Tránh hiện tượng đẩy lỗ, nên kiểm toán theo quý

(ĐTCK) Không ít DN bị đưa vào diện kiểm soát sau khi công bố số lỗ trong quý IV/2008, trong đó có những tên tuổi như REE, TRI, BHS… Nhiều NĐT đặt câu hỏi, vì sao con số lỗ lại tăng đột biến trong quý IV, trong khi các quý trước vẫn báo cáo lãi, cho dù tình hình hai quý khác biệt không quá lớn (ngoại trừ những trường hợp có đầu tư tài chính). Có hay không hiện tượng giấu lỗ, dồn lỗ vào quý cuối năm? ĐTCK đã trao đổi với ông Trần Đình Cường, Tổng giám đốc Công ty Kiểm toán Ernst & Young Việt Nam, kiêm Phó chủ tịch Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam xung quanh vấn đề này.
Ông Trần Đình Cường. Ông Trần Đình Cường.

Ông có nhận xét gì về việc không ít DN công bố con số lỗ rất lớn trong quý IV/2008 vừa qua?

Thực tế, chúng tôi không thực hiện kiểm toán các quý (do quy định hiện nay không bắt buộc DN phải thực hiện) nên chưa thể khẳng định là các DN có dồn lỗ vào cuối năm hay không. Tuy nhiên, cũng không loại trừ khả năng này khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đang tác động mạnh đến Việt Nam. Mặt khác, có quá nhiều khó khăn khách quan ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả hoạt động kinh doanh của các DN trong quý IV vừa qua: sự sụt giảm mạnh của TTCK, giá cả nguyên vật liệu, hàng hóa biến động thất thường, sức cầu thị trường trượt dốc, đồng Việt Nam giảm giá… Tất cả các diễn biến này có thể dẫn đến thua lỗ lớn cho DN, đặc biệt là các DN chưa trích lập đầy đủ dự phòng cho các tổn thất này trong các báo cáo quý đã công bố trước đó.

Đây mới là báo cáo của các công ty tự đưa ra. Vậy sau khi kiểm toán, liệu kết quả có khác hay không, thưa ông?

Trách nhiệm lập báo cáo tài chính (BCTC) trung thực và hợp lý thuộc về DN. Thông thường, khi DN đã công bố BCTC lỗ thì báo cáo sau kiểm toán cũng khó có thể có lãi. Trong bối cảnh thị trường sụt giảm, năm nay cần đặc biệt chú ý đến vấn đề trích lập dự phòng của các DN. Đây là một nội dung luôn có tính rủi ro cao trong nhiều nội dung kiểm toán. Công ty kiểm toán sẽ phải thực hiện các nghiệp vụ một cách thận trọng và khách quan nhất để đánh giá mức độ tổn thất tài sản và tính hợp lý, đầy đủ của các khoản dự phòng mà các DN đã trích lập và báo cáo. Có thể nói, đây là một công việc vô cùng khó khăn, đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế hiện nay khi chưa có đánh giá và dự báo thống nhất về mức độ suy giảm của nền kinh tế thế giới cũng như những ảnh hưởng của nó tới mỗi quốc gia và DN. Do đó, các công ty kiểm toán sẽ phải vô cùng cẩn trọng khi đưa ra các đánh giá chủ quan của mình về mức độ tổn thất tài sản. Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), Hội Kiểm toán viên hành nghề cần chủ động phối hợp, đưa ra hướng dẫn nghiệp vụ kịp thời để đảm bảo tính nhất quán và nghiêm túc của các công ty kiểm toán đối với kết luận kiểm toán của mình.

Ông có thấy điều gì bất cập trong việc quy định công bố BCTC hiện nay?

Theo quy định hiện hành, chỉ có BCTC năm là phải kiểm toán. Theo tôi, cần bắt buộc các DN công bố BCTC quý đã được kiểm toán hoặc soát xét bởi các kiểm toán viên. Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, khi mà giá trị tài sản liên tục sụt giảm, thì điều này đặc biệt quan trọng để tạo niềm tin cho NĐT. Ngoài ra, cũng cần yêu cầu nâng cao chất lượng công tác quản trị DN, kiểm toán nội bộ, trách nhiệm giải trình của các DN niêm yết, đồng thời nâng cao năng lực kiểm tra, giám sát tài chính, báo cáo của các cơ quan quản lý.

Một số DN công bố thông tin, nhưng sau đó lại đính chính. Có vẻ việc xử lý chưa được tốt, thưa ông?

Điều này do nhiều nguyên nhân. Trước hết là do số lượng và tốc độ tăng trưởng của các DN tại Việt Nam rất nhanh, trong khi nguồn nhân lực có chất lượng thiếu hụt nên một số DN chưa thể đảm bảo chất lượng thông tin báo cáo. Thứ hai là do các quy định về kiểm toán, kế toán tài chính chưa được đầy đủ, hoàn thiện và còn thiếu nhất quán. Điều này dẫn đến việc DN diễn giải và hạch toán nghiệp vụ khác nhau, dễ dẫn đến sai sót.

Một nguyên nhân nữa là các quy định về chế tài giám sát, xử lý và xử phạt sai sót không chỉ nhẹ, mà còn chung chung. Các biện pháp xử phạt hành chính chưa đủ răn đe và chưa tác động đến đúng đối tượng. Chẳng hạn, thông tin công bố không chính xác nhưng cơ quan quản lý không xử lý các cá nhân có trách nhiệm công bố thông tin đó, mà xử phạt hành chính cả đơn vị báo cáo. Như vậy, NĐT, các cổ đông nhất là cổ đông nhỏ lẻ chịu hai lần thiệt thòi: bị ảnh hưởng do thông tin không chính xác và xử phạt DN làm ảnh hưởng đến lợi nhuận, uy tín và giá trị của DN.

Dường như vẫn còn thiếu những quy chuẩn về công bố thông tin tài chính kiểm toán đối với DN niêm yết, thưa ông?

Tại nhiều nước hiện nay, các chuẩn mực kế toán do Hội Kiểm toán hoặc Bộ Tài chính ban hành, còn các quy định về kiểm toán DN niêm yết, yêu cầu về BCTC và thuyết minh BCTC, công bố thông tin kiểm toán của các DN niêm yết do UBCK ban hành. Điều này giúp các quy định về kế toán, kiểm toán và báo cáo thông tin đối với các DN niêm yết được điều chỉnh kịp thời và gắn với yêu cầu của thị trường. Do đặc thù ở Việt Nam (UBCK thuộc Bộ Tài chính) nên vẫn chưa đạt được điều này và cần thêm thời gian để hoàn thiện các quy định.

Thanh Đoàn thực hiện.
Thanh Đoàn thực hiện.

Tin cùng chuyên mục