Tranh chấp bảo hiểm tàu cá gia tăng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các tranh chấp phát sinh từ hợp đồng bảo hiểm tàu cá có xu hướng tăng những năm gần đây, chủ yếu liên quan tới việc loại trừ trách nhiệm bồi thường, giải thích hợp đồng, thời điểm có hiệu lực và phát sinh nghĩa vụ bồi thường theo hợp đồng, lỗi dẫn đến thiệt hại…
Tranh chấp bảo hiểm tàu cá gia tăng

Nhiều nguyên nhân gây tranh chấp

Mới đây, có ngư dân kiện một công ty bảo hiểm vì không thanh toán tiền bồi thường bảo hiểm tàu cá do tàu bị cháy khi neo đậu với lý do thuộc điều khoản miễn trừ bảo hiểm (không được bảo hiểm). Ngư dân này cho biết, khi mua bảo hiểm chỉ nhận được giấy chứng nhận bảo hiểm, trong giấy chứng nhận bảo hiểm không ghi các điều khoản về miễn trừ bảo hiểm nên không biết và không chịu trách nhiệm.

Còn công ty bảo hiểm cho hay, khi xảy ra cháy, tàu không có thuyền viên, không có chủ tàu nên thuộc trường hợp miễn trừ bảo hiểm theo quy tắc bảo hiểm đã được ban hành và được phê duyệt. Công ty bảo hiểm cũng cho biết, các điều khoản miễn trừ bảo hiểm đã được thể hiện rõ ở quy tắc bảo hiểm, mà quy tắc này đã được hướng dẫn tại buổi tập huấn tại địa phương và ngư dân này cùng nhiều người khác đều tham gia, do đó bên bán bảo hiểm đã làm hết trách nhiệm.

Theo ThS. Nguyễn Văn Dũng, Tòa Dân sự, Tòa án Nhân dân tỉnh Quảng Nam, trong vụ việc này, cần làm rõ một số điểm, đó là nếu bản quy tắc bảo hiểm tại thời điểm ký kết hợp đồng không được cung cấp đính kèm với bộ hợp đồng thì có được xem là một phần của hợp đồng bảo hiểm hay không? Bên mua bảo hiểm được tập huấn, được đọc quy tắc bảo hiểm đó có được xem là chứng cứ chứng minh bên mua đã thỏa thuận, đồng ý các nội dung đã thể hiện trong hợp đồng bảo hiểm không? Hình thức “tập huấn” mà bên bán tổ chức hướng dẫn cho ngư dân tham gia mua bảo hiểm có được xem là việc bên bán đã hướng dẫn rõ ràng, cụ thể các điều khoản trong hợp đồng cho bên mua không?

Không chỉ liên quan tới loại trừ trách nhiệm bồi thường, giải thích hợp đồng…, những vướng mắc về tính tiền lãi bồi thường cũng là yếu tố gây tranh chấp. Trong các vụ án tranh chấp hợp đồng bảo hiểm tàu cá, nguyên đơn thường yêu cầu tính lãi trên số tiền cơ quan bảo hiểm chậm thực hiện nghĩa vụ thanh toán.

Bên cạnh những lợi ích, quá trình thực hiện Nghị định 67/2014 đã và đang phát sinh những bất cập, gây trở ngại cho tính ưu việt của chính sách phát triển thủy sản, ảnh hưởng đến quyền lợi, lòng tin của bà con ngư dân, của doanh nghiệp.

Về vấn đề này, ông Dũng cho biết, Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về lãi, lãi suất, phạt vi phạm nêu rõ: “Trường hợp chậm thực hiện nghĩa vụ về tài sản trong hoặc ngoài hợp đồng khác mà các bên không thỏa thuận về việc trả lãi thì quyết định kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật (đối với các trường hợp cơ quan thi hành án có quyền chủ động ra quyết định thi hành án), hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 357, Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015”.

Thực tiễn xét xử cho thấy, giá trị tranh chấp hợp đồng bảo hiểm tài sản thường rất lớn, thời gian giải quyết vụ án theo thủ tục phúc thẩm có thể kéo dài do phải thu thập nhiều chứng cứ liên quan đến giám định, quản lý hành chính. Có trường hợp bên bán bảo hiểm tìm cách kéo dài thời hạn tố tụng tại cấp phúc thẩm, giám đốc thẩm nên có nhiều vụ án mất từ 6 tháng đến 1 năm, thậm chí dài hơn mới xử phúc thẩm xong.

“Có nhiều vụ án cấp giám đốc thẩm sửa bản án phúc thẩm và tính lại tiền lãi, nhưng nếu tính tiền lãi chậm trả theo hướng dẫn của Nghị quyết 01 thì cấp sơ thẩm chỉ tính lãi đến ngày xét xử sơ thẩm và thời gian xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm không được tính lãi. Hội đồng xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm không được phép sửa kết quả tính lãi của cấp sơ thẩm để tính lại đến ngày xét xử phúc thẩm. Điều này gây thiệt hại cho đương sự và trên thực tế, nhiều đương sự đã khiếu nại về vấn đề này”, ông Dũng thông tin thêm.

Cần sửa đổi quy định

Chính sách phát triển thủy sản theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP đã tác động tích cực đến kinh tế - xã hội của các địa phương vùng biển, hỗ trợ, tạo động lực cho ngư dân bám biển, vươn khơi, vừa phát triển kinh tế, vừa tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo của quốc gia.

Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích, quá trình thực hiện chính sách này đã và đang phát sinh những bất cập, gây trở ngại cho tính ưu việt của chính sách, ảnh hưởng đến quyền lợi, lòng tin của người dân, doanh nghiệp. Các giao dịch bảo hiểm tài sản nói chung, bảo hiểm tàu cá nói riêng ngày một đa dạng, từ đó phát sinh nhiều điểm mới cần được pháp luật điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn.

Theo ông Dũng, Chính phủ và liên ngành tố tụng cấp Trung ương cần tổ chức tổng kết, đánh giá quá trình xây dựng pháp luật về giải quyết các vụ án tranh chấp liên quan đến hợp đồng bảo hiểm tàu cá theo Nghị định 67, xác định các tồn tại, vướng mắc liên quan để có kế hoạch, việc làm chi tiết trong việc sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về thủy sản, giao thông đường thủy nội địa; tiếp tục tạo hành lang pháp lý đủ đúng, đủ mạnh, đủ hiện đại, tạo động lực cho hoạt động kinh doanh bảo hiểm tài sản và hoạt động kinh tế biển phát triển, hội nhập, bảo vệ được quyền lợi chính đáng của người dân, bảo đảm trật tự quản lý khai thác thủy sản, góp phần bảo đảm chủ quyền, an ninh biển đảo.

Cụ thể, bên cạnh đầu tư máy móc, thiết bị tiên tiến cho đơn vị chuyên môn để theo dõi, giám sát hành trình của tàu cá đánh bắt xa bờ, Chính phủ nên bổ sung các quy định về quản lý tàu cá đánh bắt xa bờ hiện nay. Trong đó, bỏ các quy định gây khó khăn, trở ngại cho người dân như thủ tục đề nghị cấp bằng thuyền trưởng, bằng máy trưởng, chứng chỉ chuyên môn..., thay vào đó là quy định cấp bằng, chứng chỉ lâu dài để ngư dân dân yên tâm lao động.

Ngoài ra, bảo đảm các điều kiện khoa học kỹ thuật hiện đại để giao trách nhiệm quản lý, định vị hoạt động tàu cá trên vùng biển Việt Nam cho các cơ quan, đơn vị nhà nước chuyên môn, chỉ quy kết trách nhiệm của chủ tàu cá khi chứng minh được họ cố ý thực hiện hành vi vi phạm pháp luật; rà soát lại các quy tắc bảo hiểm theo hướng chỉ xác định hành vi vi phạm Luật Thủy sản của chủ tàu cá (khai thác ở ngư trường không hợp pháp, không báo tín hiệu hành trình, không lắp đặt thiết bị hành trình…) thì mới không được chi trả bảo hiểm, còn các trường hợp khác bên bán bảo hiểm phải bồi thường bình thường.

“Các cơ quan liên quan như Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông - Vận tải… cần rà lại, sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến trình tự, thủ tục, điều kiện, hình thức, nội dung giao kết hợp đồng bảo hiểm trong kinh doanh bảo hiểm nói chung, bảo hiểm tàu cá nói riêng theo hướng bảo đảm tính thị trường và tính khách quan của giao dịch này, rút ngắn thủ tục, thu gọn và nêu rõ các điều kiện liên quan, bảo đảm khi ngư dân ký kết giao dịch bảo hiểm thì họ biết được, lưu trữ được các điều khoản liên quan đến miễn trừ bảo hiểm”, ông Dũng nói.

Hơn 10 năm thực hiện Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa, nhiều ngư dân đã được hỗ trợ.

Mới đây, ngày 21/11/2023, UBND tỉnh Bình Định đã phê duyệt danh sách đợt 3/2023 các tàu cá được hỗ trợ chi phí nhiên liệu chuyến biển, bảo hiểm thân tàu và bảo hiểm tai nạn thuyền viên. Theo đó, tổng số tàu cá được hỗ trợ trong đợt này là 1.142 tàu (trên tổng số 1.220 hồ sơ xin hỗ trợ); kinh phí hỗ trợ chi phí nhiên liệu chuyến biển là 107,46 tỷ đồng; kinh phí hỗ trợ mua bảo hiểm thân tàu và bảo hiểm tai nạn thuyền viên cho 1.072 tàu với 6.258 thuyền viên (1.072 hồ sơ) là hơn 7,1 tỷ đồng

Diệu Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục