Tranh chấp thương mại Mỹ Trung: Bất động sản công nghiệp Việt Nam hưởng lợi?

(ĐTCK) Tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc hiện chưa có dấu hiệu dừng lại khi hai bên liên tục đưa ra các đợt áp thuế mới.
Việt Nam đang có nhiều tiềm năng ở phân khúc bất động sản công nghiệp. Ảnh: Internet. Việt Nam đang có nhiều tiềm năng ở phân khúc bất động sản công nghiệp. Ảnh: Internet.

Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo Washington sẽ bắt đầu đánh thuế 10% với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ ngày 24/9, phía Trung Quốc cũng cho biết sẽ áp thuế thêm với 60 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ.

Cuộc tranh chấp thậm chí chưa có dấu hiệu dừng lại khi mới đây, Tổng thống Trump đe dọa rằng nếu lần này Trung Quốc trả đũa, Mỹ sẽ "lập tức theo đuổi giai đoạn ba", tức tiếp tục đánh thuế 267 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Điều này có nghĩa là gần như mọi mặt hàng Trung Quốc xuất sang Mỹ đều bị đánh thuế.

Đánh giá về tác động các chính sách thuế của Hoa Kỳ, ông Ryan Severino, Trưởng phòng Kinh tế của JLL cho biết: Thuế quan, cụ thể là hàng rào thuế mà Mỹ áp lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, là một “chi phí tăng thêm nhằm kiềm chế tiêu dùng, từ đó làm giảm nhu cầu về kho bãi để lưu trữ hàng hóa. Dù vậy, động thái này khó có thể kìm lại sự tăng trưởng của bất động sản công nghiệp khi mà ngành thương mại điện tử hiện đang bùng nổ và các công ty công nghệ liên tục săn tìm nhà xưởng.

“Trong quý đầu tiên của năm 2018, tỷ lệ trống của khu công nghiệp tại Trung Quốc giữ mức thấp kỷ lục 4,8%. Ngược lại, hàng rào thuế gần như kéo GDP thực ở Mỹ giảm khoảng 10 điểm phần trăm trong vòng 12 đến 18 tháng tới, kéo theo sự sụt giảm 20 điểm phần trăm về tăng trưởng giá thuê công nghiệp”, Severino nhận định.

Cũng theo chuyên gia của JLL: Sự tăng trưởng giá thuê đất công nghiệp tại Trung Quốc sẽ thúc đẩy Việt Nam trở thành một trong những điểm đến tiếp theo cho các nhà đầu tư, nhờ vào vị trí địa lý thuận lợi với Trung Quốc và chi phí lao động phải chăng

Các báo cáo của JLL cũng chỉ ra rằng: các nhà sản xuất đang tìm cách rời khỏi Trung Quốc nhằm tiết kiệm chi phí sản xuất, theo chiến lược "Trung Quốc +1". Chiến tranh thương mại sẽ thúc đẩy nhiều doanh nghiệp sản xuất lớn đến và thành lập nhà máy mới tại Việt Nam.

Theo bà Nguyễn Huyền Trang, Giám đốc Thị trường JLL Việt Nam: Thương mại điện tử cũng là một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển của bất động sản công nghiệp. Rất có khả năng, đến năm 2020, Việt Nam và Indonesia sẽ trở thành thị trường lớn nhất về thương mại điện tử của khu vực. Do đó, chúng tôi tin rằng, Việt Nam sẽ là trung tâm công nghiệp mới của khu vực.

Đồng quan điểm, ông Greg Ohan, Phó tổng giám đốc Công ty BW Industrial cho biết: Chúng tôi đang nhìn thấy một luồng vốn đầu tư lớn vào bất động sản công nghiệp ở Việt Nam, tương tự như tại Trung Quốc những năm trước đây.

Thành Nguyễn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục