Việc thực hiện thí điểm BHNN sẽ được áp dụng từ ngày 1/7/2011 đến hết năm 2013. Bảo hiểm nông nghiệp được thí điểm là một trong những sản phẩm hướng đến người nghèo bên cạnh bảo hiểm vi mô đã được một số DN triển khai.
Cơ chế
Theo Quyết định nói trên, Nhà nước sẽ hỗ trợ 100% phí bảo hiểm cho hộ nông dân, cá nhân nghèo sản xuất nông nghiệp tham gia thí điểm BHNN; hộ nông dân, cá nhân cận nghèo sản xuất nông nghiệp tham gia thí điểm BHNN được hỗ trợ 80% phí bảo hiểm. Hỗ trợ 60% phí bảo hiểm cho hộ nông dân, cá nhân không thuộc diện nghèo, cận nghèo sản xuất nông nghiệp tham gia thí điểm BHNN; tổ chức sản xuất nông nghiệp tham gia thí điểm BHNN được hỗ trợ 20% phí bảo hiểm.
Tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất nông nghiệp được hỗ trợ phải đáp ứng đủ 4 điều kiện sau: có đối tượng được bảo hiểm (lúa, trâu bò, gia cầm…) theo quy định; có quyền lợi được bảo hiểm; tham gia thí điểm BHNN và đóng phí bảo hiểm thuộc phần trách nhiệm của mình; thực hiện sản xuất, canh tác, chăn nuôi, nuôi trồng, phòng dịch theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Quyết định cũng nêu rõ, mỗi tỉnh, thành phố có thể triển khai thí điểm toàn bộ địa bàn hoặc trên một số huyện, xã tiêu biểu. Các rủi ro được bảo hiểm và bồi thường bảo hiểm như bão lũ, rét hại, sương giá, dịch tai xanh, bệnh lở mồm, long móng,...
Triển khai bảo hiểm nông nghiệp, DN có hào hứng Điều kiện DN thí điểm bảo hiểm nông nghiệp: 1- Kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ; 2- Đáp ứng khả năng thanh toán theo quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm; 3- Có hệ thống công ty, chi nhánh, văn phòng giao dịch tại địa bàn triển khai thí điểm BHNN; 4 - Có đội ngũ nhân viên làm bảo hiểm nông nghiệp. Nguồn: Quyết định 315/QĐ-TTg |
Theo Quyết định của Thủ tướng, đối tượng được bảo hiểm và khu vực được thực hiện thí điểm BHNN bao gồm: bảo hiểm đối với cây lúa tại Nam Định, Thái Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Thuận, An Giang, Đồng Tháp; bảo hiểm đối với trâu, bò, lợn, gia cầm tại Bắc Ninh, Nghệ An, Đồng Nai, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Thanh Hóa, Bình Định, Bình Dương và Hà Nội; bảo hiểm đối với nuôi trồng thủy sản cá tra, cá ba sa, tôm sú, tôm chân trắng tại Bến Tre, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà Mau.
Vẫn cần thời gian
Với số dân trên 70% làm nông nghiệp và sống tại nông thôn, thị trường cho mảng dịch vụ BHNN rất rộng lớn. Trong khi đó, ngân sách nhà nước hàng năm chỉ dành từ 200 tỷ đồng đến 400 tỷ đồng để hỗ trợ nông dân đối phó dịch bệnh. Mỗi khi thiên tai xảy ra, Nhà nước thường cũng có sự hỗ trợ người dân. Tuy nhiên, việc hỗ trợ nhiều lúc chỉ là vấn đề trước mắt và không đến tay đầy đủ người cần hỗ trợ. Do đó, việc ngân sách nhà nước hỗ trợ nông dân một phần phí bảo hiểm để họ tích cực tham gia, hạn chế tổn thất là cách làm dài hạn.
Ông Nguyễn Xuân Thủy, Phó tổng giám đốc Bảo hiểm Bảo Việt cho biết, để triển khai thí điểm BHNN còn rất nhiều việc phải làm. Là một DN lớn trên thị trường, Bảo Việt sẽ tham gia nhưng để có con người và bộ máy làm BHNN, vẫn cần thời gian chuẩn bị. "Bản thân chi nhánh tại các địa phương chỉ có vài chục người nhưng đang làm rất nhiều nghiệp vụ. Trong khi đó, BHNN khá mới nên sẽ cần đầu tư nguồn nhân lực", ông Thủy cho biết.
Một chuyên gia bảo hiểm nói với ĐTCK, không có nhiều DN bảo hiểm phi nhân thọ hào hứng với bảo hiểm nông nghiệp mặc dù đầu vào đã được bao tiêu (Chính phủ hỗ trợ phí cho người mua). Bởi khi thiên tai xảy ra, thiệt hại trong nông nghiệp sẽ rất lớn và không phải DN nào cũng đủ khả năng bồi thường. Các DN bảo hiểm làm kinh doanh chịu sức ép của cổ đông và họ không thể tham gia vào lĩnh vực quá rủi ro.
Theo ghi nhận của ĐTCK, điều nhiều DN bảo hiểm bận tâm là sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam vẫn manh mún, nhỏ lẻ, việc đánh giá thiệt hại theo những chỉ số nào là cả vấn đề lớn. Để thực hiện thành công lĩnh vực bảo hiểm này, rất cần sự cam kết hỗ trợ của Nhà nước, bởi khi rủi ro xảy ra, DN bảo hiểm là người gánh chịu.