Tránh “blacklist” tại CIC

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ông Đỗ Hoàng Phong, nguyên Tổng giám đốc Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) khuyến cáo, các cá nhân vay vốn thường xuyên phải kiểm tra thông tin tín dụng của mình để tránh những rủi ro không đáng có.
Ông Đỗ Hoàng Phong, nguyên Tổng giám đốc Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) Ông Đỗ Hoàng Phong, nguyên Tổng giám đốc Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC)

Có một thực tế là không ít khách hàng cá nhân có “sức khỏe” tài chính tốt, nhưng chỉ vì quên thanh toán một khoản nợ nhỏ của thẻ tín dụng rồi “bị” chuyển thông tin nợ xấu lên CIC. Sau đó, khi khách hàng này có nhu cầu vay vốn thì thủ tục đều rất khó khăn với lịch sử vay nợ đã từng xuất hiện nợ xấu. Ông bình luận gì về câu chuyện này?

Thực tế, có nhiều khách hàng cá nhân vì quên thanh toán gốc/lãi để xảy ra nợ xấu. Khi đó, khách hàng cho rằng, với một khoản tiền nhỏ thì việc thanh toán chậm cũng không ảnh hưởng gì đến lịch sử tín dụng của mình vì mình đang có tình hình tài chính tốt.

Tuy nhiên, khi phân loại nhóm nợ, tổ chức tín dụng (TCTD) sẽ căn cứ vào việc khách hàng thực hiện các cam kết trả nợ đúng hạn bất kể với số tiền dư nợ nhỏ hay lớn. Do đó, dù là khoản nợ nhỏ, nếu khách hàng không tuân thủ cam kết trả nợ vẫn bị xếp vào nhóm nợ xấu. Để hạn chế vấn đề này trong giao dịch thẻ, TCTD đã có nhiều công cụ để giúp khách hàng không quên việc thanh toán gốc/lãi như gửi sớm sao kê hàng tháng (trong đó nêu rõ số tiền phải trả, số tiền thanh toán tối thiểu, thời hạn thanh toán cuối cùng…); gửi tin nhắn nhắc thanh toán khi gần đến ngày thanh toán; mở chế độ thanh toán tự động cho các khoản chi tiêu thẻ…

Với khách hàng có lịch sử tín dụng không tốt thì có thể bị hạn chế trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng tại các TCTD. Bên cạnh đó, điểm tín dụng giữ vai trò ngày càng quan trọng đối với một cá nhân, không chỉ là căn cứ để các TCTD ra quyết định cung cấp khoản tín dụng, mà còn có thể ảnh hưởng tới cơ hội đầu tư, việc tuyển dụng, xét visa du học… Do vậy, khách hàng khi sử dụng các dịch vụ tài chính cần lưu ý thực hiện đúng các cam kết với TCTD và có ý thức trong việc trả nợ đúng hạn.

Việc CIC cung cấp thông tin tiêu cực của khách hàng vay từ 12 tháng đến 5 năm, những khách hàng cá nhân cho rằng đây là “mức phạt” tương đối nặng để lấy lại lòng tin của người cho vay và mong muốn thời gian này thu hẹp lại. Ông có thể cho biết kinh nghiệm quốc tế về việc này như thế nào? Quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?

Theo Bộ hướng dẫn Các quy tắc chung về báo cáo tín dụng của Ngân hàng Thế giới (WB), để đảm bảo thông tin tín dụng có chiều sâu, hỗ trợ đầy đủ, chính xác và trung thực cho các đơn vị cho vay, dữ liệu về lịch sử tín dụng tại cơ quan thông tin tín dụng phải được lưu trữ và được cung cấp ít nhất trong 2 năm, thậm chí có thể kéo dài tối đa là 10 năm. Tại các nước như Anh, Mỹ, Canada…, thông tin tiêu cực được lưu với thời gian trung bình 7 năm.

Hiện tại, thông tin tiêu cực về khách hàng vay được CIC sử dụng để tạo lập sản phẩm thông tin tín dụng theo thời gian tối đa 5 năm theo đúng quy định tại Thông tư 03/2013/TT-NHNN. Như vậy, thời hạn lưu trữ, sử dụng thông tin lịch sử nợ xấu tại CIC là đảm bảo tuân thủ quy định hiện hành và phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, cũng như giúp các ngân hàng đánh giá kỹ lưỡng hành vi thanh toán nợ trong quá khứ của khách hàng.

Tuy nhiên, các tiêu chí xét duyệt trong quá trình cấp tín dụng tùy thuộc vào khẩu vị rủi ro của mỗi TCTD. Các thông tin tín dụng của khách hàng tại CIC là một trong các thông tin để tham khảo, chứ không quyết định việc cho vay của TCTD.

Hiện tại, có nhiều quảng cáo về “dịch vụ” xóa nợ xấu tại CIC, theo đó, khách hàng có thể trả phí để được nhanh chóng xóa nợ xấu tại CIC. Ông có ý kiến gì về thông tin này?

Trước hết, tôi xin khẳng định, không có một cơ chế nào về việc xóa nợ xấu tại CIC, không có bất kỳ một tổ chức hay cá nhân nào có thể thực hiện được việc này. Tất cả các thông tin của khách hàng tại CIC được cập nhật/lưu trữ trung thực, khách quan đúng theo các thông tin được các TCTD báo cáo. CIC hay bất kỳ tổ chức/cá nhân nào đều không được phép tự ý điều chỉnh các thông tin này.

Các trường hợp cần điều chỉnh dữ liệu của khách hàng (trong trường hợp có sai sót, nhầm lẫn) tại CIC đều phải tuân thủ những quy trình chặt chẽ theo quy định tại Thông tư 03/2013/TT-NHNN ngày 28/1/2013 về hoạt động thông tin tín dụng của Ngân hàng Nhà nước và các quy định nội bộ của CIC. Theo đó, CIC chỉ điều chỉnh dữ liệu của khách hàng khi nhận được văn bản yêu cầu từ TCTD (do tổng giám đốc hoặc người được ủy quyền ký), trong đó nêu rõ lý do sai sót. Ngoài ra, không có bất cứ một “cơ chế” xoá nợ xấu, điều chỉnh nhóm nợ nào khác. Khách hàng cần đặc biệt cẩn trọng với các hình thức “xóa nợ” lừa đảo đang được quảng cáo hiện nay để không bị mất tiền oan cho các dịch vụ này.

Như ông đã khẳng định, không có “cơ chế” cho việc xóa nợ xấu, vậy khách hàng có thể làm gì để hạn chế rơi vào tình trạng nợ xấu, đồng thời cải thiện điểm tín dụng của mình?

Để có thể thực hiện nghĩa vụ vay trả nợ đúng hạn, tránh phát sinh các khoản nợ xấu, duy trì và cải thiện điểm tín dụng, mỗi khách hàng nên có ý thức kiểm soát hành vi tiêu dùng tài chính của mình. Điều này cũng có nghĩa là khách hàng cần thực hiện đúng trách nhiệm trả nợ đối với các TCTD. CIC đưa ra một số tiêu chí, định hướng cho khách hàng tham khảo để có thể nâng cao được điểm số tín dụng của mình, tiếp cận tín dụng thuận lợi hơn tại các TCTD như sau:

- Chỉ vay vốn/mở thẻ tín dụng khi thực sự cần thiết và tính toán kỹ khả năng trả nợ dựa trên thu nhập thực tế. Có kế hoạch trả nợ đầy đủ và đúng hạn: Luôn cân nhắc về khả năng tài chính để hoạch định kế hoạch chi tiêu nhằm trả nợ đủ và đúng thời gian; luôn có ý thức trả nợ, dù là khoản nợ nhỏ (có thể sử dụng các công cụ nhắc nợ tự động như phần mềm ghi nhớ trên điện thoại).

- Thường xuyên kiểm tra thông tin tín dụng của bản thân để giám sát thông tin và mức độ tín nhiệm, tránh bị kẻ gian lợi dụng, có phương án xử lý nếu phát hiện thông tin của mình chưa chính xác. Khi có nhiều khoản nợ cùng lúc, khách hàng nên cố gắng chi trả dần số dư nợ hiện tại, không nên phát sinh thêm nhiều khoản nợ mới, đặc biệt là nợ tín chấp, nợ vay tiêu dùng.

Trong trường hợp khách hàng có nợ xấu nhưng nguyên nhân không phải do khách hàng mà là nhầm lẫn từ TCTD, khách hàng sẽ được bảo vệ quyền lợi như thế nào?

Theo Thông tư 03/2013/TT-NHNN, trong trường hợp phát hiện thông tin tín dụng về bản thân có sai sót, khách hàng vay có quyền đề nghị TCTD hoặc CIC kiểm tra, điều chỉnh lại thông tin. Căn cứ vào thông tin khách hàng cung cấp, TCTD và CIC có trách nhiệm kiểm tra, xác minh thông tin, giải quyết khiếu nại và thông tin lại cho khách hàng. Trong quá trình này, khách hàng phải có nghĩa vụ cung cấp đầy đủ, trung thực thông tin tín dụng cho CIC và các TCTD.

CIC cũng hỗ trợ khách hàng liên hệ trực tiếp với TCTD để kiểm tra soát xét điều chỉnh thông tin của khách hàng. CIC chỉ có thể điều chỉnh thông tin tín dụng của khách hàng trong trường hợp TCTD gửi văn bản đề nghị điều chỉnh thông tin sai sót.

