Nhận được trợ lực mạnh mẽ, giới đầu tư hồ hởi gom hàng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau kỳ nghỉ lễ, Phố Wall trở lại với một phiên giao dịch hưng phấn vào thứ Hai (5/4).
Nhận được trợ lực mạnh mẽ, giới đầu tư hồ hởi gom hàng

Khởi đầu tuần mới, chứng khoán Mỹ đón nhận loạt dữ liệu kinh tế tích cực. Theo báo có của Viện Quản lý Cung ứng Mỹ (ISM), chỉ số hoạt động phi sản xuất hay dịch vụ trong tháng 3/2021 của Mỹ tăng vọt lên mức 63,7 điểm từ mức 55,3 điểm trong tháng 2 và ghi nhận mức cao nhất trong lịch sử. Lĩnh vực dịch vụ chiếm 2/3 hoạt động kinh tế của Mỹ và là lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch. Trước đó, giới chuyên gia nhận định, chỉ số này trong tháng 3 sẽ chỉ đạt 59 điểm.

Tuần trước, ISM cũng công bố, chỉ số hoạt động sản xuất của Mỹ đã tăng từ mức 60,8 điểm trong tháng 2 lên 64,7 điểm trong tháng 3, mức cao nhất kể từ tháng 12/1983.

Bên cạnh đó, số liệu việc làm được công bố vào ngày 2/4 vừa qua cũng không làm các nhà đầu tư thất vọng. Theo Bộ Lao động Mỹ, đà phục hồi của nền kinh tế lớn nhất thế giới đã tăng tốc trong tháng 3 với số việc làm tăng mạnh nhờ các doanh nghiệp hoạt động trở lại và chương trình tiêm chủng vắc-xin Covid-19 được đẩy mạnh.

Cụ thể, nền kinh tế nước này khôi phục được 916.000 việc làm phi nông nghiệp trong tháng vừa qua, mức cao nhất kể từ tháng 8/2020, với gần 1/3 trong số này là trong lĩnh vực du lịch, giải trí và nhà hàng, khách sạn. Số việc làm tăng đã kéo tỷ lệ thất nghiệp từ mức 6,2% trong tháng 2 xuống 6%. Kết quả này vượt xa mong đợi của các nhà kinh tế.

Số việc làm mới vượt xa so với dự báo của các nhà kinh tế đã báo hiệu nền kinh tế đang phục hồi nhanh hơn khi chương trình tiêm chủng được triển khai rộng rãi hơn và chính phủ thực hiện các biện pháp kích thích bổ sung, hỗ trợ tiền mặt cho hầu hết các gia đình và tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp.

Mặt khác, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cuối tuần qua cho biết, đến nay, khoảng 32% dân số Mỹ (tương đương 106 triệu người) đã được tiêm ít nhất một liều vắc-xin, 18,5% (tương đương 61 triệu người) đã được tiêm phòng đầy đủ. Những người được tiêm chủng đầy đủ có thể đi du lịch an toàn với “rủi ro thấp”.

Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen hôm thứ Hai tiết lộ, bà đang làm việc với các nước G20 để thống nhất về mức thuế tối thiểu cho doanh nghiệp toàn cầu nhằm ngăn chặn sự xói mòn nguồn thu chính phủ.

Đóng cửa phiên thứ Hai đầu Tuần, Dow Jones và S&P 500 thiết lập đỉnh lịch sử mới.

Kết thúc phiên 5/4, chỉ số Dow Jones tăng 1373,98 điểm, (+1,13%), lên 33.527,19 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 58,04 điểm, (+1,44%), lên 4.077,91 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 225,49 điểm, (+1,67%), lên 13.705,59 điểm.

Trong khi chứng khoán châu Âu nghỉ lễ phục sinh phiên ngày 5/4 thì tại châu Á, chứng khoán Nhật Bản kéo dài đà tăng khi chứng kiến loạt dữ liệu kinh tế tích cực tại Mỹ.

Chứng khoán Hàn Quốc tăng điểm cũng nhờ dữ liệu kinh tế đầy lạc quan của Mỹ củng cố tâm lý nhà đầu tư.’

Chứng khoán Trung Quốc và chứng khoán Hồng Kông nghỉ giao dịch ngày Tết Thanh Minh.

Kết thúc phiên 5/4, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 235,25 điểm (+0,79%), lên 30.089,25 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 8,03 điểm (+0,26%), lên 3.120,83 điểm.

Giá vàng giảm nhẹ trong phiên giao dịch đêm qua khi loạt dữ liệu kinh tế mạnh mẽ lúc đẩy thị trường chứng khoán toàn cầu sôi động.

Kết thúc phiên 5/4, giá vàng giao ngay giảm 1,80 USD (-0,10%), xuống 1.728,5 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 tăng 0,4 USD (+0,02%), lên 1.728,80 USD/ounce.

Giá dầu giảm mạnh trong phiên ngày thứ Hai, phản ứng trước động thái OPEC+ đạt được thỏa thuận giảm dần việc cắt giảm sản lượng, bắt đầu từ tháng 5.

Sau cuộc họp ngày 1/4, OPEC+ đã nhất trí nâng sản lượng 350.000 thùng/ngày (bpd) vào tháng 5, thêm 350.000 thùng/ngày nữa vào tháng 6 và thêm 400.000 thùng/ngày vào tháng 7.

Một thành viên của OPEC là Iran được miễn thực hiện cắt giảm tự nguyện, cũng đang thúc đẩy nguồn cung.

Dù nền kinh tế Mỹ đang cho thấy dấu hiệu phục hồi tốt, tuy nhiên tình trạng phong toả tại châu Âu và Ấn Độ vẫn khiến triển vọng khôi phục kinh tế toàn cầu, thúc đẩy hơn nữa nhu cầu dầu mỏ khá mờ nhạt.

Kết thúc phiên 5/4, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI giảm 3,21 USD (-5,2%), xuống 58,24 USD/thùng, giá dầu thô Brent giảm 3,08 USD (-4,8%), xuống 61,68 USD/thùng

Quỳnh Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,174.85 -18.16 -1.55% 237,024 tỷ
HNX 220.8 -5.4 -2.45% 2,598 tỷ
UPCOM 87.16 -0.99 -1.14% 740 tỷ