Nhưng đó không chỉ đơn thuần là một câu hỏi.
Trong bối cảnh phát triển của kinh tế số, các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, nghiên cứu và phát triển (R&D), các cơ hội thị trường nước ngoài sẽ được khai thác như thế nào khi bị trói buộc bởi các quy định về giờ làm thêm, về giấy phép lao động cho người nước ngoài... Những lo ngại về việc thiếu cân nhắc đầy đủ các xu hướng mới, với tư duy phát triển mới của các văn bản luật rất có thể sẽ đưa các doanh nghiệp này rơi vào thế bất an, tương tự như các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động đang vướng phải.
Sự bất an này được doanh nghiệp nói đến suốt những năm qua. Đặc biệt, phải nhắc đến tỷ lệ 82% doanh nghiệp vi phạm về giờ làm thêm mà Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam Trương Văn Cẩm đã nhắc tới trong rất nhiều cuộc hội thảo về Dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi).
Có chuyên gia đặt vấn đề, phải chăng thanh tra, kiểm tra chuyên ngành lao động chưa là hết trách nhiệm, nên doanh nghiệp mới vi phạm nhiều vậy. Cách xử lý nên là thắt chặt chế tài, tăng thêm thanh tra, kiểm tra để đưa doanh nghiệp vào khuôn khổ. Trong khá nhiều văn bản giải trình của của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về tỷ lệ doanh nghiệp vi phạm quy định cao như vậy, có một phần nguyên nhân do số lượng cán bộ thanh tra chuyên ngành lao động thấp hơn nhiều so với số lượng doanh nghiệp…
Song cũng phải nhắc lại hàng loạt câu hỏi từ các doanh nghiệp, những người đã buộc phải chọn vi phạm quy định để đổi lại hoạt động bình thường cho doanh nghiệp trong thời vụ của hàng nông sản, thủy sản, đảm bảo yêu cầu của các nhà nhập khẩu về đơn hàng khẩn... Rằng, tại sao doanh nghiệp biết mà vẫn vi phạm nhiều như vậy? Rằng, có phải cố tình vi phạm hay là quy định không thể tuân thủ được?... Và rằng, các nhà làm luật đã bao giờ đặt vấn đề như vậy chưa?
Tại sao không để người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận theo nhu cầu thị trường mà lại giới hạn cứng nhắc như vậy?...
Cũng phải nói thêm, các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu hiểu rất rõ hậu quả của việc không tuân thủ pháp luật trong nước, cho dù vì bất cứ lý do gì. Họ không chỉ bị phạt, mà còn đối mặt với việc bị đối tác, nhà nhập khẩu cắt đơn hàng.
Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang xây dựng hình ảnh doanh nghiệp trách nhiệm xã hội, doanh nghiệp phát triển bền vững, đang thúc đẩy hội nhập sâu rộng, thì những điều này ảnh hưởng rất lớn tới môi trường đầu tư - kinh doanh của Việt Nam, cũng như uy tín của cả cộng đồng doanh nghiệp Việt.
Nhưng sự bất an của doanh nghiệp không chỉ có vậy. Khi pháp luật không phù hợp, không khả thi, thiếu cơ chế để các bên bảo vệ quyền và nghĩa vụ của mình, dư địa sẽ mở cho sự hành xử túy ý, tùy tiện của đội ngũ công chức, đặc biệt là đội ngũ thanh tra, kiểm tra thiếu trách nhiệm, thiếu sự công tâm trong thực hiện công vụ. Hệ lụy của tình trạng này biểu hiện ngay trong bức tranh dù tích cực hơn những năm trước, song vẫn còn quá nặng nề về chi phí không thức.
Năm 2019, vẫn còn 58,2% doanh nghiệp cho biết tồn tại hiện tượng nhũng nhiễu khi cán bộ cơ quan nhà nước địa phương giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp; 30% doanh nghiệp trả chi phí không chính thức để đẩy nhanh thủ tục đất đai; 39,3% doanh nghiệp cho biết có chi trả chi phí không chính thức cho cán bộ thanh, kiểm tra... Đây là số liệu từ Dự án Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2019 của VCCI.
Khi bàn về những con số này, có doanh nghiệp thừa nhận, họ cũng có lỗi khi là một bên tạo nên và kéo dài thực trạng về chi phí không chính thức tại Việt Nam. Nhưng chìa khóa để giải quyết dứt điểm tình trạng này trước hết là hệ thông pháp luật rõ ràng, minh bạch, thống nhất, phù hợp với chi phí tuân thủ thấp.
Đây là mong mỏi và là đề nghị lớn nhất là doanh nghiệp gửi gắm các đại biểu Quốc hội.