Bộ Tài chính lưu ý về các sản phẩm bảo hiểm mùa dịch

(ĐTCK) Kể từ khi xuất hiện dịch Covid-19, các công ty bảo hiểm nhân thọ đã đưa ra nhiều sản phẩm bảo hiểm về bệnh dịch đi kèm với những chính sách hỗ trợ khách hàng. Nhưng vì bảo hiểm là ngành kinh doanh đặc thù nên Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) đã có công văn lưu ý các nhà bảo hiểm về động thái này.
Bộ Tài chính lưu ý về các sản phẩm bảo hiểm mùa dịch

Công văn nêu rõ, theo quy định tại Ðiều 48 - Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm, những người mắc bệnh dịch thuộc nhóm A, trong đó có bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19, sẽ được khám và điều trị miễn phí.

Do đó, trong công tác tuyên truyền, các công ty bảo hiểm cần lưu ý hướng dẫn rõ ràng về chính sách, quyền lợi bảo hiểm liên quan đến dịch bệnh cho người tham gia bảo hiểm, tránh trường hợp hiểu lầm với các quyền lợi đã được Nhà nước đảm bảo theo Luật…

Trao đổi với Báo Ðầu tư Chứng khoán, một chuyên gia trong ngành bảo hiểm cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp bảo hiểm buộc phải phản ứng nhanh theo thị trường.

Về phía nhà quản lý, việc doanh nghiệp bảo hiểm có những chính sách tốt cho khách hàng luôn được khuyến khích, nhưng phải đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật, cũng như điều khoản hợp đồng và trong trường hợp này, sản phẩm bảo hiểm sẽ được ưu tiên thẩm định, phê chuẩn.

Thực tế, nhiều công ty bảo hiểm nhân thọ đã sớm tính đến những chính sách thiết thực để hỗ trợ khách hàng mùa dịch, có thể kể đến các khoản hỗ trợ đặc biệt từ 10-30 triệu đồng (trong khoảng thời gian nhất định tùy theo quy định của từng công ty) cho từng trường hợp khách hàng bị nhiễm Covid-19, ưu tiên xử lý nhanh các yêu cầu giải quyết quyền lợi bảo hiểm, cũng như không loại trừ bồi thường đối với sự kiện bảo hiểm có nguyên nhân do Covid-19 trong tất cả mọi quyền lợi của toàn bộ các sản phẩm bảo hiểm hiện hành…

Các chính sách hỗ trợ đã được đưa ra trong tháng 2/2020, đến nay đã có những chính sách hết  hiệu lực thực hiện.

Chia sẻ về khoản chi phí hỗ trợ phát sinh ngoài hợp đồng, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm cho biết, đây là khoản hỗ trợ đặc biệt từ quỹ hỗ trợ của công ty, nên chỉ cần thông báo mà không cần xin phép Bộ Tài chính sửa đổi sản phẩm.

Ðối với những công ty muốn được xem ngân sách này như chi phí thông thường thì sẽ phải xin Bộ Tài chính sửa đổi thêm khoản hỗ trợ đặc biệt vào hợp đồng. 

Trên thị trường, một số công ty bảo hiểm như FWD, Generali, Chubb, Prudential… quy định khoản chi phí này như một khoản hỗ trợ đặc biệt từ quỹ hỗ trợ của doanh nghiệp.

Mới nhất, AIA Việt Nam cũng thông báo dành riêng Quỹ hỗ trợ đặc biệt trị giá 1 triệu USD cho khách hàng tham gia các sản phẩm bảo hiểm hỗ trợ chi phí nằm viện, bồi hoàn chi phí nằm viện và phẫu thuật, bảo hiểm chăm sóc sức khỏe…

Liên quan tới việc công ty bảo hiểm xác nhận không loại trừ bồi thường đối với sự kiện bảo hiểm có nguyên nhân do Covid-19 trong tất cả mọi quyền lợi của toàn bộ các sản phẩm bảo hiểm hiện hành có mâu thuẫn với điều khoản loại trừ khi dịch Covid-19 đã được tuyên bố là đại dịch, một chuyên gia trong ngành nói rằng, nếu sản phẩm có loại trừ mà muốn thay đổi nội dung thì công ty bảo hiểm phải nộp hồ sơ xin phê chuẩn sản phẩm, sửa đổi sản phẩm theo đúng quy định pháp luật và cũng cần có sự chấp thuận của nhà tái bảo hiểm.

Ðược biết, trên thị trường bảo hiểm nhân thọ hiện nay phần lớn sản phẩm của các công ty bảo hiểm nhân thọ không quy định điều khoản loại trừ này, nên đa số doanh nghiệp không phải chỉnh sửa nhiều khi đưa ra chính sách hỗ trợ khách hàng bị nhiễm Covid-19.

Theo quy định tại Khoản 3, Khoản 6, Điều 39 - Nghị định 73/2016, các sản phẩm thuộc nghiệp vụ BHNT, bảo hiểm sức khỏe phải được Bộ Tài chính phê chuẩn trước khi triển khai. Trường hợp sửa đổi, bổ sung quy tắc, điều khoản sản phẩm bảo hiểm nhằm hỗ trợ thêm quyền lợi cho các khách hàng mắc bệnh Covid-19 (miễn thời gian chờ, chi trả thêm quyền lợi, tạm hoãn/gia hạn đóng phí bảo hiểm…), hoặc triển khai sản phẩm bảo hiểm mới có quyền lợi liên quan đến dịch bệnh, các doanh nghiệp bảo hiểm phải nộp hồ sơ xin phê chuẩn sản phẩm, sửa đổi sản phẩm theo đúng quy định pháp luật. Cục Quản lý giám sát bảo hiểm sẽ ưu tiên thẩm định sản phẩm trình Bộ Tài chính phê chuẩn, hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp (trích công văn số 73/QLBH-NT).

Ngọc Lan

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục