Phải trả giá quá đắt
Cuối ngày 18/11, giá vàng miếng SJC vẫn neo mức cao trên 61 triệu đồng/lượng khi niêm yết giá mua - bán ở mức 61-61,75 triệu đồng/lượng.
Nhưng điều đáng quan tâm là quy đổi theo tỷ giá Vietcombank, hiện mỗi lượng vàng miếng SJC vẫn cao hơn thế giới gần 10,7 triệu đồng/lượng (chưa bao gồm thuế, phí).
Như vậy, nếu mua vàng trong lúc này người dân và nhà đầu tư trong nước phải trả đắt hơn gần 11 triệu đồng cho một lượng vàng miếng SJC nên khá rủi ro. Đó cũng là lý do nhiều người chán vàng chuyển sang chứng khoán, bất động sản.
Nhu cầu vàng của Việt Nam trong quý III/2021 theo thống kê của Hội đồng vàng thế giới (WGC) giảm 50% so với cùng kỳ năm 2020.
Một phần do ảnh hưởng của làn sóng Covid thứ 4 ở Việt Nam, nhưng cũng không loại trừ nguồn tiền từ vàng đã chuyển sang cổ phiếu khi thị trường này tăng mạnh thời gian qua.
Giao dịch vàng trong nước cũng không mấy sôi động, nhất là ở khu vực TP.HCM khi dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. Các cửa hàng kinh doanh vàng vắng khác.
Thực tế, mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế đã lên mức khá cao trong thời gian dài vừa qua. Kể từ khi đại dịch Covid-19 xảy ra tháng 3/2021 đến nay, Việt Nam kiểm soát đường biên nên vàng lậu khó có thể chảy mạnh vào thị trường trong nước.
Tuy nhiên, theo nhận định của giới phân tích trong lĩnh vực vàng nếu giá vàng quá đắt so với với thế và khoảng cách ngày càng giãn rộng trên 10 triệu đồng/lượng thì khó tránh được vàng lậu vào thị trường.
Điều này được cho là không chỉ thiệt cho người mua vàng trong nước mà khó chặn được tình trạng nhập lậu vàng gia tăng để "ăn" chênh lệch và ngoại tệ bị chảy máu.
Theo ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch SJC Phú Thọ, sở dĩ giá vàng miếng SJC trong nước cao hơn thế giới chủ yếu do bất cân xứng cung-cầu trong nước khi thị trường vàng trong nước và thế giới không được thông nhau, do không cho xuất nhập vàng theo quy định của Nghị định 24/2012/NĐ-CP.
Trong khi đó, việc cho nhập vàng nguyên liệu để sản xuất vàng nữ trang trong nước cũng chưa được NHNN cho phép trở lại như trước đây.
Rủi ro lướt "sóng" vàng
Không chỉ mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới tăng cao mà trước diễn biến giá vàng thế giới tăng, các nhà kinh doanh vàng kéo giãn biên độ niêm yết giữa giá mua - bán từ 700.000 - 1 triệu đồng/lượng, thậm chí lên 3 - 4,7 triệu đồng/lượng khi vàng tăng lên 2.087 USD/ounce vào tháng 8/2021.
Một phần do cung vàng miếng SJC ở thị trường nội địa có phần hạn chế (do NHNN hạn chế quota dập vàng SJC và độc quyền nhãn hiệu vàng SJC). Chính các yếu tố trên khiến những người mua vàng lỗ nặng và kể cả mua khi giá thấp, bán ra giá cao cũng không lời được bao nhiêu. Đó là chưa kể những người “nóng lòng” mua vàng ở mức đỉnh rồi nhanh chóng cắt lỗ khi vàng đảo chiều.
Trước hiện tượng vàng trong nước cao hơn giá quốc tế Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam mới đây cũng đã có kiến nghị lên NHNN cần sửa đổi Nghị định 24, vì nghị định này đã ra đời cách đây khoảng 10 năm nên cần có điều chỉnh để phù hợp hơn với thực tế thị trường. Ngoài ra, Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thế giới nên cần có sửa đổi để phù hợp với việc quản lý, điều hành thị trường vàng trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, cũng cần thành lập sàn giao dịch vàng, bởi hiện nay các kênh đầu tư khác đã có sàn giao dịch, trong khi vàng chưa có.
Ông Huỳnh Trung Khánh, Cố vấn cấp cao Hội đồng vàng thế giới tại Singapore, Indonesia và Việt Nam cho rằng, nhà đầu tư trong nước không thể coi vàng là kênh đầu cơ, lướt sóng như một số kênh đầu tư khác trong bối cảnh thị trường vàng trong nước không liên thông với quốc tế và chênh lệch giá trên 10 triệu đồng/lượng.
Theo ông Khánh, thanh khoản của vàng cao và đầu tư vào vàng cũng chỉ cần nguồn vốn vừa phải là có thể kiếm được lợi nhuận, nếu giá vàng trong nước và quốc tế liên thông nhau. Bởi thực tế, giá vàng tăng không dưới 15% mỗi năm và cao hơn nhiều nếu lạm phát tăng.