85% các giám đốc điều hành (CEO) cho rằng, công nghệ AI sẽ thay đổi mạnh mẽ doanh nghiệp của họ trong 5 năm tới. Gần 2/3 các CEO cho rằng, AI sẽ có tác động lớn hơn cả Internet. Nhưng, bất chấp cái nhìn khá tích cực về AI, 23% các CEO chưa có kế hoạch để triển khai công nghệ này và 35% “có kế hoạch triển khai” trong ba năm tới.
33% đã triển khai “một cách rất hạn chế”. Ðây là kết quả từ cuộc khảo sát thường niên lần thứ 22 của PwC với 1.300 CEO trên toàn thế giới, được công bố tại Hội nghị thường niên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos.
Cũng theo khảo sát này, khi nói đến tác động của AI lên việc làm, có đến 88% các CEO Trung Quốc tin rằng AI sẽ thay thế nhiều việc làm hơn là tạo ra các việc làm mới. Các CEO tại các nước châu Á - Thái Bình Dương khác (60%) cũng bi quan hơn so với toàn cầu (49%). Các CEO ở Tây Âu và Bắc Mỹ ít bi quan hơn, với 38% CEO Tây Âu và 41% CEO Bắc Mỹ cho rằng AI sẽ thay thế nhiều hơn là tạo ra việc làm.
Công nghệ thông tin, dữ liệu lớn (Big Data) và cả AI đang tạo nên những sự thay đổi như vũ bão trong các ngành kinh tế và ngành dịch vụ bảo hiểm cũng không ngoại lệ. Một khảo sát mới đây của công ty Accenture có tựa đề “Tầm nhìn công nghệ bảo hiểm”, đã ghi nhận ý kiến của hơn 50% lãnh đạo doanh nghiệp bảo hiểm Úc cho rằng, AI sẽ làm thay đổi căn bản ngành bảo hiểm trong vòng vài năm tới.
Nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng, bên cạnh các lĩnh vực đầu tư trọng điểm khác, ngành bảo hiểm đang đầu tư vào công nghệ AI nhằm cải thiện tương tác khách hàng dựa trên các tương tác bằng lời nói và chữ viết, cử chỉ, màn hình cảm ứng và nền tảng hỗn hợp giữa thế giới ảo và thực.
Từ đó, mỗi trao đổi, giao dịch của khách hàng đều sẽ được cá nhân hóa ngày một cao. AI được các doanh nghiệp bảo hiểm trên thế giới nhìn nhận sẽ đem lại triển vọng thay đổi mạnh mẽ về trải nghiệm khách hàng và tạo điều kiện thuận lợi cho đại lý, môi giới và nhân viên.
Tại Việt Nam, dù AI vẫn còn là khái niệm khá mới mẻ, nhưng đã có một số công ty bảo hiểm đang cố gắng đưa công nghệ để thay đổi cách thức tương tác và phục vụ khách hàng. Chẳng hạn như Prudential ra mắt trang thương mại điện tử từ năm 2016, đánh dấu cho sự khởi đầu của hàng loạt sản phẩm công nghệ sau này. Ðến nay, khá nhiều sản phẩm mang dấu ấn công nghệ được Prudential tiên phong giới thiệu.
Chẳng hạn như PruBot giúp giao tiếp hiệu quả hơn với khách hàng nhờ tính năng mô phỏng trí tuệ nhân tạo (AI), công cụ Matchbook giúp khách hàng có nhu cầu đặt lịch hẹn với chuyên viên tư vấn ưa thích.
Theo ông Clive Darren Baker, Tổng giám đốc Prudential Việt Nam, việc áp dụng sáng kiến đổi mới đã và đang giúp Công ty chủ động gia tăng kết nối với khách hàng, nâng cao chất lượng dịch vụ, đặc biệt trao cho họ sự chủ động nhiều hơn khi tham gia bảo hiểm. Khai thác tiềm năng, hoá giải thách thức mà Big Data mang lại cũng không nằm ngoài định hướng đó.
Ngành bảo hiểm ở Việt Nam cũng như trên thế giới đều đang chuyển mình dưới sự phát triển của công nghệ. Kỳ vọng của các nhà lãnh đạo đã tăng lên cùng với sự phát triển của công nghệ.
Tại thị trường Việt Nam, sau mọi nỗ lực phát triển và gắn kết công nghệ vào nâng cao chất lượng dịch vụ, đến nay hầu hết các công ty bảo hiểm nhân thọ như Prudential, AIA Việt Nam, Generali, hay FWD… đã có thể xử lý các quy trình từ tiếp nhận hồ sơ bảo hiểm, thanh toán phí bảo hiểm, tiếp nhận và xử lý bồi thường không dùng giấy tờ cũng như tiền mặt.
AI dù còn là khái niệm mới mẻ, thậm chí vẫn còn có doanh nghiệp bảo hiểm có tâm lý dè chừng, nhưng với xu thế tận dụng công nghệ số để phục vụ khách hàng ngày càng tốt hơn đang phát triển như vũ bão tại thị trường Việt Nam như hiện nay thì tương lai phát triển AI tại thị trường này có thể không quá xa vời.