Năm qua, khởi kiện liên quan đến bán bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) gần như không có, nhưng số ca tranh chấp lại rất nhiều. Ông nghĩ sao?
Tuy là chuyên gia về truyền thông bảo hiểm, không phải chuyên về pháp lý, nhưng tôi cũng nhận được nhiều đơn thư về tranh chấp bán bảo hiểm qua ngân hàng và đã tham gia hỗ trợ giúp khách hàng. Năm 2022, chưa bao giờ trên diễn đàn mạng lại phổ biến các phản hồi khách hàng kêu bị nhân viên ngân hàng “dụ” mua bảo hiểm nhiều như thế (đi gửi tiết kiệm trở thành hợp đồng bảo hiểm đầu tư, hay ra vay ngân hàng thì bị “ép” tham gia bảo hiểm mới được vay vốn). Có tuần, ngày nào cũng thấy khách hàng kêu cứu rằng, ra gửi tiết kiệm bị “hô biến” thành hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, được nhân viên ngân hàng tư vấn có lãi suất cao hơn gửi tiết kiệm tại ngân hàng.
Hàng loạt ngân hàng lớn nhỏ, quốc doanh hay tư nhân đều bị gọi tên vào các vụ tranh chấp kiểu này, dù như trên website của Tòa án nhân dân Tối cao không hiển thị vụ khởi kiện nào về bán bảo hiểm qua ngân hàng. Với các hình thức vay tín dụng (bất động sản, mua xe, tài sản…), nhân viên ngân hàng thường yêu cầu khách hàng tham gia bảo hiểm với hợp đồng bảo hiểm từ 20-100 triệu đồng tùy hạn mức cho vay mới được giải ngân hoặc ưu đãi hơn về lãi suất. Tất nhiên, ở đây có sự đồng thuận từ khách hàng, có thể là được lãi suất ưu đãi hơn một chút, hay được duyệt hồ sơ nhanh, được giải ngân sớm.
Mặc dù Ngân hàng Nhà nước liên tục có văn bản yêu cầu các ngân hàng không được yêu cầu khách hàng vay tín dụng phải tham gia bảo hiểm nhân thọ, nhưng đó vẫn là “thỏa thuận” ngầm từ ngân hàng với khách hàng, nên hầu như không có khiếu kiện (khởi kiện ở cấp tòa án) xảy ra.
Còn tranh chấp liên quan đến việc khách hàng đi gửi tiền bị hô biến thành mua bảo hiểm phổ biến hơn cả. Nhân viên ngân hàng tư vấn khách hàng không gửi tiết kiệm nữa, hoặc trích một phần tiền gửi tiết kiệm sang hợp đồng bảo hiểm kết đầu tư, lãi suất cao hơn ngân hàng (từ 12-15%/năm).
Theo phản ánh của khách hàng, khi lãi suất tiền gửi xuống thấp, khoảng 5-7%/năm là lúc dễ chào mời thành hợp đồng bảo hiểm đầu tư nhất?
Có thể thấy, giai đoạn khách hàng “dính” nhiều nhất là đầu năm 2022 (trước đây là năm 2020, 2021) và đây là giai đoạn mặt bằng lãi suất tiền gửi giảm thấp, dao động từ 5-7%/ năm. Tôi đã gặp một số khách hàng từ gửi tiết kiệm thành hợp đồng bảo hiểm 20 triệu, 50 triệu, 100 triệu, 250 triệu và 500 triệu đồng. Phần lớn khách hàng ra gửi tiết kiệm lại biến thành hợp đồng bảo hiểm là do tin tưởng vào nhân viên ngân hàng và chi nhánh ngân hàng đó, hợp đồng bảo hiểm cũng là hợp đồng rất khó hiểu, có giao dịch ký hợp đồng được ký kết trực tuyến nên khách hàng có thể chưa nắm rõ được các quy định.
Một số khách hàng, nhất là những người cao tuổi, chỉ biết đây không phải là gửi tiết kiệm mà là hợp đồng bảo hiểm khi sang kỳ đóng phí bảo hiểm năm thứ 2 mới vỡ lẽ. Nếu khách hàng rút tiền về có thể mất trắng phần phí bảo hiểm cơ bản, phần phí bảo hiểm đóng thêm (khoản đầu tư) có thể sẽ hòa, tăng, hoặc giảm phụ thuộc vào tình hình tài chính và quỹ đầu tư tại thời điểm khách hàng rút ra.
Với hợp đồng bảo hiểm đầu tư (liên kết đơn vị) lãi suất có thực sự tốt hơn gửi tiết kiệm ngân hàng? Nếu khách hàng tham gia từ 5-7 năm có thể hoàn lại vốn và lãi không?
Lỗ lãi còn phụ thuộc vào kỹ thuật và phân bổ phí vào các quỹ tham gia, đặc biệt là sự biến động của thị trường tài chính (cổ phiếu, trái phiếu, tiền gửi…). Với những hợp đồng bảo hiểm nhân thọ liên kết đầu tư, với thời hạn ngắn khoảng 5-7 năm, khách hàng có thể chưa hoàn lại được số tiền đã tham gia ban đầu, có thể lãi hoặc có thể cũng sẽ hòa.
Khi tham gia sản phẩm liên kết đầu tư, không phải lúc nào doanh nghiệp bảo hiểm cũng đảm bảo hoạt động đầu tư luôn đúng và sinh lời. Các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ đưa ra các quỹ đầu tư với mức độ rủi ro khác nhau để khách hàng lựa chọn. Khi quỹ đầu tư hoạt động tốt, khách hàng sẽ là người được hưởng lợi, nhưng ngược lại, khi đơn vị quỹ đầu tư không tăng hoặc giảm mạnh sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi bảo hiểm của khách hàng. Ở đây, ngân hàng chỉ là vai trò trung gian, là kênh phân phối sản phẩm bảo hiểm, không có bất kỳ trách nhiệm nào nếu tiền khách hàng đi đầu tư thông qua hợp đồng bảo hiểm bị giảm.
Theo ông, khách hàng cần làm gì để bảo vệ mình?
Khách hàng cần chủ động ghi âm giao dịch của mình với ngân hàng, cần đọc kỹ hợp đồng bảo hiểm khi được ngân hàng bàn giao… Có thể nhờ người am tường về bảo hiểm phân tích lại hợp đồng. Còn ngân hàng cần sớm lấy lại danh tiếng, nếu kéo dài những tranh chấp kiểu này sẽ bị ảnh hưởng trầm trọng.