JLL: Việt Nam sẽ là trung tâm công nghiệp mới của Đông Nam Á

(ĐTCK) Báo cáo mới nhất về bất động sản công nghiệp của JLL Việt Nam, lĩnh vực bất động sản công nghiệp Việt Nam có sự tăng trưởng ấn tượng và Việt Nam được kỳ vọng sẽ trở thành trung tâm công nghiệp mới ở Đông Nam Á.
Khu công nghiệp Thăng Long (Hà Nội). Ảnh: Thành Nguyễn. Khu công nghiệp Thăng Long (Hà Nội). Ảnh: Thành Nguyễn.

Theo báo cáo mới của JLL, kể từ khi hình thành khu công nghiệp đầu tiên (Khu công nghiệp Đồng Nai 1 vào năm 1986), với diện tích chỉ khoảng 335 ha, đến nay, cả nước đã có khoảng  80.000 ha đất phục vụ sản xuất công nghiệp trải khắp 3 miền.

Sự tăng trưởng mạnh mẽ của bất động sản công nghiệp được cho là nhờ các yếu tố: Việt Nam đang phát triển ngành kinh tế xuất khẩu; sự phát triển của các khu công nghiệp và kinh tế chuyên biệt và có quy hoạch cụ thể; các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia; tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ.

Theo JLL, ở miền Bắc, lĩnh vực chủ lực là sản xuất, lắp ráp máy tính, cơ điện, các sản phẩm công nghệ cao. Ở miền Trung, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp, chế biến hải sản, ít có các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Còn miền Nam, lĩnh vực chiếm ưu thế là may mặc, hàng tiêu dùng nhanh (hóa, mỹ phẩm).

JLL Việt Nam cũng dự báo, Việt Nam có triển vọng trở thành trung tâm công nghiệp mới ở Đông Nam Á. Cơ sở cho sự tự tin này đến từ các yếu tố: Nền kinh tế đang được định hướng ưu tiên xuất khẩu; sự dịch chuyển trụ sở, nhà máy, văn phòng của nhiều tập đoàn lớn từ Trung Quốc sang Việt Nam; vị trí chiến lược; thị trường Logistics đang chuyển mình tích cực; những cải thiện đáng kể về cơ sở hạ tầng và hiệu ứng tốt của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Theo bà Nguyễn Huyền Trang, Giám đốc Thị trường JLL Việt Nam, bất động sản công nghiệp có chu kỳ phát triển rất rõ ràng, gồm sơ khai, phát triển và trưởng thành. Trong đó, Việt Nam đang ở giai đoạn sơ khai và hứa hẹn sự bùng nổ của loại hình này trong tương lai.

“Thương mại điện tử cũng là một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển của bất động sản công nghiệp. Rất có khả năng, đến năm 2020, Việt Nam và Indonesia sẽ trở thành thị trường lớn nhất về thương mại điện tử của khu vực. Do đó, chúng tôi tin rằng, Việt Nam sẽ là trung tâm công nghiệp mới của khu vực”, bà Trang nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, ông Greg Ohan, Phó tổng giám đốc Công ty BW Industrial cho biết: "Chúng tôi đang nhìn thấy một luồng vốn đầu tư lớn vào bất động sản công nghiệp ở Việt Nam, tương tự như tại Trung Quốc những năm trước đây.

Với ngành công nghiệp hậu cần thì Alibaba đã đầu tư vào Việt Nam qua Lazada, JD đầu tư vào Tiki. Đây là những ví dụ cụ thể cho thấy sự dịch chuyển rõ nét của các Tập đoàn lớn khi ngày càng coi trọng và hướng tới thị trường Việt Nam.

Ngoài ra, nhân tố quan trọng cho sự bùng nổ của bất động sản công nghiệp là dân số đông đến 92 triệu người, hứa hẹn một thị trường tiêu thụ lớn. Chi phí lao động tại Việt Nam cũng hợp lý, có kỹ năng, tay nghề cao.

Bên cạnh đó, những chính sách nội địa tiến bộ, hội nhập, có nhiều ưu đãi về thuế quan cho các doanh nghiệp đầu tư".

Thành Nguyễn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục