Trầy trật đòi bảo hiểm tài sản, lưu ý khi ký hợp đồng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Có những vụ việc đòi bồi thường bảo hiểm tài sản kéo dài do cách hiểu và vận dụng điều khoản hợp đồng không đồng nhất, hoặc công ty bảo hiểm cho rằng khách hàng cung cấp sai thông tin.

Chờ 3 - 6 năm

Không ít doanh nghiệp mất nhiều năm mới đòi được tiền bồi thường bảo hiểm, ngay cả khi nhờ tới tòa án phân xử.

Chẳng hạn, 3 năm sau khi kho chứa hàng bị ngập nước, đến tháng 9/2020, Công ty cổ phần Vật tư nông sản (Apromaco) mới nhận được phán quyết phúc thẩm của tòa án, từ đó có căn cứ yêu cầu Tổng công ty Bảo hiểm Quân đội (MIC) bồi thường 20 tỷ đồng.

Trước đó, năm 2017, Apromaco mua bảo hiểm hỏa hoạn và các rủi ro đặc biệt của Chi nhánh MIC Hà Nội đối với hàng hóa là phân bón các loại tại kho hàng Hưng Điền, xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, TP.HCM.

Tối 14/10/2017, kho hàng Hưng Điền bị ngập nước dẫn đến hàng hóa bị hư hỏng. Công ty cổ phần Kho vận miền Nam đã tiến hành giám định, xác định thiệt hại. Sau đó, Apromaco có đơn yêu cầu bồi thường nhưng MIC từ chối với lý do vụ việc đã xảy ra từ ngày 12/10/2017, trước 1 ngày hai bên ký hợp đồng bảo hiểm. Theo đó, Apromaco cung cấp thông tin sai sự thật nên hợp đồng không phát sinh hiệu lực.

Khi tiếp nhận đơn kiện của Apromaco, tòa án đã lấy lời khai của người làm chứng là Công ty TNHH MTV Sotrans Logistics. Công ty này cho biết, từ ngày 12 - 15/10/2017, tại khu vực kho Hưng Điền xảy ra mưa lớn kéo dài cùng triều cường làm nước dâng lên cục bộ gây ngập lụt. Tuy nhiên, đến tối ngày 14/10/2017 nước mới bắt đầu tràn vào kho. Với các chứng cứ và lời khai của người làm chứng, tòa án đã buộc MIC bồi thường số tiền 20 tỷ đồng.

Một trường hợp khác phải chờ 3 năm mới đòi được tiền bồi thường bảo hiểm là Công ty cổ phần Thép Việt Mỹ, với vụ tổn thất lô hàng 1.766 tấn thép được vận chuyển bằng tàu Quang Trung 05-BLC từ cảng Sơn Trà (Đà Nẵng) đến cảng Long Bình (Đồng Nai).

Ngày 21/10/2017 xảy ra sự cố chìm tàu Quang Trung do va chạm với tàu New Port Cypress tại khu vực sông Nhà Bè, luồng Sài Gòn - Vũng Tàu. Theo báo cáo điều tra của Cảng vụ Cảng TP.HCM, nguyên nhân tai nạn do thuyền viên 2 tàu không thực hiện đầy đủ công tác cảnh giới và “số lượng thuyền viên không phù hợp với định biên an toàn tối thiểu”.

Do đó, Bảo hiểm PJICO Đà Nẵng từ chối bồi thường với lý do “phương tiện vận tải không đủ khả năng lưu hành, không đảm bảo an toàn giao thông”.

Cơ quan tố tụng không đồng ý với cách hiểu điều khoản trên và nhận định, tàu Quang Trung có đủ khả năng lưu hành. Trường hợp không đủ định biên không phải là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn nên không thuộc điều khoản loại trừ bảo hiểm. Do đó, vào tháng 7/2020, tòa án buộc PJICO phải bồi thường số tiền 11,5 tỷ đồng.

Công ty TNHH Tân Thành phải chờ lâu gấp đôi 2 doanh nghiệp trên. Cụ thể, ngày 9/12/2013, doanh nghiệp này mua gói bảo hiểm tài sản gồm nhà xưởng, văn phòng, hàng hóa tại Khu công nghiệp Sóng Thần 2, huyện Dĩ An, TP Bình Dương và ngày 13 - 14/5/2014 xảy ra vụ cháy. Sau hơn 6 năm trì hoãn và tranh cãi về thiệt hại từ vụ cháy nhà xưởng có thuộc điểm loại trừ trách nhiệm bảo hiểm hay không, đến cuối tháng 8/2020, bản án phúc thẩm của Toàn án nhân dân TP Hà Nội tuyên bố, Bảo hiểm VietinBank phải chi trả bồi thường cho Công ty Tân Thành hơn 9 tỷ đồng.

Lưu ý khi ký hợp đồng bảo hiểm

Luật sư Nguyễn Thế Truyền, Giám đốc Công ty Luật Thiên Thanh cho rằng, nhiều chủ doanh nghiệp chưa nhìn nhận bảo hiểm là bù đắp rủi ro, mà coi đây là một thủ tục hành chính bắt buộc do cơ quan nhà nước yêu cầu với sản phẩm/hạng mục đó. Có những doanh nghiệp chỉ quan tâm đến phí bảo hiểm nên có thể gặp các gói bảo hiểm “dưới chuẩn”. Đáng lưu ý, doanh nghiệp chưa có thói quen sử dụng đội ngũ tư vấn pháp lý nên không biết có các điều khoản mập mờ, bất lợi, thậm chí bị loại trừ trách nhiệm, dẫn đến khả năng thực thi và bảo đảm để loại trừ rủi ro là không có.

“Thông thường, hợp đồng bảo hiểm đưa ra điều khoản lắt léo, nếu điều khoản không rõ ràng cần phải hỏi lại hoặc giao lại cho tư vấn rà soát kỹ. Hợp đồng cũng ẩn chứa thủ tục thực thi, trong khi doanh nghiệp thường yếu về khâu giám sát tuân thủ nội bộ để thực thi hợp đồng. Ví dụ, về nghĩa vụ thông báo, có hợp đồng ghi rõ khi xảy ra sự kiện thì thông báo cho ai, thời gian như nào…, song cũng có hợp đồng mập mờ, trường hợp này cần phải làm rõ trước khi ký kết”, luật sư Truyền nói.

Theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, tính đến hết tháng 7/2020, doanh thu thị trường bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 31.266 tỷ đồng, tăng khoảng 6% so với cùng kỳ năm 2019, tỷ lệ bồi thường khoảng 34% (10.754 tỷ đồng, chưa bao gồm dự phòng bồi thường). Trong đó, bảo hiểm tài sản thiệt hại đạt doanh thu 4.267 tỷ đồng, tăng 14% và chiếm tỷ trọng 14%; tỷ lệ bồi thường ở mức 25% (khoảng 1.062 tỷ đồng).

Đỗ Mến

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục