Theo hồ sơ, vào ngày 12/12/2018, Tập đoàn Điện lực Việt Nam – EVN phát hành hồ sơ mời thầu gói thầu số 11: mua sắm than nhập khẩu cho chạy thử nghiệm và vận hành nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 mở rộng. Ngày 18/1/2019, Công ty HTK đã ký thỏa thuận liên danh gồm HTK và Công ty Infa Enery.
Thực hiện nghĩa vụ của bên dự thầu, ngày 22/1/2019, Công ty HTK đã được BIDV ban hành bảo lãnh dự thầu với giá trị bảo lãnh 11,2 tỷ đồng. Hiệu lực của bảo lãnh dự thầu là 150 ngày, kể từ ngày đóng thầu, từ ngày 23/1/2019 đến ngày 23/6/2019.
Công ty HTK trúng thầu gói thầu trên. Ngày 14/4/2019, EVN gửi email cho công ty dự thảo hợp đồng cung cấp than, theo đó kế hoạch giao hàng vẫn giữ nguyên như trong hồ sơ mời thầu. Tuy nhiên, sau nhiều lần gặp gỡ, các bên không thống nhất được kế hoạch giao hàng nên EVN và Công ty HTK đã dừng thương thảo hợp đồng.
Đến ngày 22/5/2019, liên danh trả lời EVN về việc không thể cung cấp than theo yêu cầu của kế hoạch giao hàng bởi sự chậm trễ của EVN trong quá trình tổ chức đấu thầu và thông báo kết quả trúng thầu.
Một ngày sau, tức ngày 23/5/2019, BIDV gửi công văn đến Công ty HTK với nội dung: “Do EVN khiếu nại việc Công ty HTK vi phạm việc hoàn thiện hợp đồng, đồng thời đề nghị BIDV chuyển tiền bảo lãnh dự thầu cho EVN”.
Thời gian này, Công ty HTK nhiều lần gửi văn bản phản đối khiếu nại của EVN. Đến ngày 18/6/2019, EVN mới gửi thông báo kết quả đấu thầu gói thầu số 11. Do đó, HTK gửi công văn thể hiện ý kiến về việc bảo lãnh dự thầu, đề nghị EVN phản hồi trước 11/10/2019. Quá thời gian trên, HTK sẽ khởi kiện tại VIAC.
Ngày 18/10/2019, HTK khởi kiện EVN tại Viac Việt Nam. Ngày 1/11/2019, BIDV thông báo về việc ngân hàng đã trích nợ tài khoản công ty để thanh toán bảo lãnh dự thầu cho EVN. Do đó, HTK khởi kiện, buộc EVN phải thanh toán tiền bảo lãnh dự thầu là 11,2 tỷ đồng, phí tư vấn pháp lý là 120 triệu đồng, phí trọng tài là 437 triệu đồng và lãi suất 1,1 tỷ đồng.
Xem xét yêu cầu của HTK, ngày 1/12/2020, Hội đồng trọng tài VIAC đã không chấp nhận các nội dung trên. HTK tiếp tục kháng cáo lên TAND TP Hà Nội, yêu cầu hủy phán quyết trên.
Theo HTK, phán quyết trọng tài không căn cứ vào quy định của pháp luật đấu thầu. Theo đó, EVN đã chậm trễ trong việc đánh giá hồ sơ dự thầu, không tuân thủ thời hạn đánh giá hồ sơ dự thầu. Việc chậm trễ này khiến HTK không còn hàng để cấp cho EVN theo lịch đã thống nhất.
HTK cũng cho rằng, Hội đồng trọng tài không tôn trọng ý chí của các bên vì cho rằng HTK đưa ra lịch giao hàng mới không phù hợp với hồ sơ mời thầu và cam kết trong hồ sơ dự thầu (không tuân theo kế hoạch chạy thử của nhà máy). Nhưng theo HTK, EVN không nhắc nhở/yêu cầu HTK tuân thủ kế hoạch chạy thử của nhà máy. HTK cho rằng, EVN không tuân thủ kế hoạch chạy thử nhà máy.
EVN khẳng định: “ý chí xuyên suốt của EVN trong toàn bộ quá trình đấu thầu, thương thảo hợp đồng là nhà thầu phải cung cấp than phù hợp với kế hoạch chạy thử nghiệm của nhà máy và phù hợp với các cam kết về cấp than đã được nhà thầu đề xuất trong hồ sơ dự thầu. Nhưng HTK đã tuyên bố không thể cấp được than theo thời gian đã đề xuất, đề xuất kế hoạch cấp than mới nằm ngoài thời gian yêu cầu của hồ sơ mời thầu và hồ sơ dự thầu”.
Hội đồng xét đơn cho rằng, phán quyết trọng tài đã xem xét đầy đủ các bản ý kiến, bản tự bảo vệ của các bên và viện dẫn, áp dụng Luật Đấu thầu, Bộ luật Tố tụng dân sự để giải quyết vụ việc. Tòa án không xét xử lại nội dung tranh chấp. Phán quyết trọng tài không vi phạm nên yêu cầu của HTK là không có cơ sở.