Nếu thông tin tín dụng bị sai sót gây bất lợi cho khách hàng vay, CIC sẽ gửi thông báo đính chính sai sót cho các TCTD. Khi nhận được thông báo đính chính sai sót, TCTD phải xem xét lại quyết định cấp tín dụng. Trong thời hạn 2 ngày làm việc kể từ khi có kết quả giải quyết khiếu nại, khách hàng vay sẽ nhận thông báo về kết quả của mình.

Một số khách hàng gần đây phản ánh tình trạng “bỗng dưng” vướng vào nợ xấu dù không có giao dịch gì với ngân hàng. Đâu là nguyên nhân của tình trạng này và CIC có lời khuyên gì để phòng tránh?

Trường hợp phát sinh nợ xấu dù khách hàng không có giao dịch gì với ngân hàng có thể do 2 nguyên nhân. Một là do nhầm lẫn, sai sót trong quá trình cập nhật, xử lý dữ liệu của TCTD. Về việc này, tôi đã đề cập và khuyến nghị ở trên.

Hai là do bất cẩn từ phía khách hàng trong việc bảo vệ thông tin cá nhân. Khách hàng có thể đã đưa giấy tờ quan trọng của mình cho người quen mượn, cho người khác cầm và sử dụng thẻ tín dụng, để người khác ký hộ hồ sơ… Thậm chí, nhiều khách hàng chỉ cần vô tình đăng nhập vào trang web lạ cũng có thể khiến kẻ gian lấy được các thông tin cá nhân quan trọng nhằm lợi dụng đánh cắp danh tính.

Vì thế, để chủ động bảo vệ bản thân trước những tình huống gian lận, khách hàng nên tuân thủ chặt chẽ các biện pháp bảo mật thông tin cá nhân. Khách hàng tuyệt đối không cung cấp giấy tờ tùy thân, thẻ tín dụng, thông tin tài khoản, mật khẩu tài khoản đăng nhập cho người khác. Khách hàng tuyệt đối không truy cập các đường link, liên kết trong tin nhắn/email lạ hoặc không rõ nguồn gốc.

Bên cạnh đó, khách hàng dù không vay hay đã vay cũng nên chủ động kiểm tra thông tin tín dụng của bản thân định kỳ tại website cic.gov.vn hoặc ứng dụng “CIC credit connect” của CIC để đảm bảo thông tin tín dụng của mình chính xác. Cuối cùng, nếu thấy thông tin của mình chưa chính xác thì khách hàng cần báo ngay cho CIC và TCTD nơi giao dịch để phối hợp kiểm tra, xử lý kịp thời.

Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều thông tư quy định về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, CIC đã thực hiện hỗ trợ các TCTD như thế nào trong quá trình thực hiện các thông tư này cũng như có những chính sách gì để chia sẻ khó khăn với TCTD và khách hàng?

Như chúng ta đã biết, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 quy định việc TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng dịch và các Thông tư số 03/2021/TT-NHNN ngày 2/4/2021, Thông tư 14/2021/TT-NHNN ngày 7/9/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 01/2020. Ngay sau đó, CIC đã phối hợp chặt chẽ trong việc hỗ trợ/hướng dẫn các TCTD báo cáo, cập nhật kịp thời thông tin theo yêu cầu điều chỉnh dữ liệu của các TCTD.

Đồng thời, thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, ứng phó với dịch Covid-19, CIC đã ban hành nhiều chính sách giảm giá để hỗ trợ các TCTD như Quyết định số 42/QĐ-TTTD thực hiện giảm phí khai thác thông tin tín dụng từ 5-20% trên tổng số tiền thanh toán hàng tháng trong thời gian từ 1/1/2020 đến hết ngày 30/4/2020 theo nguyên tắc mức khai thác càng nhiều, tỷ lệ giảm càng lớn; các quyết định quy định việc áp dụng mức chiết khấu 50% trên tổng số tiền phải thanh toán hàng tháng của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam trong thời gian từ 1/3/2020 đến 31/12/2021. Việc giảm phí khai thác thông tin tín dụng của CIC là căn cứ để TCTD có thể giảm chi phí hoạt động, từ đó giảm lãi suất cho khách hàng.

Bên cạnh đó, CIC tiến hành cung cấp hoàn toàn miễn phí khai thác báo cáo quan hệ tín dụng khách hàng cho Ngân hàng Chính sách xã hội để phục vụ cho vay doanh nghiệp trả lương người lao động bị ngừng việc do dịch theo Nghị quyết số 154/NQ-CP của Chính phủ, Quyết định số 32/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Hồng Dung thực hiện.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục