Triển vọng kinh tế và thị trường chứng khoán đều sáng hơn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index được kỳ vọng tiếp tục có diễn biến khả quan nhờ triển vọng nhiều ngành, lĩnh vực sáng hơn trong 6 tháng cuối năm 2023, với các động lực đến từ chính sách tiền tệ và tài khóa. 
Dấu hiệu cải thiện của kinh tế vĩ mô mang lại niềm lạc quan cho thị trường. Dấu hiệu cải thiện của kinh tế vĩ mô mang lại niềm lạc quan cho thị trường.

Đầu tư công sẽ tạo động lực tăng trưởng

Ông Trần Trương Mạnh Hiếu, Trưởng phòng Phân tích Chiến lược Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam.
Ông Trần Trương Mạnh Hiếu, Trưởng phòng Phân tích Chiến lược Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam.

Nửa đầu năm 2023, thị trường chứng khoán có xu hướng đi ngang, chỉ số VN-Index dao động trong biên độ từ 1.000 - 1.120 điểm do sự giảm tốc của nền kinh tế. Tuy nhiên, nửa cuối năm 2023, VN-Index có thể hình thành xu hướng tăng nhờ triển vọng kinh tế hồi phục.

Đầu tiên là tín hiệu về việc nền kinh tế đã qua giai đoạn khó khăn nhất khi tăng trưởng GDP quý II/2023 đạt 4,14%, cao hơn mức 3,32% của quý I. Bên cạnh đó, sự phục hồi của ngành du lịch là một điểm sáng, lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2023 đạt gần 5,6 triệu người, gấp hơn 13 lần so với cùng kỳ. Dự kiến, với sự mở cửa trở lại của Trung Quốc, lượng khách từ nước này sẽ tăng mạnh trong nửa cuối năm nay. Đặc biệt, theo Tổng cục Thống kê, tính đến cuối tháng 6/2023, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Dự báo, giải ngân đầu tư công sẽ tiếp tục được đẩy mạnh, tạo ra động lực lớn cho tăng trưởng kinh tế.

Theo đó, thị trường chứng khoán có thể tăng trưởng trong thời gian tới, với sự chú ý hướng về các nhóm ngành, lĩnh vực như đầu tư công, chứng khoán, vật liệu xây dựng, nhiệt điện, dầu khí.

Thị trường chứng khoán có nhiều cơ hội đầu tư

Bà Nguyễn Thị Hằng Nga, Phó tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ Vietcombank (VCBF).
Bà Nguyễn Thị Hằng Nga, Phó tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ Vietcombank (VCBF).

Kinh tế vĩ mô được kỳ vọng sẽ diễn biến theo chiều hướng tích cực trong thời gian tới khi các chính sách tiền tệ và tài khoá như giảm lãi suất điều hành, giảm thuế giá trị gia tăng sẽ hỗ trợ nhu cầu tiêu dùng và đầu tư, vốn bị ảnh hưởng nghiêm trọng do sự suy giảm của hoạt động xuất khẩu và chi phí lãi vay cao. Bên cạnh đó, đầu tư công và du lịch sẽ là động lực tăng trưởng kinh tế quan trọng trong năm nay.

Trên thị trường chứng khoán, lãi suất huy động giảm giúp tăng tính hấp dẫn của kênh đầu tư cổ phiếu và dấu hiệu cải thiện của kinh tế vĩ mô mang lại niềm lạc quan cho thị trường. Tuy nhiên, nhà đầu tư không nên xem nhẹ các rủi ro như triển vọng lợi nhuận doanh nghiệp trong ngắn hạn vẫn còn ảm đạm, xuất khẩu nếu suy giảm lâu hơn dự kiến sẽ cản trở quá trình hồi phục kinh tế, tác động đến lợi nhuận doanh nghiệp và tâm lý nhà đầu tư…

Đối với VCBF, chúng tôi kiên định với chiến lược đầu tư dựa vào lựa chọn cổ phiếu và xây dựng một danh mục đa dạng. Chúng tôi yêu thích các công ty có thể duy trì đà tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận ngay cả trong điều kiện kinh tế gặp nhiều thách thức, nhất là trong lĩnh vực công nghệ thông tin, dược phẩm.

Chúng tôi cũng nhìn thấy cơ hội tại những công ty có kết quả kinh doanh suy giảm, nhưng giá cổ phiếu đã giảm nhiều và trở nên hấp dẫn so với giá trị tài sản hay quy mô doanh thu, lợi nhuận trong tương lai như một số công ty trong lĩnh vực bất động sản và ngành hàng tiêu dùng.

Ngoài ra, không ít cổ phiếu ngân hàng đang có định giá hấp dẫn, rủi ro suy giảm chất lượng tài sản không cao vì kinh tế vĩ mô đang có diễn biến tích cực hơn, lãi suất giảm và Chính phủ nỗ lực tháo gỡ vướng mắc pháp lý của các dự án bất động sản.

Nhìn chung, với mức định giá P/B bình quân trung vị của các cổ phiếu trên cả ba sàn chứng khoán là 1 lần, thị trường chứng khoán hiện nay có nhiều cơ hội đầu tư hấp dẫn với tầm nhìn trung và dài hạn.

Đón đầu cơ hội xuất khẩu gạo

Ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (LTG).
Ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (LTG).

Những tháng đầu năm 2023, tình hình thế giới có những biến động phức tạp, đặc biệt hiện tượng El Nino gây hạn hán ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp khiến nhu cầu dự trữ gạo gia tăng. Ngoài ra, Ấn Độ, nơi chiếm khoảng 40% hoạt động thương mại gạo toàn cầu, đã cấm xuất khẩu hầu hết các loại gạo. Đây là cơ hội cho các nước xuất khẩu gạo nói chung và Việt Nam nói riêng có thể bán được sản phẩm với giá cao hơn. Tuy nhiên, để khách hàng quốc tế nhìn nhận Việt Nam là một nguồn cung cấp lương thực ổn định, đáng tin cậy, cũng như duy trì và tăng giá trị gạo vào các thị trường cao cấp như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản thì cần sự đầu tư, chuẩn bị trước.

Trong hơn 10 năm qua, Lộc Trời đã chuẩn bị nhân lực, tài lực trong việc nâng cao sản lượng và chất lượng nông sản, nhằm nâng giá trị gạo Việt lên tầm thế giới ở phân khúc cao cấp và hướng đến mục tiêu là nước xuất khẩu gạo chất lượng nhất thế giới.

Công ty đã có những sản phẩm gạo chất lượng, phù hợp với từng thị trường tiêu thụ, truy xuất được nguồn gốc, tạo lòng tin với người tiêu dùng và cơ quan quản lý; liên kết chặt chẽ các khâu trong chuỗi sản xuất - kinh doanh để giảm chi phí, giá thành.

Ngoài ra, Lộc Trời ký hợp đồng bán dài hạn để các đối tác yên tâm mua hàng ổn định, nông dân yên tâm sản xuất; hệ thống tín dụng cung cấp đủ vốn để sản xuất, lưu kho và tái đầu tư thiết bị chế biến.

Với hệ sinh thái nông nghiệp từ nghiên cứu, sản xuất, vật tư và dịch vụ nông nghiệp, Lộc Trời có đủ khả năng đón đầu các cơ hội xuất khẩu gạo vào các thị trường khác nhau, góp phần cung ứng bền vững cho thị trường lương thực quốc tế.

Dòng tiền mạnh, thanh khoản tốt

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán Maybank Investment Bank.
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán Maybank Investment Bank.

TTCK toàn cầu có xu hướng tăng nhờ lạm phát hạ nhiệt, chỉ số USD giảm xuống dưới 100 điểm…, sẽ hỗ trợ tâm lý thị trường trong nước.Tuy nhiên, ẩn số cần lưu ý là Fed có thể duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt, thậm chí tăng lãi suất thêm vài lần cho đến khi lạm phát giảm về mức mục tiêu 2%. Có ý kiến lo ngại, lãi suất cao có thể khiến kinh tế Mỹ đối mặt với nguy cơ suy thoái, trong bối cảnh một số nền kinh tế lớn khác như Đức rơi vào tình trạng suy thoái kỹ thuật.

Trong nước, xu hướng thị trường nửa cuối năm nay dự kiến sẽ khả quan theo triển vọng tăng trưởng kinh tế với chính sách tiền tệ nới lỏng, chính sách tài khóa mở rộng. Xét ngắn hạn, VN-Index nhiều khả năng hướng tới ngưỡng 1.200 điểm do dòng tiền đang khá mạnh, thanh khoản tốt, những người nắm giữ tiền mặt có tâm lý “sốt ruột”, số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán mới gia tăng.

Những cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ, có mức tăng giá chưa nhiều có thể tiếp tục thu hút nhà đầu tư, bên cạnh cổ phiếu nhóm bất động sản, xây dựng, năng lượng xanh, công nghệ, vận tải, hàng tiêu dùng, xuất nhập khẩu.

Khách hàng mua ô tô có dấu hiệu tăng trở lại

Ông Đỗ Tiến Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Dịch vụ ô tô Hàng Xanh (Haxaco).
Ông Đỗ Tiến Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Dịch vụ ô tô Hàng Xanh (Haxaco).

Đi qua 6 tháng đầu năm 2023, Haxaco ghi nhận kết quả kinh doanh sụt giảm, với lợi nhuận quý I đạt 10,4 tỷ đồng, quý II ước đạt 8 - 10 tỷ đồng, giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Bởi lẽ, thị trường kinh doanh ô tô trong nửa đầu năm nay chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố không thuận lợi như lạm phát, lãi suất cao, nhu cầu tiêu dùng giảm.

Gần đây, thị trường ô tô có tín hiệu khởi sắc khi Chính phủ ban hành Nghị định 41/2023/NĐ-CP, giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ trong 6 tháng cuối năm 2023 đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Tại

Haxaco, từ đầu tháng 7, khách hàng đến mua xe nhiều hơn so với những tháng trước đó, nhất là mẫu xe mới GLC, nhờ động lực kích cầu này.

Tuy nhiên, trong 6 tháng cuối năm 2023, việc phân phối xe nhập khẩu dự kiến sẽ khó khăn hơn xe sản xuất, lắp ráp trong nước. Để hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm nay là một thách thức với Haxaco.

Vượt qua khó khăn nhờ có chính sách hỗ trợ

Ông Trương Minh Hoàng, Phó tổng giám đốc phụ trách Công ty cổ phần Tập đoàn ASG.
Ông Trương Minh Hoàng, Phó tổng giám đốc phụ trách Công ty cổ phần Tập đoàn ASG.

Những khó khăn mà các doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt vẫn lớn, đặc biệt trong lĩnh vực hàng không. Tình hình kinh tế Việt Nam cũng như toàn cầu chưa thực sự sáng, hoạt động đầu tư phát triển, sản xuất, tiêu dùng chững lại, thậm chí suy giảm.

Tuy nhiên, các chính sách của Nhà nước như giảm lãi suất, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, thu hút FDI, giảm thuế giá trị gia tăng sẽ dần phát huy hiệu quả, kích thích nhu cầu tiêu dùng của nền kinh tế. Ngoài ra, việc giãn nợ tối đa 1 năm giúp doanh nghiệp giảm bớt áp lực tài chính, đặc biệt trong bối cảnh gặp khó khăn về thị trường, dòng tiền để tập trung nguồn lực cho các nhiệm vụ quan trọng khác như phát triển thị trường, duy trì đội ngũ nhân sự, củng cố năng lực sản xuất, nghiên cứu phát triển. Theo đó, bức tranh kinh doanh trong giai đoạn nửa cuối năm 2023 kỳ vọng sẽ sáng dần lên.

Riêng với Tập đoàn ASG, việc lọt vào danh sách Top 10 doanh nghiệp sáng tạo và kinh doanh hiệu quả Việt Nam 2023 ngành logistics do Báo Đầu tư phối với Viet Research thực hiện, dựa trên đánh giá hiệu quả kinh doanh và giá trị gia tăng của doanh nghiệp do đổi mới, sáng tạo, cách tân là một vinh dự lớn và là động lực để chúng tôi tiếp tục phát triển doanh nghiệp trong giai đoạn tới.

Chủ động và linh hoạt trong tình hình mới

Ông Nguyễn Thanh Bình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Gemadept (GMD).
Ông Nguyễn Thanh Bình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Gemadept (GMD).

Cộng đồng doanh nghiệp đang đối diện với những biến động rất nhanh của tình hình kinh tế - xã hội toàn cầu. Tuy vậy, thách thức luôn song hành với cơ hội khi doanh nghiệp có nội lực và bản lĩnh để vượt lên.

Đối với Gemadept, ưu tiên hàng đầu trong giai đoạn hiện nay là tối ưu hóa hiệu quả hoạt động, hiệu quả quản trị, hợp lý hóa chi phí sản xuất, theo dõi sát diễn biến thị trường để ứng phó linh hoạt, tích cực tìm kiếm các cơ hội, giữ vững và mở rộng thị phần, đồng thời đảm bảo tiến độ các dự án cảng trọng điểm để kịp thời nắm bắt động lực phát triển khi thị trường phục hồi.

Về triển vọng 6 tháng cuối năm 2023, nhiều thách thức vẫn hiện hữu, nhưng các tín hiệu khởi sắc dần xuất hiện. Trong đó, xuất nhập khẩu được kỳ vọng tăng trưởng trở lại từ quý III, với động lực từ giao thương nội Á sau khi Trung Quốc mở cửa trở lại, bên cạnh những cú huých từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, dòng vốn FDI và cộng hưởng những nỗ lực của Chính phủ.

Chủ động và linh hoạt trong tình hình mới, Gemadept đã có các quyết sách chiến lược nhằm vượt qua những “cơn gió ngược”, nắm bắt các cơ hội và động lực tăng trưởng. Tập trung phát triển cụm cảng Nam Đình Vũ tại miền Bắc, cảng nước sâu Gemalink và các cảng vệ tinh tại miền Nam, ứng dụng công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, định hướng phát triển bền vững song song với những dự án huyết mạch làm giàu hơn, hiệu quả hơn hệ sinh thái cảng và logistics là những bước đi mạnh mẽ của Gemadept.

Dệt may kỳ vọng vào thị trường xuất khẩu

Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (TNG).
Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (TNG).

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, TNG ghi nhận doanh thu 3.331 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Các thị trường xuất khẩu chủ lực của TNG là Mỹ, Pháp, Canada, Nga, lần lượt chiếm 46%, 15%, 10%, 7% trong cơ cấu doanh thu, thị trường nội địa chỉ chiếm 3%.

Trong bối cảnh doanh thu toàn ngành dệt may sụt giảm, TNG đạt mức tăng trưởng hơn 3% là một nỗ lực rất lớn trong việc giữ các thị trường truyền thống.

Trong 6 tháng cuối năm 2023, tín hiệu khởi sắc có thể đến từ thị trường Mỹ, khi lạm phát dần hạ nhiệt, đơn hàng tăng. TNG cố gắng bám sát mục tiêu kinh doanh đề ra, có thể doanh thu năm nay, nhưng lợi nhuận dự kiến tương đương năm ngoái, trong bối cảnh chi phí gia tăng.

Sang năm 2024, nếu giữ được các khách hàng truyền thống, sự phục hồi của thị trường xuất khẩu sẽ đem lại kết quả tăng trưởng cho Công ty.

Mở rộng các ngành hàng

Ông Trần Lệ Nguyên, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Kido.
Ông Trần Lệ Nguyên, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Kido.

GDP tăng trưởng ở mức thấp trong nửa đầu năm 2023 đặt ra nhiều thách thức cho giai đoạn cuối năm trong việc hoàn thành mục tiêu cả năm.

Dù vậy, nhìn thực tế từ chuyển động chính sách và quyết tâm của Chính phủ trong việc thúc đẩy kinh tế, kỳ vọng các doanh nghiệp nói riêng, nền kinh tế nói chung sẽ có những chuyển động tích cực hơn. Đối với Kido, chiến lược trong 6 tháng cuối năm 2023 cũng như 5 năm tới là tỷ trọng các mảng kinh doanh sẽ thay đổi dựa trên nhu cầu và xu hướng của người tiêu dùng.

Công ty đang tập trung vào mảng gia vị, nước mắm, bột nêm và một số mặt hàng khác, kết hợp với kênh sẵn có của ngành dầu để mở rộng ngành gia vị. Ngành gia vị dự kiến sẽ đóng góp lớn hơn vào tổng doanh thu cũng như cơ cấu trong rổ sản phẩm, giúp cho việc phát triển kênh và tiếp cận người tiêu dùng dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, Kido đang xúc tiến việc ra mắt thị trường một số mặt hàng bánh khô.

Vừa qua, Kido đã mua lại 25% vốn của một doanh nghiệp sở hữu thương hiệu Bánh bao Thọ Phát, hiện tiến hành các thủ tục để gia tăng tỷ lệ sở hữu lên 51% và sắp tới là 70%. Trong thời gian tới, Công ty sẽ đẩy nhanh tiến độ mở rộng ngành hàng bánh bao cũng như bánh Trung thu.

Chúng tôi đang nỗ lực để hoàn thành mục tiêu năm 2023 đạt doanh thu 15.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 900 tỷ đồng, tăng lần lượt gần 20% và hơn 76% so với mức thực hiện năm 2022.

Hài hoà giữa trách nhiệm với cộng đồng và lợi ích doanh nghiệp

Ông Chu Văn Phương, TV HĐQT - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (NTP).
Ông Chu Văn Phương, TV HĐQT - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (NTP).

Nhựa Tiền Phong là một thương hiệu quốc dân do người Việt sở hữu, với bề dày hơn 63 năm phát triển dựa vào nhân dân. Vì thế, trong tôn chỉ hoạt động, chúng tôi không đặt mục tiêu lợi nhuận lên hàng đầu, mà luôn hài hoà giữa trách nhiệm với cộng đồng và lợi ích doanh nghiệp. Điều đó được thể hiện rất rõ qua chính sách bình ổn giá của Công ty. Có thể khẳng định, nếu nguyên liệu đầu vào giảm giá, thì Nhựa Tiền Phong là đơn vị đầu tiên giảm giá, trường hợp nguyên liệu tăng giá thì chúng tôi là doanh nghiệp cuối cùng tăng giá.

Mặc dù liên tục đầu tư vào trang thiết bị hiện đại và liên kết với các tập đoàn lớn để nghiên cứu sản xuất ra những sản phẩm mới ưu việt, dẫn đầu xu hướng thị trường, nhưng từ tháng 8/2022 trở về trước, giá bán của Nhựa Tiền Phong luôn thấp hơn 10% so với giá của một số doanh nghiệp cùng ngành và có thời điểm thấp hơn gần 20% (từ tháng 10/2022 đến tháng 7/2023). Có thể nói, với chính sách này thì các đơn vị trong hệ thống phân phối và người tiêu dùng được hưởng lợi nhiều nhất và đó cũng là mong muốn của chúng tôi vì không có hỗ trợ nào thiết thực hơn là đem lại lợi ích kinh tế, nhất là trong những lúc thị trường còn nhiều khó khăn, chịu ảnh hưởng của đại dịch.

Ngoài ra, Nhựa Tiền Phong mong muốn mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân và các em nhỏ thông qua các hoạt động an sinh xã hội cộng đồng, nhất là chương trình Cầu nối yêu thương, mang đến những cây cầu vững chắc cho các khu vực khó khăn, giúp người dân và địa phương phát triển kinh tế. Đây cũng là truyền thống tốt đẹp và văn hoá doanh nghiệp mà Nhựa Tiền Phong gìn giữ từ ngày đầu thành lập.

Kỳ vọng thị trường ô tô sẽ hồi phục

Ông Nguyễn Đăng Hoàng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần City Auto (CTF).
Ông Nguyễn Đăng Hoàng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần City Auto (CTF).

Trong nửa đầu năm 2023, mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã có động thái giảm lãi suất điều hành nhưng các ngân hàng vẫn siết các điều khoản tín dụng, tăng lãi suất cho vay, thực hiện thắt chặt các điều khoản vay.

Dưới tác động tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại và lo ngại suy thoái, nhiều lĩnh vực trong nền kinh tế gặp khó khăn, đặc biệt là lĩnh vực bất động sản đóng băng khiến dòng tiền bị tắc nghẽn, điều này ảnh hưởng tới thu nhập người dân và ảnh hưởng tiêu cực tới thói quen tiêu dùng dẫn tới nhu cầu mua sắm ô tô chịu ảnh hưởng đáng kể. Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm 2023, dòng ô tô Ford vẫn tiếp tục là thương hiệu bán chạy nhất so với các hãng xe trên thị trường.

Bước sang 6 tháng cuối năm, thị trường kỳ vọng sẽ hồi phục với nhiều tín hiệu tích cực từ việc hạ lãi suất của Ngân hàng Nhà nước, nới room tín dụng, cơ sở hạ tầng giao thông đang ngày càng được nâng cao với hàng loạt dự án cao tốc, vành đai được hoàn thiện, dòng vốn FDI đổ vào thị trường Việt Nam ổn định… Đồng thời, Chính phủ quyết định giảm lệ phí trước bạ xuống 50% có hiệu lực đến ngày 31/12/2023, cùng với các giải pháp tín dụng từ ngân hàng nhằm giảm lãi, giảm phí… sẽ kích thích dòng tiền đổ vào thị trường ô tô, từ đó thúc đẩy doanh số bán hàng tăng trở lại.

Đối với City Auto, bên cạnh các giải pháp chung đang thực hiện, giai đoạn cuối năm nay, Công ty kỳ vọng sẽ tăng trưởng khi mở thêm đại lý Ford Dĩ An, Ford Tiền Giang, Ford Tân Thuận. Việc mở rộng đại lý giúp Công ty có thể tăng trưởng doanh thu từ 30 - 40%.

Ngoài ra, City Auto đang tích cực đàm phán với các đối tác chiến lược để đưa kế hoạch phân phối xe điện vào thị trường Việt Nam sớm hơn dự kiến. Trong đó, bước đầu tiến trình đàm phán đạt được những kết quả khả quan.

Ngành bán lẻ và dược phẩm vẫn tiềm năng

Ông Nguyễn Việt Anh, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail).
Ông Nguyễn Việt Anh, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail).

Dựa trên báo cáo của Euromonitor, với dân số 100 triệu người và nhóm nhân khẩu học trẻ, trong đó 70% dưới 35 tuổi, am hiểu công nghệ, cùng với sự phát triển của kinh tế Internet và sự mở rộng của tầng lớp trung lưu sẽ tạo ra nhu cầu cao về nhiều loại sản phẩm, từ điện tử tiêu dùng đến thiết bị gia dụng và duy trì mức tăng trưởng từ 6 - 10%/năm trong giai đoạn 2023 - 2026. Theo Bộ Công thương, giá trị của thị trường bán lẻ tại Việt Nam được kỳ vọng sẽ đạt 350 tỷ USD vào năm 2025.

Thị trường bán lẻ dược phẩm cũng rất tiềm năng, bởi đây là nhóm sản phẩm thiết yếu. Đặc biệt, sau đại dịch Covid-19, người dân chú trọng chăm sóc sức khoẻ hơn.

Mặc dù vậy, 6 tháng đầu năm 2023, hoạt động kinh doanh của FPT Retail bị ảnh hưởng bởi sức mua mặt hàng công nghệ thông tin và truyền thông giảm mạnh, thị trường mua trả góp suy giảm, cạnh tranh gay gắt.

Trong bối cảnh khó khăn, FPT Retail luôn đảm bảo tính linh hoạt và đáp ứng nhanh chóng với sự biến động của thị trường. Đặc biệt, với thị trường vốn, Công ty chú trọng việc tối ưu hoá dòng tiền, đảm bảo thanh khoản, đáp ứng nguồn vốn cho việc mở rộng chuỗi FPT Long Châu, tiếp tục đầu tư cho tầm nhìn dài hạn bao gồm triển khai xây dựng kho tổng thứ hai tại Long An (kho tổng thứ nhất tại Hà Nội đã hoàn tất xây dựng vào quý II/2022), đầu tư cho công nghệ và chuyển đổi số tại các chuỗi.

Nỗ lực tìm kiếm thị trường mới, mở rộng đơn hàng dệt may

Ông Trần Như Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (TCM).
Ông Trần Như Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (TCM).

Trong 6 tháng đầu năm 2023, TCM ước đạt 1.571 tỷ đồng doanh thu và 106 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, hoàn thành lần lượt 43% và 40% kế hoạch năm.

Việc hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm nay là một vấn đề khó, bởi đơn hàng nhỏ hơn và giá bán hàng thấp hơn.

TCM đang nỗ lực tìm kiếm thị trường mới, mở rộng đơn hàng. Trong quý III/2023, tình hình đơn hàng dự kiến vẫn rất khó khăn.

Chúng tôi kỳ vọng, quý IV/2023, thị trường sẽ phục hồi, hoạt động kinh doanh khởi sắc hơn, bởi đây là thời điểm bước vào mùa mua sắm đông - xuân, nhu cầu của người tiêu dùng thường tăng.

Hiện nay, ngoài thị trường Mỹ là thị trường chủ lực chiếm khoảng 35% cơ cấu doanh thu của TCM, chúng tôi tập trung khai thác các thị trường mới như Anh, Canada, Úc. Trước đây, doanh nghiệp dệt may Việt Nam ít tiếp xúc với các thị trường này, TCM sẽ khai thác lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do để đưa hàng vào các thị trường mới.

Nhóm phóng viên
Theo Đặc san Doanh nghiệp niêm yết 2023

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục