Cửa huy động vốn ngặt hơn
Ngay sau cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên tổ chức cuối tháng 4/2022 thông qua phương án phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, Ban Điều hành Công ty cổ phần Gemadept đã tiến hành thủ tục tăng vốn.
Tuy nhiên, theo Tổng giám đốc Nguyễn Thanh Bình, quy trình và thủ tục pháp lý rất nhiều và sau hơn 5 tháng, Công ty vẫn đang phối hợp bên tư vấn phát hành để đáp ứng các yêu cầu, sớm thực hiện tăng vốn.
Ưu điểm của chào bán chứng khoán ra công chúng là có thể phân phối cho từ 100 nhà đầu tư trở lên, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Song hình thức huy động vốn này đòi hỏi tổ chức phát hành đáp ứng nhiều điều kiện về vốn, sức khỏe tài chính và cần nhiều thời gian hơn để đáp ứng các yêu cầu về hồ sơ, thủ tục và quy trình phát hành.
Lãnh đạo Viconship - doanh nghiệp ngành cảng biển vừa hoàn tất đợt tăng vốn qua chào bán cổ phiếu ra công chúng hồi đầu năm 2022 cho biết, đã mất 11 tháng mới có thể sử dụng nguồn vốn huy động. Trong kế hoạch huy động tiếp theo trình cổ đông giữa tháng 9, Công ty đã lựa chọn chào bán cổ phiếu riêng lẻ để không “bỏ lỡ cơ hội vào tay các đối thủ khác”.
Kênh huy động vốn từ phát hành trái phiếu ra công chúng nhanh thì cần nửa năm, chậm cũng mất khoảng một năm mới xử lý xong một bộ hồ sơ. Trước các sự vụ liên quan đến Tân Hoàng Minh hay FLC Faros, việc xem xét hồ sơ càng cẩn trọng, cần nhiều thời gian hơn. Công ty cổ phần Chứng khoán SSI - đơn vị thường xuyên đảm nhận vai trò tư vấn phát hành phải thêm công đoạn lấy ý kiến cổ đông bổ sung mục đích sử dụng vốn trong phương án theo yêu cầu của cơ quan quản lý.
Không chỉ chào bán ra công chúng, hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ cũng có thêm yêu cầu cao hơn sau khi Nghị định 65/2022/NĐ-CP ra đời. Nếu không kể nhóm ngân hàng (phát hành 11.730 tỷ đồng), thì giá trị huy động vốn qua kênh trái phiếu rất khiêm tốn.
Việc hoàn tất quy định pháp lý dù đặt ra các yêu cầu “ngặt hơn”, nhưng vẫn có thể “rã đông” kênh huy động vốn này. Chỉ hai tuần sau khi Nghị định 65/2022/NĐ-CP có hiệu lực, Tradico đã hoàn tất xây dựng phương phát hành hành trái phiếu mới, thay đổi mục đích sử dụng vốn từ “tăng quy mô vốn hoạt động” sang nội dung cụ thể là “cơ cấu lại nợ”, mệnh giá trái phiếu tăng từ 100.000 đồng lên 100 triệu đồng.
Đặt cược
Dù các thủ tục chào bán cần qua nhiều khâu với thời gian khá dài, giá trị huy động vốn thông qua kênh chào bán cổ phiếu ra công chúng trong 9 tháng đầu năm 2022 vẫn lên tới hàng chục ngàn tỷ đồng. Trong số này, nhiều tổ chức phát hành bắt đầu triển khai phương án tăng vốn từ cuối năm 2021 và hoàn tất ở đầu năm 2022 khi thị trường vẫn còn khá thuận lợi.
Nhóm công ty chứng khoán và ngân hàng đứng đầu về quy mô phát hành và cả tỷ lệ chào bán thành công. NamA Bank, SEABank, LienVietPostBank, NCB cùng nhóm công ty chứng khoán như SSI, VNDirect, VIX, SHS, hay gần đây nhất là VDSC đều huy động trên ngàn tỷ đồng từ các đợt chào bán cho cổ đông hiện hữu. Số lượng cổ phiếu do cổ đông từ chối mua chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ và nhanh chóng được phân phối cho các nhà đầu tư khác.
Qua kênh phát hành riêng lẻ, Công ty Chứng khoán BIDV mới đây huy động thành công 2.694 tỷ đồng sau khi phát hành cho cổ đông ngoại Hana Securities (Hàn Quốc), với giá phát hành 41.000 đồng/cổ phiếu, cao hơn 37% thị giá hiện tại. Hay Hoàng Anh Gia Lai, sau khi hủy phương án cũ, đang điều chỉnh phương án sử dụng vốn, danh sách nhà đầu tư để chào bán cổ phiếu dự kiến huy động gần 1.700 tỷ đồng.
Tuy nhiên, cũng có doanh nghiệp chủ động dừng kế hoạch tăng vốn cổ phần. Từ đầu tháng 6, HĐQT Haxaco (HAX) - doanh nghiệp ngành ô tô đã quyết định tạm hoãn và rút hồ sơ chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Áp lực pha loãng giá cổ phiếu được tính đến khi diễn biến của thị trường chứng khoán không tốt ảnh hưởng đến lợi ích của công ty và lợi ích cổ đông.
Gần đây, Tập đoàn Sao Mai (ASM) cũng hủy phương án phát hành hơn 168 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ. Kinh tế thế giới có nhiều bất ổn và thị trường không thuận lợi là nguyên nhân được nêu ra.
Không chỉ đối mặt với xu hướng đi xuống kéo dài nhiều tháng qua khiến giá cổ phiếu đi xuống, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp cũng đang đứng trước những biến động tiêu cực trong môi trường lạm phát cao và tăng trưởng kinh tế đang chịu ảnh hưởng bởi các biện pháp “kìm cương” lạm phát trên toàn cầu.
Trả lời nhà đầu tư về lo ngại ngành cảng biển sẽ chậm lại khi kinh tế toàn cầu đối mặt rủi ro suy thoái, CEO Gemadept cho rằng, sản lượng hàng hóa qua cảng biển có thể bị ảnh hưởng trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, với tiềm năng của Việt Nam và các hiệp định thương mại, hiện chưa phải là đỉnh của ngành này, mà quá trình đi lên vẫn còn ở phía trước. Các dự án cảng mới - mục đích chính của đợt tăng vốn tới đây của Gemadept vẫn được kỳ vọng mang lại hiệu quả.