Tranh luận giờ làm thêm từ góc nhìn của một doanh nhân

(ĐTCK) Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi được đưa ra lấy ý kiến các đại biểu Quốc hội và dự kiến được nhấn nút thông qua tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra. Trong đó, việc mở rộng khung thỏa thuận làm thêm  trong các trường hợp đặc biệt từ tối đa 300 giờ lên 400 giờ mỗi năm đang tồn tại những quan điểm trái chiều. Ông Bùi Đức Thịnh, Chủ tịch Công ty cổ phần Dệt may Sông Hồng chia sẻ góc nhìn về vấn đề này.
Tranh luận giờ làm thêm từ góc nhìn của một doanh nhân

Những ngày qua, các cuộc tranh luận gay gắt trên nghị trường Quốc hội về việc có nên cho doanh nghiệp tăng thêm thời gian làm việc hay không đã tạo ra nhiều dòng lập luận rất trái ngược nhau.

Có người nói: Công nhân cần làm ít giờ đi để có thêm thời gian nghỉ ngơi nhằm tái tạo sức lao động và lương phải cao lên. Quá đúng và quá đạo đức! Có người khuyên: Doanh nghiệp phải áp dụng công nghệ mới để nâng cao năng suất, giảm cường độ làm việc cho người lao động! Quá đúng và không sai!

Liệu mọi người có biết vì những điều đó mà giới doanh nhân liên tục phải tự mình "vi phạm" Luật Lao động dành cho chính bản thân mình không?

Nếu ai đã từng làm doanh nghiệp hoặc trong gia đình có người đã từng hoặc đang làm doanh nghiệp, hẳn sẽ hiểu rất rõ điều đó.

Làm việc luôn căng thẳng, không ngơi nghỉ 12 - 14 giờ mỗi ngày là chuyện bình thường và phổ biến đối với những người chủ doanh nghiệp thời nay.

Nếu không có những đêm triền miên mất ngủ vì suy nghĩ công việc, hoặc giữa đêm phải vùng dậy để làm việc bên máy tính... thì hẳn đó không phải là doanh nhân.

Nếu không có những phút giây hắt héo ruột gan vì lo thiếu hàng hóa, không đủ việc làm để công nhân thu nhập thấp..., hẳn rằng đó không phải là người chủ doanh nghiệp!

Với những người làm doanh nghiệp, thời gian đối với họ không có một hạn định hay một khái niệm cụ thể nào cả.

Vậy với người công nhân thì sao? Tất yếu thời gian làm việc hàng ngày của họ không thể như những người đứng đầu doanh nghiệp được.

Song, giá như mọi người đi sâu để hiểu đầy đủ hơn về thực trạng các doanh nghiệp dệt may Việt Nam hiện nay, về tình hình các nước xung quanh ta thì hẳn rằng các cuộc tranh luận sẽ nhanh tới hồi đồng thuận hơn.

Giản đơn từ mấy câu hỏi: Sao nước Nhật giầu có gấp bội ta, người lao động bên Nhật luôn làm việc hết sức mình cùng với tính kỷ luật cao độ, Chính phủ Nhật vẫn cho phép doanh nghiệp và người lao động được tăng thêm thời gian làm việc hàng năm cao hơn nhiều so với Việt Nam? Với các nước Singapore, Malaysia, Thái Lan hay Trung Quốc cũng vậy...

Sao ta không thể lấy số liệu từ các quốc gia đó để tham chiếu khi tranh luận? Hẳn rằng không ai có thể nói các nước đó kém văn minh hơn ta, lạc hậu hơn ta, hay họ không tốt với người lao động bằng ta!

Các doanh nghiệp dệt may Việt Nam thì sao? Hầu hết vẫn chủ yếu làm gia công, "lấy công làm lãi" mà thôi.

Trong khi đó, chi phí sản xuất mỗi ngày một tăng, đặc biệt là chi phí nhân công (gồm tiền lương, thưởng, các loại bảo hiểm...) thường chiếm từ 85 - 87% trong tổng giá trị gia công. Còn lại trên 15% chi phí tiếp dành cho khấu hao, phí quản lý, phục vụ, điện, nước, vận tải, giao nhận, cơm ca, đồng phục...

Không những thế, giá gia công mỗi ngày một giảm bởi sức mua giảm sút của thị trường. Nhắc tới những chi tiết này để thấy rằng nguồn tài chính dự trữ của các doanh nghiệp dệt may là rất khó khăn và vô cùng nhỏ bé.

