mắc của nhiều nhà đầu tư, rằng vì sao các cổ phiếu lớn trụ cột lại tăng chậm, trong khi những cổ phiếu tăng mạnh chính là những cổ phiếu vừa vừa. Lý do là các mã tăng thuộc khẩu vị của nhà đầu tư nội.

Chỉ trường hợp của mã KDC tăng phiên đầu tuần là có lực mua của khối ngoại.

Bên cạnh chuyển động của dòng tiền bám theo các câu chuyện từ nội tại doanh nghiệp, một thông tin chưa chính thức nhưng đang tác động lớn đến tâm lý nhà đầu tư đó là việc CTBC Investment huy động được 5 tỷ đô la Ðài Loan (TWD), tương đương 170 triệu USD cho Quỹ China Trust Vietnam Opportunity Fund chỉ trong 5 ngày của đợt chào bán đầu tiên (từ 17 - 21/8).

Nếu thông tin trên là thực, đây sẽ là quỹ đầu tiên huy động bằng TWD rót vốn vào Việt Nam, hướng đến giải ngân vào các cổ phiếu niêm yết trên HOSE.

Hiện tại, Hàn Quốc, Thái Lan đã có quỹ ETF đầu tư vào Việt Nam. Tiềm năng của thị trường chứng khoán Việt Nam không chỉ được nhà đầu tư chuyên nghiệp ở các thị trường khu vực biết đến, mà ngay các nhà đầu tư đại chúng ở thị trường khu vực cũng quan tâm đến.

Lượng vốn từ các nhà đầu tư đại chúng ở thị trường khu vực là rất lớn và nếu tiếp tục có những công ty quản lý quỹ kết nối để gọi vốn từ đại chúng rót vào Việt Nam sẽ mở ra triển vọng sáng cho bức tranh vốn ngoại vào thị trường.

Thông thường, sóng đầu tư sẽ lan từ các cổ phiếu lớn sang các cổ phiếu nhỏ. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp ngược lại, dòng tiền tập trung vào các mã nhỏ, sau đó nhìn rộng ra thấy các cổ phiếu lớn có định giá hấp dẫn, chưa tăng nhiều, nên lan sang các mã bluechips.

Thị trường hiện nay được nhiều người kỳ vọng sẽ lan tỏa như thế, nếu như kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp tới đây không xấu bất thường.

Người quan sát

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục