Trợ lực cho ngành mía đường

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Quyết định của Bộ Công thương về việc áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm đường từ 5 nước ASEAN được kỳ vọng sẽ mở ra triển vọng sáng cho ngành mía đường trong nước.
Giá đường dự báo sẽ tăng sau khi Bộ Công thương áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại với đường nhập khẩu. Giá đường dự báo sẽ tăng sau khi Bộ Công thương áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại với đường nhập khẩu.

Trợ lực từ chính sách

Các doanh nghiệp mía đường vừa khép lại một niên vụ tài chính 2021 - 2022 (từ 1/7/2021 - 30/6/2022) với nhiều biến động, khi những yếu tố thuận lợi trong giai đoạn đầu niên vụ nhạt dần, thay vào đó là nhiều khó khăn với cả khâu sản xuất và tiêu thụ.

Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết, niên vụ vừa qua, toàn ngành ép được 7,5 triệu tấn mía, sản xuất được 741.700 tấn đường, tăng hơn 11,6% về sản lượng mía ép và tăng 7,5% về sản lượng đường so với niên độ 2020 - 2021.

Lượng đường sản xuất gia tăng, nhưng tiêu thụ có dấu hiệu giảm sút do nhu cầu của thị trường trong nước vẫn chậm, trong khi lại chịu sức ép cạnh tranh gay gắt từ các loại đường giá rẻ có nguồn gốc nhập khẩu, đặc biệt là đường lậu, được bán tràn lan trên thị trường.

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, mỗi năm, đường nhập lậu vào Việt Nam khoảng 500.000 - 700.000 tấn/năm. Trong nửa đầu tháng 6 và tháng 7/2022, đường ngoại từ các nước ASEAN tiếp tục vào thị trường Việt Nam qua cả nhập khẩu chính ngạch và nhập lậu (qua biên giới Lào, Campuchia).

Theo lãnh đạo Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn (Lasuco, mã LSS), việc đường lậu tràn lan, không được kiểm soát đã ảnh hưởng trực tiếp đến giá đường trong nước. Tại Lasuco, vụ sản xuất 2022/2023, từ tháng 4/2022, Công ty đã công bố giá thu mua mía là 1,1 triệu đồng/tấn tại ruộng, chưa kể các khoản hỗ trợ như phân bón 1 tấn/ha. Cộng thêm các chi phí vận chuyển, chế biến, giá thành sản xuất đường của Công ty vào khoảng 16.000 đồng/kg. Thêm các chi phí khác như quản lý, bán hàng, thuế thì giá bán hòa vốn bình quân là 18.000 đồng/kg.

Do sức ép từ đường lậu giá rẻ, giá đường của các nhà máy trong nước chỉ trên 17.100 đồng/kg, thấp hơn giá thành sản xuất.

Tuy nhiên, do sức ép từ đường lậu giá rẻ, giá đường của các nhà máy trong nước chỉ trên 17.100 đồng/kg (đường lậu được bán ở mức 16.800 đồng/kg), thấp hơn giá thành sản xuất.

Báo cáo phân tích của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho biết, giá đường trong nước đã giảm 8 - 10% so với mức đỉnh vào quý III/2021 và hiện tại giảm nhẹ 3% so với bình quân quý II/2022. Giá đường tại nhà máy đang vào khoảng 17.250 - 17.700 đồng/kg. Hiện tại, nguồn cung dồi dào từ nhập khẩu chính ngạch và nhập lậu tràn vào khiến cho các doanh nghiệp ngành đường giảm giá bán xuống dưới giá thành vẫn khó bán. Sản lượng tồn kho toàn ngành hiện vào khoảng 370.000 tấn, đủ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ cả nước trong khoảng 2 tháng.

Nhằm đảm bảo môi trường cạnh tranh công bằng giữa hàng hóa sản xuất trong nước với hàng hóa nhập khẩu, bảo vệ lợi ích chính đáng của ngành sản xuất trong nước và người nông dân trồng mía, ngày 1/8/2022, Bộ Công thương đã ban hành quyết định áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm đường mía nhập khẩu vào Việt Nam từ

Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia và Myanmar. Theo đó, đường nhập khẩu từ Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia và Myanmar có sử dụng nguyên liệu đường của Thái Lan sẽ bị áp dụng cùng mức thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đang áp dụng với đường Thái Lan, với tổng mức thuế là 47,64%; trong đó, thuế chống bán phá giá là 42,99% và thuế chống trợ cấp là 4,65%.

Đường nhập khẩu từ 5 quốc gia kể trên nếu chứng minh được sản xuất từ mía thu hoạch tại các quốc gia này sẽ không bị áp dụng biện pháp chống lẩn tránh thuế.

Biện pháp này có hiệu lực sau 7 ngày kể từ ngày quyết định được ban hành, tức từ 8/8/2022 - 15/6/2026.

Bình luận về tác động của chính sách trên, Công ty Chứng khoán Vietcombank cho rằng, trong ngắn hạn, giá đường sẽ có xu hướng tăng và duy trì ở mặt bằng cao, mở ra triển vọng tích cực cho các doanh nghiệp mía đường trong nước.

Đón đầu cơ hội

Để đón đầu cơ hội từ chính sách, mỗi doanh nghiệp mía đường đã chủ động mở rộng vùng nguyên liệu, tăng quy mô sản xuất.

Lãnh đạo Lasuco cho biết, trong những năm qua, trước áp lực nguồn cung đường từ các nước ASEAN sau khi Hiệp định ATIGA có hiệu lực, giá đường trong nước đã rơi xuống mức thấp, các nhà máy đường buộc lòng phải thu mua mía với giá dưới 1 triệu đồng/tấn. Điều này dẫn tới người nông dân trồng mía thua lỗ, chán nản chuyển sang trồng cây khác, vùng nguyên liệu liên tục bị thu hẹp. Năm 2021, Bộ Công thương đã điều tra và có quyết định chống bán phá giá đường từ Thái Lan, qua đó, giúp giá đường phục hồi và trở lại mức hợp lý.

Để khôi phục lại vùng nguyên liệu, các nhà máy từ vụ sản xuất 2021 - 2022 đã tăng giá thu mua mía lên trên 1 triệu đồng/tấn. Thường với các nhà máy đường, chi phí nguyên liệu chiếm từ 75 - 80% giá thành sản xuất, do đó, việc tăng giá mía sẽ ảnh hưởng lớn đến giá thành sản xuất. Việc giá mua mía tăng chỉ có cơ hội khi giá đường tăng phù hợp và ổn định.

Từ năm ngoái, Lasuco đã chú trọng mở rộng vùng nguyên liệu với các chính sách thu hút người dân tham gia. Lasuco là doanh nghiệp sản xuất đường tinh luyện lớn nhất tại miền Bắc, tập khách hàng chủ yếu là khách hàng công nghiệp lớn. Công ty có 70% diện tích trồng mía được trồng trên đất đồi và đang có hướng dịch chuyển xuống vùng đất thấp hơn để đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa đồng bộ.

Tại Công ty cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa, doanh nghiệp đang chiếm 46% thị phần đường nội địa, sở hữu 9 nhà máy trong tổng số 24 nhà máy đường đang hoạt động trên cả nước, chiến lược mở rộng vùng nguyên liệu được triển khai liên tục trong những năm qua. Tổng diện tích vùng nguyên liệu của Công ty tại Việt Nam, Lào, Campuchia hiện đạt gần 66.000 ha và điều này sẽ giúp Công ty chủ động được nguồn nguyên liệu, tiến nhanh hơn so với các doanh nghiệp cùng ngành khi ngành đường trong nước được bảo hộ bởi chính sách phòng vệ thương mại.

Không dừng lại ở các nước khu vực, Công ty dự kiến đầu tư 100 triệu USD để mở rộng vùng nguyên liệu tại Úc lên 20.000 ha, nâng tổng diện tích vùng nguyên liệu toàn cầu đạt gần 90.000 ha. Hiện Úc đang là quốc gia có năng suất mía đường cao nhất thế giới.

Công ty Chứng khoán Mirae Asset dự phóng niên độ 2022 - 2023, Thành Thành Công - Biên Hòa đạt doanh thu 20.341 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 1.235 tỷ đồng, lần lượt tăng 11% và 40,8% so với mức thực hiện trong niên độ trước; biên lợi nhuận được cải thiện từ 12,5% lên 13,3%.

Tương tự, Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi (mã chứng khoán QNS) hiện có vùng nguyên liệu 30.000 ha và cũng đang có kế hoạch mở rộng vùng trồng trong niên vụ này. Hiện sản phẩm đường mía đang chiếm 23% doanh thu và 10% lợi nhuận gộp của Công ty.

Sáu tháng đầu năm nay, mảng mía đường của QNS ghi nhận doanh thu thuần 329 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 67 tỷ đồng, tăng lần lượt 21% và 65% so với cùng kỳ. Sản lượng đường trong năm 2022 dự kiến tăng trưởng 20% nhờ vùng trồng được mở rộng. Doanh nghiệp này cũng được đánh giá có triển vọng tăng trưởng sáng trong nửa cuối năm khi chính sách thuế phòng vệ thương mại đường mía nhập khẩu từ 5 nước ASEAN được đưa vào thực tiễn.

Chủ động vùng nguyên liệu trong bối cảnh giá đường được kỳ vọng sẽ có đà tăng và áp lực cạnh tranh với đường nhập khẩu giảm bớt khi chính sách phòng vệ thương mại có hiệu lực từ tháng 8/2022, doanh nghiệp mía đường trong nước sẽ có đà bứt lên.

Hải Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục