Nâng cao vai trò huy động vốn cho nền kinh tế của thị trường chứng khoán

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Mục đích ra đời của thị trường chứng khoán (TTCK) là trở thành kênh huy động vốn cho nền kinh tế, đặc biệt là vốn trung và dài hạn. Số lượng các doanh nghiệp niêm yết mới, số vốn huy động được thông qua đấu giá cổ phần là sự biểu hiện cho vai trò của thị trường này đối với doanh nghiệp và nền kinh tế.
Sáu tháng đầu năm 2023, bên cạnh thiếu vắng các hoạt động phát hành mới, việc giảm số lượng các doanh nghiệp niêm yết cũng khiến nhà đầu tư hạn chế hơn trong việc lựa chọn sản phẩm đầu tư Sáu tháng đầu năm 2023, bên cạnh thiếu vắng các hoạt động phát hành mới, việc giảm số lượng các doanh nghiệp niêm yết cũng khiến nhà đầu tư hạn chế hơn trong việc lựa chọn sản phẩm đầu tư

TTCK là thị trường bậc cao, sự ra đời của thị trường này mang tính tất yếu trong tiến trình phát triển kinh tế. Tại các quốc gia phát triển, tỷ trọng vốn hóa của TTCK thường chiếm tỷ lệ cao so với GDP, trong khi tỷ lệ này ở các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển chỉ ở mức thấp. Chẳng hạn, tại Mỹ, tỷ lệ vốn hóa của TTCK so với GDP đạt 146,9% (năm 2016), Anh đạt 109,7% (2016), Nhật Bản đạt 128,3% (năm 2017)…, còn tại các thị trường mới nổi và đang phát triển như Sri Lanka, Thổ Nhĩ Kỳ, Colombia chỉ chiếm lần lượt là 21,8%; 28,3% và 39,3%.

Trên TTCK, doanh nghiệp có thể phát hành các loại chứng khoán để thu hút vốn như chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO), phát hành thêm cổ phiếu mới, trả cổ tức bằng cổ phiếu, phát hành trái phiếu… Trong quá trình hội nhập toàn cầu mạnh mẽ, các doanh nghiệp nội địa có thể thu hút được một lượng vốn lớn từ các nhà đầu tư quốc tế, kèm theo đó là kinh nghiệm về quản lý, khoa học kỹ thuật hiện đại, nền văn hóa mới…, điều này có thể tạo ra sức bật mới cho doanh nghiệp.

Với sự phát triển của TTCK cũng như các mối quan hệ giữa các thành viên thị trường, trong bối cảnh không phát hành cổ phiếu mới, các doanh nghiệp cũng có thể sử dụng cổ phiếu mà mình nắm giữ để huy động vốn từ các tổ chức kinh doanh chứng khoán như một hình thức vay tiền có thế chấp (cổ phiếu của doanh nghiệp tại các công ty này). Khi thị trường đi lên, giá cổ phiếu tăng, đồng nghĩa với việc số vốn mà doanh nghiệp huy động cũng tăng lên.

Mối liên hệ giữa doanh nghiệp niêm yết và TTCK tại Việt Nam

Việc thị trường có nhiều doanh nghiệp niêm yết luôn tạo động lực cho sự phát triển. Bởi việc có thêm doanh nghiệp mới sẽ giúp thị trường có thêm sản phẩm, thêm lựa chọn cho các nhà đầu tư, đồng thời giúp tăng giá trị vốn hóa, tăng sức hút của TTCK đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đặc biệt, khi có sự xuất hiện của các doanh nghiệp quy mô lớn (thoái vốn của doanh nghiệp nhà nước, các doanh nghiệp tư nhân lớn) luôn tạo sức hút mạnh mẽ trong việc thu hút vốn.

Tại Việt Nam, sau hơn 20 năm hình thành và phát triển, những giai đoạn bứt phá của TTCK thường gắn với sự xuất hiện của những doanh nghiệp lớn đưa cổ phiếu lên niêm yết trên sàn. Chẳng hạn, giai đoạn 2006 - 2010 là thời điểm diễn ra “sóng” thoái vốn, cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, kéo theo hàng loạt tên tuổi lên sàn như Vietcombank (mã VCB), VietinBank (mã CTG), Bảo Việt (mã BVH), FPT (mã FPT), PETROCONs (mã PVX), Nhựa Bình Minh (mã BMP), PV Drilling (mã PVD)… Bên cạnh đó, hàng loạt doanh nghiệp tư nhân lớn cũng đã niêm yết có thể kể đến Vingroup (mã VIC), Masan (mã MSN), Dược Hậu Giang (mã DHG), Sacombank (mã STB), Chứng khoán SSI (mã SSI), SHB (mã SHB), Eximbank (EIB)…

Giai đoạn 2016 - 2018 ghi nhận sự phát triển mạnh mẽ của TTCK, cũng là giai đoạn chứng kiến một làn sóng hàng hóa mới với nhiều cái tên đáng chú ý như ACV (mã ACV), VEAM (mã VEA), DAP - Vinachem (mã DDV), VRG (mã GVR), Becamex IDC (mã BCM), EVNGENCO 3 (mã PGV), Sabeco (mã SAB), Habeco (mã BHN), Petrolimex (mã PLX), PV Power (mã POW), PV Oil (mã OIL), Lọc hóa dầu Bình Sơn (mã BSR)… đã đưa cổ phiếu lên giao dịch trên sàn chứng khoán. Bên cạnh đó, nhóm doanh nghiệp tư nhân lớn như Vinhomes (mã VHM), Vincom Retail (mã VRE), Vietjet Air (mã VJC), VPBank (mã VPB)… cũng để lại dấu ấn đậm nét. (Hình 1)

Điều đáng chú ý là ở bất kỳ giai đoạn nào, sự xuất hiện của các cổ phiếu chất lượng đều thu hút sự quan tâm đặc biệt của nhà đầu tư nước ngoài, điển hình là các thương vụ thoái vốn nhà nước tại Vinamilk, Sabeco, Nhựa Bình Minh... đều được khối này săn đón. Các “ông lớn” nước ngoài sẵn sàng bạo chi để sở hữu lượng lớn cổ phần, thậm chí sở hữu chi phối doanh nghiệp.

Giai đoạn từ 2018 đến nay, các hoạt động IPO và lên sàn chứng khoán diễn ra ở mức hạn chế (ngoại trừ đợt sóng ngân hàng lên sàn giai đoạn 2020-2021 theo đề án tái cơ cấu TTCK). Giai đoạn này cũng thiếu vắng những sản phẩm để lại dấu ấn thực sự rõ rệt, tạo hiệu ứng tích cực với thị trường. Dư địa xuất hiện thêm những sản phẩm “có sức nặng” cũng không còn nhiều. Trong khi các doanh nghiệp nhà nước được nhà đầu tư thực sự quan tâm hiện còn khá ít như Agribank, Vinacomin - TKV, Mobifone, VNPT, SJC, Vinafood 1..., thì nhóm doanh nghiệp tư nhân cũng không có nhiều cái tên đáng chờ đợi như Thaco, TH True Milk… Điều đáng nói, lộ trình lên sàn của những doanh nghiệp này vẫn còn bỏ ngỏ.

Doanh nghiệp hạn chế lên sàn trong nửa đầu năm 2023

Đây là giai đoạn chứng kiến bất ổn của kinh tế toàn cầu, sự thắt chặt tiền tệ, đặc biệt là các thị trường lớn. Điều này gây ra sự suy giảm doanh nghiệp niêm yết mới ngay tại các thị trường phát triển. Theo Trung tâm Nghiên cứu giá chứng khoán (CRSP), tổng giá trị các cổ phiếu mới niêm yết mới tại Mỹ trong quý I/2023 đã giảm 60% so với cùng kỳ năm trước. Tính đến thời điểm tháng 6/2023, số công ty niêm yết tại Mỹ đã giảm hơn 50% so với thời điểm năm 1996 (từ mức 8.000 công ty xuống còn 3.700 công ty).

Tại Việt Nam, theo số liệu từ Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE), trong 6 tháng đầu năm, chỉ duy nhất một cổ phiếu niêm yết mới là PVP của Công ty cổ phần Vận tải dầu khí Thái Bình Dương. Còn thống kê của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, tính đến cuối tháng 4/2023, số lượng các doanh nghiệp niêm yết đã giảm so với thời điểm cuối năm 2022, cụ thể: HOSE giảm 2 doanh nghiệp (từ 402 doanh nghiệp xuống 400 doanh nghiệp); Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) giảm 3 doanh nghiệp (từ 341doanh nghiệp xuống 338 doanh nghiệp). Bên cạnh thiếu vắng các hoạt động phát hành mới, việc giảm số lượng doanh nghiệp niêm yết cũng khiến nhà đầu tư hạn chế hơn trong việc lựa chọn sản phẩm đầu tư.

Không chỉ cổ phiếu mới, số lượng hồ sơ doanh nghiệp chờ duyệt để niêm yết cũng hạn chế (khoảng hơn 10 doanh nghiệp), đây đa phần là các doanh nghiệp quy mô nhỏ đang giao dịch trên UPCoM muốn chuyển sàn. Các doanh nghiệp lớn đáng chờ đợi như đã nêu ở trên hầu như không có động tĩnh, sau khi một số cái tên được chờ đợi đã “quay xe” vì nhiều lý do khác nhau.

Đầu tiên là trường hợp của Nova Consumer (NCG). Doanh nghiệp này từng công bố kế hoạch đẩy mạnh mảng bán lẻ tiêu dùng với mục tiêu doanh thu tỷ USD vào năm 2026 và đạt mức vốn hóa tỷ USD cùng năm. Sau khi thực hiện IPO thành công vào tháng 3/2021, NCG được kỳ vọng là điểm nhấn đáng chú ý của năm nay. Tuy nhiên, vào cuối tháng 12/2022, HOSE thông báo dừng xem xét hồ sơ đăng ký niêm yết của NCG do chưa bổ sung các tài liệu phát sinh theo thời hạn.

Hiện nay, NCG vẫn đang nỗ lực hoàn thiện để nộp lại hồ sơ đăng ký niêm yết tại HOSE. Tuy nhiên, để tạo sự linh động trong việc thực hiện giao dịch cổ phiếu nhằm đảm bảo tối đa quyền lợi của cổ đông, NCG đề xuất bổ sung phương án thực hiện đăng ký giao dịch tại Hệ thống giao dịch cho chứng khoán chưa niêm yết (UPCoM).

Một trường hợp khác là Tôn Đông Á, khi trong tháng 4/2023 bất ngờ gửi công văn đến HOSE về việc rút hồ sơ đăng ký niêm yết lần đầu với lý do “tình hình kinh tế vĩ mô trong và ngoài nước có nhiều biến động dẫn đến kết quả kinh doanh năm 2022 toàn ngành nói chung và Công ty nói riêng không khả quan”.

Ngoài ra, một số doanh nghiệp khác như Sơn Đông Á, Lập Phương Thành… đã rút hồ sơ niêm yết để tiếp tục hoàn thiện theo quy định. HOSE cũng thông báo dừng xem xét hồ sơ niêm yết của Cảng Quy Nhơn do chưa bổ sung hồ sơ và giải trình theo yêu cầu. Thaco Auto - thành viên Thaco Group - khẳng định muốn niêm yết trong 3 năm tới, song mới dừng ở bước kế hoạch và cần nhiều thời gian để đi đến đích.

Tương tự, hoạt động đấu giá cổ phần trên HOSE cũng ảm đạm khi chỉ có 1 thương vụ đấu giá thành công cổ phần tại PG Bank do Petrolimex nắm giữ với giá trị 2.600 tỷ đồng. Trước đó, năm 2022, HOSE đã tổ chức 9 đợt đấu giá, trong đó có 1 đợt cổ phần hóa, 3 đợt thoái vốn của doanh nghiệp nhà nước và 5 đợt chào bán cổ phần ra công chúng. Tổng giá trị cổ phần bán được thông qua đấu giá cổ phần đạt 939 tỷ đồng, giảm 43% so với năm 2021 và là mức thấp nhất kể từ năm 2013. (Hình 2, 3)

Một số kiến nghị

Để nâng cao vai trò của TTCK trong huy động vốn cho nền kinh tế, đặc biệt là vốn trung và dài hạn, không chỉ cần các giải pháp từ cơ quan quản lý thị trường, mà còn của Chính phủ và các bộ, ngành liên quan khác. Theo đó, một số kiến nghị được đưa ra như sau:

Thứ nhất, tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện tốt các chính sách tài khóa, tiền tệ nhằm hỗ trợ phục hồi và tăng trưởng kinh tế theo nội dung tại Nghị quyết 43/2022/QH-15, Nghị quyết 11/NQ-CP. Kinh tế ổn định và phát triển tạo tiền đề nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp đang có kế hoạch lên sàn sẽ đáp ứng đủ điều kiện về lợi nhuận, các chỉ tiêu tài chính khác để được niêm yết cổ phiếu.

Thứ hai, đẩy mạnh cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước theo đề án cơ cấu lại các doanh nghiệp nhà nước đã được phê duyệt. Cần sớm hoàn thiện các hướng dẫn về công tác xác định giá trị doanh nghiệp, bổ sung cụ thể hướng dẫn khi xác định giá trị thực tế vốn nhà nước tại doanh nghiệp, tăng cường tính minh bạch trên thị trường thông qua các chế tài được quy định rõ trong các văn bản quy định doanh nghiệp phải công khai thông tin về tình hình tài chính, kết quả hoạt động, các tồn đọng tài chính, cũng như lợi ích sẽ được hưởng từ các khoản đầu tư nhưng chưa chia; tình hình đất đai, phương án xử lý, sắp xếp đất đai khi cổ phần hóa... Bên cạnh đó, cần quy định cơ chế rõ ràng, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu trong việc làm chậm tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước… để khắc phục tình trạng một bộ phận lãnh đạo đại diện cho phần vốn nhà nước có tâm lý e ngại khi cổ phần hóa sẽ mất vai trò lãnh đạo, quyền lợi tại doanh nghiệp.

Thị trường cổ phiếu, trái phiếu cần trở thành kênh huy động vốn trung - dài hạn chủ lực của nền kinh tế

Thị trường cổ phiếu, trái phiếu cần trở thành kênh huy động vốn trung - dài hạn chủ lực của nền kinh tế

Thứ ba, tiếp tục hoàn thiện công tác quản lý TTCK theo hướng công khai, minh bạch, hiệu quả. Tăng cường công tác quản lý, giám sát thị trường nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các sai phạm, tạo sự công bằng, niềm tin cho các thành viên thị trường. Sớm đưa vào vận hành thị trường giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ để tạo thêm kênh huy động vốn cho các doanh nghiệp, cũng như tạo động lực cho các doanh nghiệp mới tham gia niêm yết. Nhanh chóng đưa vào vận hành hệ thống KRX để tăng khả năng xử lý các giao dịch, các sản phẩm chứng khoán T0, bán khống… Thị trường hoạt động công khai, minh bạch, hiệu quả hơn chính là cơ hội để thu hút thêm doanh nghiệp lên sàn chứng khoán, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn với tiềm lực tài chính mạnh mẽ và giàu tiềm năng phát triển.

Thứ tư, đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Để thu hút vốn ngoại, bên cạnh hoàn thiện hành lang pháp lý phù hợp với thông lệ quốc tế, hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật tiên tiến, hội nhập… thì cần có thêm giải pháp như tạo điều kiện để các nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận dễ dàng hơn với doanh nghiệp thông qua tăng cường công bố thông tin bằng tiếng Anh, áp dụng các tiêu chuẩn báo cáo tài chính theo thông lệ quốc tế IFRS; tăng khả năng giao dịch cho các nhà đầu tư nước ngoài thông qua việc nới room khối ngoại, đối với các doanh nghiệp đã hết room khối ngoại cần có giải pháp như áp dụng mô hình chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR)…

Tiến Đạt
Theo Đặc san Doanh nghiệp niêm yết 2023

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,209.52 4.55 0.38% 154,884 tỷ
HNX 226.82 -0.75 -0.33% 1,394 tỷ
UPCOM 88.66 0.33 0.37% 435 tỷ