Trên 200 triệu đồng, ai sẽ bồi thường cho người mua bảo hiểm?

(ĐTCK) Với Thông tư số 101/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc quản lý, sử dụng Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm vừa ban hành, lần đầu tiên, việc bảo vệ quyền lợi của người được bảo hiểm trong trường hợp DN bảo hiểm bị mất khả năng thanh toán hay phá sản được chính thức hóa. Nhưng…
Trên 200 triệu đồng, ai sẽ bồi thường cho người mua bảo hiểm?

>> Phải công khai trên báo việc chi trả từ Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm

>> Sẽ có Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm từ 2014

Tính sao với giá trị bảo hiểm vượt quá 200 triệu đồng?

Theo Thông tư 101, mức tối đa mà bên mua bảo hiểm được bồi hoàn là không quá 200 triệu đồng/người được bảo hiểm/hợp đồng. Quỹ bảo vệ người mua bảo hiểm được đánh giá là một bước tiến lớn khi đến nay, quỹ bảo vệ nhà đầu tư chứng khoán vẫn chưa có, còn hạn mức tối đa mà người gửi tiền tại ngân hàng được bồi hoàn chỉ là 50 triệu đồng. Tuy nhiên, một câu hỏi đặt ra là trên thực tế, có không ít hợp đồng bảo hiểm cam kết với khách hàng vượt con số 200 triệu đồng nhiều lần, khi DN mất khả năng thanh toán hay phá sản thì phần vượt đó, ai sẽ là người chi trả?

Trên 200 triệu đồng, ai sẽ bồi thường cho người mua bảo hiểm? ảnh 1

Theo đại diện Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), thực chất Quỹ bảo vệ người mua bảo hiểm chỉ mang tính hỗ trợ, với mục tiêu hướng tới khách hàng cá nhân và các DN bảo hiểm vừa và nhỏ. Trách nhiệm cuối cùng vẫn thuộc về DN bảo hiểm, nên Quỹ chỉ chi trả một phần, chứ không phải tất cả số tiền khách hàng bảo hiểm được cam kết trong hợp đồng. Ngoài ra, nếu rơi vào trường hợp mất khả năng thanh toán hay phá sản thì DN cũng có thể tính đến phương án khôi phục khả năng thanh toán hoặc chuyển giao hợp đồng bảo hiểm cho đơn vị khác…

Vị này khẳng định, hạn mức 200 triệu đồng kể trên là tỷ lệ phù hợp với thông lệ quốc tế cũng như mục đích hoạt động của Quỹ. Bởi theo Thông tư 101, trong trường hợp DN bảo hiểm bị mất khả năng thanh toán, Quỹ chỉ chi trả phần chênh lệch giữa số tiền DN bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài phải trả theo hợp đồng bảo hiểm và số tiền người được bảo hiểm được nhận từ DN bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài. Ví dụ, nếu giá trị bảo hiểm theo cam kết tại hợp đồng bảo hiểm là 100 triệu đồng và DN có thể chi trả 50 triệu đồng, thì 50 triệu đồng thiếu hụt sẽ được quỹ bảo hiểm bù đắp. Tất nhiên, số tiền này sẽ không vượt quá mức cụ thể của từng loại hình hợp đồng bảo hiểm (xem bảng Hạn mức...). Quy định này cũng được áp dụng tương tự trong trường hợp DN bảo hiểm phá sản.

 

Trước khi chờ Quỹ, hãy lựa chọn DN bảo hiểm

Theo ông Trần Thanh Tú, Phó tổng giám đốc Dai-ichi Life Việt Nam, thành viên Tổ soạn thảo Thông tư, Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm chỉ là phương án cuối cùng trong cả một hệ thống cơ chế phòng ngừa rủi ro, bảo đảm an toàn tài chính của DN bảo hiểm để bảo vệ bên mua bảo hiểm. 

“Xuyên suốt trong các văn bản quy phạm pháp luật về bảo hiểm, hệ thống bảo vệ bên mua bảo hiểm được ví như kiềng ba chân, đó là các quy định về an toàn tài chính mà công ty bảo hiểm phải đảm bảo như vốn và khả năng thanh toán, dự phòng nghiệp vụ, đầu tư tài chính, tách quỹ trong bảo hiểm nhân thọ; quy định về nghiệp vụ kinh doanh bao gồm phê chuẩn sản phẩm, tái bảo hiểm, chuyển giao hợp đồng bảo hiểm, công khai và minh bạch hóa; và quy định về quản trị DN từ tổ chức bộ máy, công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ cho đến điều kiện năng lực của các chức danh chủ chốt trong DN. Để phục vụ công tác quản lý giám sát, Bộ Tài chính đã ban hành bộ chỉ tiêu cảnh báo sớm để lượng hóa các rủi ro có thể phát sinh trong 3 lĩnh vực trên, nhằm giúp sớm nhận diện được các DN có vấn đề”, ông Tú cho biết và nói thêm, với hệ thống bảo vệ trên, việc lựa chọn DN bảo hiểm uy tín, đáp ứng đủ các quy định, điều kiện của cơ quan quản lý sẽ là cơ chế bảo đảm hữu hiệu nhất cho các quyền lợi bảo hiểm của khách hàng.

Đồng quan điểm này, lãnh đạo một DN nhân thọ nước ngoài cho hay, không phải khi chưa có quỹ này thì quyền lợi của người mua bảo hiểm thiếu an toàn; bởi trước đó, các DN bảo hiểm đã bị ràng buộc bởi khá nhiều quy định liên quan đến tài chính, nghiệp vụ… Bởi thế, việc có thêm Quỹ chỉ là thêm một bước củng cố, bảo vệ quyền lợi khách hàng chặt chẽ hơn.            

 

Hạn mức chi trả đối với từng loại hình hợp đồng bảo hiểm

 

* Đối với hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe, Quỹ chi trả tối đa 90% mức trách nhiệm của DN bảo hiểm, nhưng không quá 200 triệu đồng/người được bảo hiểm/hợp đồng. Đối với hợp đồng bảo hiểm thuộc các nghiệp vụ bảo hiểm khác theo quy định của pháp luật, Quỹ chi trả tối đa 80% mức trách nhiệm của DN bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài, nhưng không quá 100 triệu đồng/hợp đồng.

 

* Đối với hợp đồng bảo hiểm phi nhân thọ:

 

a) Với hợp đồng bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, Quỹ chi trả tối đa mức trách nhiệm của DN bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài thuộc phạm vi bảo hiểm theo quy định của pháp luật hiện hành;

 

b) Với hợp đồng bảo hiểm thuộc các nghiệp vụ bảo hiểm khác theo quy định của pháp luật, Quỹ chi trả tối đa 80% mức trách nhiệm của DN bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài, nhưng không quá 100 triệu đồng/hợp đồng.

Kim Lan
Kim Lan

Tin cùng chuyên mục