Khẳng định được vị thế là kênh huy động vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế, kênh đầu tư thu hút hàng triệu người tham gia, nhưng TTCK Việt Nam vẫn còn không ít điểm yếu cần khắc phục, đòi hỏi sự nỗ lực của nhà quản lý cũng như các thành viên thị trường.
Trước câu hỏi diện mạo mới cho thị trường trong chặng đường phát triển sắp tới sẽ ra sao, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Trần Văn Dũng cho biết, con đường tương lai của TTCK là gia tăng tính chuyên nghiệp, minh bạch, độ sâu của thị trường, cải thiện niềm tin trong nhà đầu tư, cũng như nâng tầm vai trò là kênh huy động vốn trung và dài hạn chủ lực cho nền kinh tế và doanh nghiệp. Ðây là những “đề bài” cho ngành chứng khoán khi thị trường tròn 20 năm khai mở (20/7/2000-20/7/2020).
Bên cạnh việc hoàn thiện các văn bản pháp lý hướng dẫn Luật Chứng khoán, ông Trần Văn Dũng cho biết, ngành chứng khoán đã lên kế hoạch đưa hệ thống công nghệ thông tin mới vào vận hành vào năm 2021, trên cơ sở đó mở đường cho triển khai một loạt sản phẩm, dịch vụ mới như: bán chứng khoán chờ về, mua bán chứng khoán trong ngày.
Hệ thống mới cũng được trông đợi sẽ làm thay đổi căn bản hệ thống công nghệ giao dịch toàn thị trường, mở đường cho triển khai các sản phẩm, dịch vụ phức tạp hơn như: tại thời điểm mua chứng khoán không cần có tiền trong tài khoản, mà chỉ cần có tiền tại thời điểm thanh toán; hay tại thời điểm bán không cần có chứng khoán trong tài khoản, mà chỉ cần có tại thời điểm chuyển giao chứng khoán cho người mua…
Ðể TTCK Việt Nam có vị thế rõ nét hơn trên bản đồ chứng khoán thế giới, lọt vào tầm ngắm phân bổ vốn của các tổ chức đầu tư toàn cầu, Chính phủ đã yêu cầu ngành chứng khoán phải triển khai các bước cải cách, nhằm nâng hạng từ thị trường cận biên lên mới nổi trước năm 2025.
Sự cộng hưởng của các yếu tố như nền tảng pháp lý mới, công nghệ mới, vị thế mới trên trường quốc tế sẽ tiếp sức cho kỳ vọng TTCK Việt Nam nâng tầm vị thế, bước tiếp chặng đường phát triển trong thập niên tới đây.
Khu vực kinh tế tư nhân hiện có đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng kinh tế của đất nước, với tỷ lệ trung bình khoảng 43%/năm.
Ðến với TTCK vào đầu năm 2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ đánh giá rằng, TTCK Việt Nam đã trở thành bệ phóng cho thành công của nhiều doanh nghiệp lớn, hỗ trợ tốt cho công tác cổ phần hóa và quan trọng hơn là cùng với hệ thống tín dụng của ngân hàng tạo ra một cơ cấu thị trường vốn Việt Nam cân đối hơn.
Thực tế, sau những năm đầu xây dựng, khi TTCK đi vào hoạt động ổn định và tăng trưởng, rất nhiều ngân hàng (như ACB, Sacombank, Eximbank, VietinBank…), cùng các doanh nghiệp niêm yết (như SSI, HSC, Hòa Phát, FPT, DHG, VHC…) đã phát hành cổ phần, cổ phiếu, gọi được vốn từ công chúng đầu tư để trở thành những tên tuổi lớn trên thương trường.
Trên con đường tương lai, để trợ lực cho khu vực kinh tế tư nhân năng động hơn, phát triển mạnh mẽ hơn, TTCK buộc phải lớn mạnh hơn, không chỉ tạo kênh cho doanh nghiệp gọi vốn, mà còn cần tiếp tục các nỗ lực thúc đẩy quản trị công ty, thúc đẩy sự minh bạch và hội nhập của chính các doanh nghiệp thông qua nhiều giải pháp, trong đó có việc áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế.
Những bước đi tiên phong sẽ được bắt đầu từ khối doanh nghiệp niêm yết, rồi từ đó lan tỏa ra khối doanh nghiệp đại chúng quy mô lớn, ra toàn thị trường và đến các chủ thể trong nền kinh tế Việt Nam.