Do vậy, việc khống chế thời gian làm thêm ở doanh nghiệp Việt Nam thấp hơn nhiều so các nước xung quanh chắc chắn sẽ làm sức cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt càng thêm yếu, GDP quốc gia sẽ bị sụt giảm nhiều, doanh nghiệp sẽ rơi vào tình trạng nguy hiểm vì dự trữ tài chính quá hẻo, không đủ sức chống đỡ các tai biến bất ưng của thời vận.

Còn người lao động sẽ phải lao đao tìm thêm nguồn công việc khác để bù đắp nguồn thu nhập bị thiếu hụt... Các tình huống như vậy ắt sẽ xảy ra, chứ không còn là dự báo nữa.

Doanh nghiệp và người lao động chưa bao giờ so bì với những người trong khu vực hành chính về thời gian làm việc vì doanh nghiệp và người lao động đều hiểu rất rõ: những người làm hành chính đã có Nhà nước lo cho tất cả, từ tiền lương đến các loại bảo hiểm.

Còn ở doanh nghiệp, không có điều đó, bởi "tay làm, hàm nhai, tay quai miệng trễ". Nếu giảm giờ làm từ 48 giờ xuống còn 44 giờ với mỗi tuần nữa thì khó khăn sẽ lại tăng thêm bội lần cho doanh nghiệp.

Xin đừng vội nghĩ tới việc đó trong nhiều năm nữa, vì năng suất làm việc của lao động Việt Nam hiện đang rất thấp so với các quốc gia khác.

Giả dụ cứ mỗi thiết bị tự động đưa vào sản xuất thì ít nhất cũng một vài hoặc hàng chục công nhân bị mất vị trí làm việc, liệu người lao động có mong muốn?

Sở dĩ ngành may mặc vẫn còn đất để tồn tại và phát triển bởi những nhà tư bản không thể dùng robot để thay thế hết số lao động có kỹ năng khéo léo, mặc dù họ có thể có rất nhiều tiền để đầu tư máy móc, thiết bị tự động hiện đại.

Chính điều đó đang còn là lợi thế của các doanh nghiệp Việt, xin đừng để mất đi cơ may còn lại ít ỏi đó vì những tư tưởng" nhân văn" hay những giọt" nước mắt" rơi chưa đúng thời điểm!

Ðề nghị tăng thêm thời gian làm việc trong khoảng 400 - 450 giờ mỗi năm là để có thể đáp ứng cho ba mục đích: Một là, người lao động có điều kiện tận dụng máy móc, thiết bị, nhà xưởng, vật tư đang có sẵn trên dây chuyền sản xuất với thời gian làm thêm vừa phải để tăng thêm nguồn thu nhập lương thiện và chính đáng cho mình.

Hai là, doanh nghiệp có đủ khoảng thời gian an toàn cần thiết để xử lý các tình huống phát sinh về hàng hóa mà không lo tới việc "vi phạm pháp luật", vì đây là điều tối kị với doanh nghiệp. Doanh nghiệp không coi số sản phẩm làm ra trong thời gian này là nhằm thu thêm lợi nhuận vì chi phí tiền lương cao hơn so với thông thường.

Hơn nữa, các chi phí này lại không được hạch toán vào giá thành, mà phải khấu trừ từ nguồn lợi nhuận vốn đã rất ít ỏi, nay lại càng còm cõi thêm.

Ba là, các nhà nhập khẩu nước ngoài không vin cớ doanh nghiệp Việt vi phạm luật pháp về thời gian làm việc mà cắt bỏ đơn hàng, làm phương hại tới cuộc sống của người lao động và sự an toàn, an ninh nhà máy.

Gần như là bản năng phổ biến từ muôn thủa, ai cũng muốn làm việc ít, việc dễ và nhàn hạ nhưng lại muốn có lương cao! Ðiều này các nhà hoạch định chính sách và những người vận hành doanh nghiệp nếu không hiểu thấu đáo, không xử lý các mối quan hệ về quyền lợi một cách hợp lý thì rất khó tạo được động lực phát triển doanh nghiệp và động lực phát triển đất nước.

Ông Bùi Đức Thịnh, Chủ tịch Công ty cổ phần Dệt may Sông Hồng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục