Finhay sở hữu Chứng khoán Vina: “Rộng đường” từ huy động vốn tới đầu tư uỷ thác

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Finhay, một trong những ứng dụng tiết kiệm - đầu tư tài chính chỉ từ 50.000 đồng đang phát triển mạnh thời gian gần đây, đã thâu tóm một công ty chứng khoán nhằm hoàn thiện chuỗi cung ứng các sản phẩm - dịch vụ tài chính. Tuy nhiên, việc sở hữu công ty chứng khoán cũng khiến mối liên hệ giữa các sản phẩm thêm phần “rắc rối”, dễ khiến nhà đầu tư hiểu nhầm.
Finhay sở hữu Chứng khoán Vina: “Rộng đường” từ huy động vốn tới đầu tư uỷ thác

“Giải cứu” công ty chứng khoán trong diện kiểm soát đặc biệt

Tháng 6/2022, Finhay thông báo việc hoàn tất mua lại Công ty cổ phần Chứng khoán Vina (VNSC), trở thành một trong những Fintech đầu tiên tại Việt Nam sở hữu một công ty có giấy phép hoạt động kinh doanh chứng khoán.

Trước khi về tay Finhay, VNSC có kết quả kinh doanh bết bát. Tính tới ngày 31/12/2021, Công ty đang lỗ luỹ kế 263,1 tỷ đồng và 2 lần bị Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt (lần 1 từ ngày 23/4 - 22/8/2021, lần 2 từ ngày 17/9/2021 - 16/3/2022) do kinh doanh thua lỗ kéo dài.

Đầu năm 2022, Finhay chính thức hoàn thiện thủ tục mua lại VNSC và được ghi nhận sở hữu VNSC. Cụ thể, Công ty TNHH Dịch vụ và Phân phối Finhay Việt Nam (doanh nghiệp do Công ty cổ phần Finhay Việt Nam sở hữu 100% vốn điều lệ) chính thức mua lại Chứng khoán Vina.

Tháng 2/2022, ông Nghiêm Xuân Huy - Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của Công ty cổ phần Finhay Việt Nam và Công ty TNHH Dịch vụ và Phân phối Finhay Việt Nam chính thức là Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện theo pháp luật của VNSC.

Vina Securities cũng đã hoàn tất đợt phát hành thêm 8,5 triệu cổ phiếu cho Finhay để nâng quy mô vốn điều lệ lên 358,59 tỷ đồng, giúp Công ty bảo đảm tỷ lệ an toàn tài chính để hoạt động. Trước đó, tại thời điểm 31/12/2021, vốn chủ sở hữu của VNSC chỉ là hơn 10 tỷ đồng, thấp hơn mức vốn điều lệ tối thiểu cho các nghiệp vụ kinh doanh của Công ty theo quy định hiện hành là 35 tỷ đồng do phát sinh lỗ luỹ kế.

Sau khi nâng vốn, cơ cấu sở hữu của VNSC chỉ bao gồm 3 thành phần: Công ty TNHH Dịch vụ và Phân phối Finhay Việt Nam - nắm giữ 96,62% vốn điều lệ; ông Nghiêm Xuân Huy - nắm giữ 0,38% và bà Vũ Thanh Vân - Giám đốc hoạt động (COO) Finhay nắm giữ 3%.

Đáng chú ý, tại Đại hội cổ đông bất thường của VNSC ngày 29/8/2022, Công ty đã thông qua việc tiếp tục chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ với số tiền dự kiến thu được là 207,98 tỷ đồng, nhằm nâng vốn điều lệ lên 566,6 tỷ đồng. Nguồn vốn dự kiến thu được sẽ sử dụng bổ sung vào vốn lưu động của Công ty, cải thiện tỷ lệ an toàn tài chính nhằm mở rộng các sản phẩm, dịch vụ.

Như vậy, kể từ khi giải cứu VNSC, Finhay đã và dự kiến sẽ rót vào công ty chứng khoán này số tiền hơn 555 tỷ đồng.

“Khép kín” chuỗi huy động vốn và ủy thác đầu tư

Sau khi mua lại Chứng khoán Vina, Finhay đã thông tin trên website của Công ty về việc sẽ tiến hành chuyển đổi các sản phẩm tài chính khách hàng thực hiện mua/bán sang đơn vị này, thay vì thực hiện uỷ thác quản lý danh mục đầu tư cho Công ty cổ phần quản lý Quỹ Thiên Việt như trước đây.

Đồng thời, Finhay công bố để VNSC trở thành đại lý phân phối chứng chỉ quỹ cho các quỹ đầu tư. Khi trở thành đại lý phân phối chứng chỉ quỹ, VNSC cũng sẽ thay mặt các công ty quản lý quỹ quản lý, phân phối sản phẩm và ghi nhận thông tin nhà đầu tư, lệnh đầu tư theo pháp luật hiện hành.

Đáng chú ý, đầu tháng 9/2022, Chứng khoán Vina đã thông qua giao dịch cung cấp dịch vụ môi giới chứng khoán và tư vấn đầu tư chứng khoán giữa VNSC với Finhay Việt Nam. Theo đó, VNSC sẽ chịu trách nhiệm cung cấp dịch vụ môi giới chứng khoán chưa niêm yết cho Finhay. Đổi lại, VNSC sẽ nhận phí dịch vụ bằng 1% tổng giá trị giao dịch chứng khoán được môi giới thành công.

Đối với mảng kinh doanh sản phẩm thu nhập cố định, Công ty sẽ khai thác thị trường trái phiếu Việt Nam thông qua mạng lưới, kênh phân phối của các tổ chức fintech. Đồng thời, lựa chọn, xây dựng danh mục trái phiếu phù hợp với khách hàng cá nhân (yêu cầu số tiền đầu tư nhỏ, dễ tiếp cận).

Bên cạnh đó, VNSC còn cung cấp dịch vụ phân tích, đánh giá đầu tư trái phiếu doanh nghiệp cho Finhay. Phí dịch vụ tùy theo số lượng báo cáo và tính phức tạp của yêu cầu phân tích của Finhay nhưng không vượt quá 4,5 tỷ đồng.

Thông báo của Finhay cho biết: “Tài sản của người dùng sau quá trình chuyển đổi sẽ được giao dịch và quản lý bởi VNSC, doanh nghiệp được cấp phép và giám sát hoạt động trực tiếp bởi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước”.

Như vậy, với việc Finhay và 2 cá nhân thuộc Finhay nắm giữ 100% vốn tại Chứng khoán Vina, Finhay đã khép kín được chuỗi cung cấp sản phẩm - dịch vụ đầu tư tài chính của mình. Cụ thể, Finhay trở về đúng nghĩa là nhà cung cấp dịch vụ công nghệ với ứng dụng đầu tư tài chính và VNSC là công ty nhận uỷ thác đầu tư và quản lý tài sản.

Câu hỏi đặt ra là việc Finhay nhận uỷ thác đầu tư từ người dùng, chuyển tài sản qua công ty chứng khoán nằm hoàn toàn dưới sự kiểm soát của

Finhay liệu có gây rủi ro cho nhà đầu tư khi nhầm lẫn đây là 2 doanh nghiệp hoạt động độc lập?

Dấu hỏi huy động vốn

Finhay là ứng dụng đầu tư hiện đang cung cấp các sản phẩm bao gồm đầu tư chứng khoán, chứng chỉ quỹ, vàng, tích luỹ…

Theo thông tin công bố trên website finhay.com.vn, Finhay không đưa ra bất kỳ lời chào mời đầu tư vào một sản phẩm tài chính cụ thể nào tới khách hàng. Công ty đơn thuần chỉ cung cấp nền tảng công nghệ bao gồm hệ thống website và các ứng dụng trên điện thoại (gọi chung là Ứng dụng Finhay) để trợ giúp Người dùng tiếp cận các sản phẩm tài chính và quản lý tài chính cá nhân một cách đơn giản.

Tài sản của Người dùng sẽ được chuyển tới Công ty cổ phần quản lý Quỹ Thiên Việt thông qua Finhay theo Hợp đồng quản lý danh mục đầu tư số 01/TVAM-FINHAY.

Tuy nhiên, với sản phẩm Tích luỹ do Finhay cung cấp và mời chào lãi suất cao, có nhiều vấn đề chưa rõ ràng. Chẳng hạn, Finhay cung cấp các sản phẩm “tích luỹ” không thời hạn với lãi suất 4%/năm và 5,5%/năm.

Trong khi đó, lãi suất gửi tiết kiệm không kỳ hạn tại các ngân hàng hiện nay thường ở mức 0,1 - 0,2%/năm, tối đa là 1%/năm. Chưa kể, các gói “tích luỹ” thời hạn 3 tháng, 9 tháng, 12 tháng đều có mức lãi suất khá hấp dẫn so với các sản phẩm tương tự từ ngân hàng truyền thống.

Thực tế, Finhay đã tích cực huy động tiền tiết kiệm của khách hàng cá nhân trong những năm vừa qua. Từ giữa năm 2020, các sản phẩm “tiết kiệm” của Finhay được đổi tên thành “tích lũy”, song bản chất sản phẩm hầu như không thay đổi. Theo đó, gửi tiền không kỳ hạn vào Finhay, khách hàng nhận lãi suất 4%/năm; còn gửi tiền kỳ hạn 3 tháng, lãi suất sẽ là 6%/năm.

Khi gửi tiền, người dùng không nhận về sổ tiết kiệm hay các giấy tờ chứng nhận gửi tiền tiết kiệm, các giao dịch giữa người dùng và ứng dụng đầu tư này được thực hiện theo Hợp đồng Hợp tác kinh doanh (BCC).

Nội dung trong hợp đồng cho thấy, người dùng góp tài sản bằng tiền mặt bằng cách chuyển tiền cho ứng dụng đầu tư. Ở chiều ngược lại, Finhay sẽ đóng góp quyền sử dụng ứng dụng; kiến thức, kinh nghiệm và bí quyết của mình để thiết lập các danh sách sản phẩm tài chính; công sức chọn lựa, liên lạc và làm việc với đơn vị quản lý đầu tư và các bên thứ ba khác phục vụ cho hợp tác kinh doanh.

Finhay cho biết, tiền của người gửi dùng để mua các sản phẩm tài chính với tài sản cơ sở là các chứng chỉ tiền gửi, hợp đồng tiền gửi, trái phiếu do các ngân hàng hoặc định chế tài chính uy tín phát hành… Tuy nhiên, Công ty chưa công bố rõ ràng việc sẽ phân bổ tiền gửi vào các sản phẩm như thế nào, cũng như có cơ chế quản trị rủi ro đầu tư ra sao.

Việc ứng dụng đầu tư dù chỉ là trung gian gọi vốn, huy động vốn cho các quỹ đầu tư, nhưng lại miêu tả sản phẩm giống như sản phẩm tiết kiệm của ngân hàng liệu có phải là một hành vi lách luật?

Chưa kể, theo các quy định hiện nay, chỉ có ngân hàng thương mại được nhận tiền gửi từ cá nhân và tổ chức, còn các công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính chỉ được nhận tiền gửi từ các tổ chức mà không được nhận tiền gửi từ đối tượng là cá nhân.

Các công ty fintech như Finhay với những hoạt động mới mẻ, hầu hết hiện chưa có khung pháp lý toàn diện hoặc quy định pháp lý cụ thể để điều chỉnh, do đó tiềm ẩn rủi ro đối với các chủ thể tham gia thị trường như các tổ chức tài chính truyền thống, khách hàng sử dụng dịch vụ.

Câu chuyện công ty chứng khoán “núp bóng” fintech để huy động vốn, hay những rủi ro của hình thức ủy thác đầu tư đã được đề cập nhiều trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, không phải nhà đầu tư nào cũng có thể nhận thức rõ các nguy cơ từ hoạt động này.

Với việc nắm trong tay công ty chứng khoán, Finhay đã “rộng đường” từ huy động vốn tới đầu tư uỷ thác. Về các thông tin ghi nhận được, phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán đã liên hệ tới số điện thoại đường dây nóng và hộp thư của finhay.com.vn từ ngày 24/8/2022, nhưng đến nay chưa nhận được phản hồi.

Theo thông tin trên website finhay.com.vn, Công ty cổ phần Finhay Việt Nam - doanh nghiệp đổi mới sáng tạo được cấp Giấy chứng nhận số 65/DNKHCN ngày 15/7/2020 bởi Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội và Giấy phép đăng ký kinh doanh số 0107748373 cấp bởi Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội ngày 6/3/2017, trụ sở chính tại Tầng 8, Tòa nhà Capital Building, số 58 phố Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP. Hà Nội. Địa chỉ chi nhánh tại TP.HCM: Tầng 6, Tòa nhà Bitexco Nam Long, số 63A Võ Văn Tần, phường Võ Thị Sáu, quận 3.

Lam Phong

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục