Thông tin về dòng tiền từ quỹ đang quay trở lại thị trường cổ phiếu khiến các dòng tiền nhỏ cũng rục rịch chuyển động, nhưng chọn đầu tư thế nào vẫn là câu hỏi không dễ lúc này.
Theo số liệu từ Công ty Chứng khoán SSI, dòng vốn từ các ETF chảy tích cực trong tháng 7 với tổng giá trị mua ròng gần 700 tỷ đồng. Ðây là tháng thứ 3 liên tiếp có dòng vốn dương chảy vào TTCK Việt Nam. Xu hướng tích cực ghi nhận ở hầu hết các quỹ ETF.
Ðáng chú ý, 2 quỹ ETF ngoại thu hút được dòng vốn mới lớn nhất trong tháng 7 là VanEck Vectors ETF (262 tỷ đồng) và FTSE Vietnam ETF (146 tỷ đồng).
Ngược lại, xu hướng tăng thêm vốn mới có phần yếu đi ở các ETF nội mới thành lập như VNDiamond ETF và VNFIN Lead ETF. Quỹ ETF nội lớn nhất là VFM VN30 ETF đã giải ngân trở lại từ giữa tháng.
Tuy vậy, diễn biến dịch Covid bất ngờ đã khiến Quỹ bị rút vốn trở lại trong tuần cuối tháng, tính chung chỉ thu hút được 58 tỷ đồng trong tháng 7.
Ðiểm sáng thứ hai là các quỹ đầu tư chủ động tại Việt Nam đang tăng tỷ trọng cổ phiếu khi tỷ trọng tiền mặt của các quỹ giảm rõ rệt kể từ đầu tháng 6 và được giữ ở mức thấp trong tháng 7. Tỷ trọng tiền mặt của Quỹ VEIL (Dragon Capital) - Quỹ đầu tư chủ động lớn nhất tại thị trường Việt Nam cuối tháng 7 chỉ là 0,87%. Tại Quỹ PYN Elite, tiền mặt là 4% tổng danh mục. Ðây là tỷ lệ tiền mặt thấp nhất kể từ đầu năm 2020 đến nay.
Theo công ty chuyên theo dõi dòng vốn EPFR, dòng vốn đổ vào trong nửa cuối tháng 7 đã cao hơn lượng rút ra nửa đầu tháng, tính chung cả tháng 7 có 6,5 triệu USD vốn ngoại tăng thêm vào các quỹ đầu tư tại Việt Nam.
Trong khi đó, lũy kế 7 tháng đầu năm, các thị trường lớn ở khu vực châu Á (ngoại trừ Ðài Loan) đều bị rút ròng nhưng mức rút ròng của thị trường Việt Nam (-3,6 triệu USD) thấp hơn nhiều so với các thị trường Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan… Trong tuần đầu tháng 8/2020, có 7,6 triệu USD vốn ròng vào các quỹ ở Việt Nam.
Ðón nhận thông tin trên, VN-Index tăng gần 7 điểm, sắc xanh chiếm áp đảo số mã trên sàn phiên cuối tuần. Ngoài cổ phiếu ngân hàng tăng giá dẫn dắt thị trường, cổ phiếu ngành phân bón cũng thu hút dòng tiền khi DPM tiếp nối đà tăng đóng cửa ở mức giá trần.
Dòng tiền đầu tư cũng bắt đầu tập trung vào một số mã cổ phiếu nhỏ, ít được chú ý trước đó như cổ phiếu ABS và một số mã thuộc “hàng nóng” như QCG, QBS, MBG… cũng “nhấp nhổm” tăng tiếp.
Diễn biến thị trường cho thấy, bên mua dường như đã sốt ruột muốn xuống tiền nên chọn những cổ phiếu có rủi ro điều chỉnh thấp, đặc biệt là các cổ phiếu đang hút dòng tiền để nhập cuộc.
Tuy nhiên, ở thời điểm này, lợi nhuận kỳ vọng tương đối mỏng nếu nhìn vào biểu đồ kỹ thuật của các cổ phiếu lớn. Một số cổ phiếu giao dịch ngắn hạn đang ở quanh ngưỡng quá mua, sớm muộn cũng sẽ điều chỉnh.
Kiểu thị trường không nóng cũng không lạnh như hiện nay, vốn không phải là trạng thái mà các nhà đầu tư nhiều kinh nghiệm ưa thích. Vì thế, bên cạnh việc quan sát động thái dòng tiền, chờ đợi một chu kỳ mới rõ nét hơn vẫn là xu hướng chủ đạo của nhà đầu tư trường nghề.