Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời nói chung, trong đó có điện mặt trời quy mô lớn và điện mặt trời áp mái nói riêng.
Tuy nhiên, thị trường điện mặt trời áp mái chỉ tăng trưởng nhanh kể từ khi có Quyết định 02/2019/QĐ-TTg vào tháng 1/2019, với các quy định rõ ràng về cơ chế mua bán điện mặt trời mái nhà theo chiều giao và chiều nhận riêng biệt của công tơ đo đếm điện 2 chiều.
Cụ thể, bên mua điện (Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN) thực hiện thanh toán lượng điện năng từ dự án trên mái nhà phát lên lưới điện với giá là 9,35 cents/kwh; thanh toán bằng VND theo tỷ giá trung tâm của VND so với USD do Ngân hàng Nhà nước công bố vào ngày công bố tỷ giá cuối cùng của năm trước (hiện tại, các quy định này đã hết hiệu lực).
Nhờ những quy định rõ ràng, công suất điện mặt trời áp mái lắp đặt đã tăng hơn 10 lần, từ khoảng 18 MWp vào cuối năm 2018 lên hơn 200 MWp cho tới nay, theo số liệu được Tổ chức Thúc đẩy đầu tư năng lượng sạch (CEIA) chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán.
Với các lợi ích của điện mặt trời áp mái, mới đây, Bộ Công thương đã đề xuất tiếp tục áp dụng giá bán điện 9,35 cents/kwh đến hết năm 2021, đồng thời đề xuất thêm các mô hình bán điện mặt trời khác như bán toàn bộ cho EVN, tự dùng một phần và bán phần dư cho EVN, bán một phần cho hộ tiêu thụ khác và phần dư bán cho EVN, bán toàn bộ cho hộ tiêu thụ khác trong khu công nghiệp để thu hút nhiều thành phần kinh tế tham gia đầu tư điện mặt trời áp mái.
Dù được hỗ trợ bởi một số chính sách có sẵn, cũng như giá bán điện được xem là hấp dẫn, nhưng lĩnh vực điện mặt trời áp mái của Việt Nam đang đối diện với một số rào cản và khó khăn, điều thường gặp đối với bất kỳ lĩnh vực nào ở giai đoạn mới phát triển.
Theo CEIA, người sử dụng điện mặt trời áp mái và các công ty cung cấp dịch vụ điện mặt trời áp mái nhận thấy sức hấp dẫn của hoạt động này, tuy nhiên, với lĩnh vực tín dụng - tài chính, điện mặt trời áp mái vẫn được xem là một loại tài sản mới, không quen thuộc, đồng nghĩa với việc mang lại nhiều rủi ro trong con mắt của các nhà băng.
Khi các ngân hàng có thêm trải nghiệm với lĩnh vực điện mặt trời áp mái và tự tin vào các dự án thuộc lĩnh vực này, chấp nhận cho vay với thời hạn dài hơn, thì điện mặt trời áp mái tại Việt Nam sẽ tiến thêm một bước quan trọng trên con đường phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, chính sách trợ giá điện của Việt Nam tạo rào cản đối với hoạt động đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo nói chung và điện mặt trời áp mái nói riêng.
Với nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng lĩnh vực sản xuất và công nghiệp, Việt Nam đang tiến hành trợ cấp giá điện. Cụ thể, người dùng điện sinh hoạt và kinh doanh phải trả giá điện cao hơn giá bình quân để hỗ trợ cho khối sản xuất công nghiệp.
Việc trợ cấp này dẫn tới khách hàng thương mại và hộ dân phải trả tiền điện ở mức cao hơn. Trong khi đó, khách hàng công nghiệp nhận được trợ cấp giá điện, nên lợi nhuận thu được từ việc đầu tư điện mặt trời áp mái không thực sự hấp dẫn.
Trong trường hợp này, rào cản chính là tính minh bạch của bảng giá điện, nhất là với khách hàng tiêu thụ điện công nghiệp.
Nếu EVN công bố bảng tính giá điện trong giai đoạn 3 - 5 năm, nhà đầu tư điện mặt trời sẽ có sự tính toán, chuẩn bị phương án tài chính chắc chắn hơn về dự án điện mặt trời áp mái công nghiệp của mình.
Từ góc độ doanh nghiệp cung cấp dịch vụ điện mặt trời áp mái, bà Nguyễn Ngọc Quỳnh, Giám đốc Khối Kinh doanh SolarBK cho biết, so với các nhà đầu tư mảng điện mặt trời nổi hoặc dự án điện mặt trời mặt đất, điện mặt trời áp mái ít chịu áp lực hơn về giá điện so với dự toán ban đầu, nếu giá điện mới được thông qua.
“Nếu nói về thách thức chung vào thời điểm hiện nay, chúng tôi cho rằng, thị trường vẫn chưa có một tiêu chuẩn ngành cụ thể để người dân có thể dựa vào đó so sánh, đánh giá. Bản thân SolarBK đã phải phối hợp với Công ty Bảo hiểm BIDV, được xem là bên thứ ba độc lập cung cấp bảo hiểm sản lượng điện miễn phí khi khách hàng mua giải pháp điện mặt trời áp mái BigK, nhằm giúp khách hàng yên tâm hơn khi đầu tư”, bà Quỳnh chia sẻ.