Giảm dần sự lệ thuộc vào “bộ đệm” chống đỡ rủi ro
Tính đến hết quý III/2021, tổng chi phí dự phòng rủi ro của các ngân hàng đạt 31.000 tỷ đồng (giảm 9% so với quý liền trước, nhưng tăng 28% so với cùng kỳ 2020), chủ yếu do các ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao như Vietcombank, MBBank, Techcombank… giảm trích lập dự phòng .
Cụ thể, Vietcombank có tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) đến cuối quý III/2021 đạt 243% (giảm 109 điểm phần trăm so với quý trước, nhưng tăng 28 điểm phần trăm so với cùng kỳ 2020), mức cao nhất ngành. Cũng nhờ giảm dự phòng mà lợi nhuận quý III/2021 của Vietcombank tăng mạnh so với quý trước và điều này cho thấy rằng, tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao giúp ngân hàng có được sự linh hoạt trong việc giảm dự phòng, từ đó thúc đẩy lợi nhuận tăng lên mà không làm giảm chất lượng tài sản.
Tương tự, tính đến cuối tháng 9/2021, nợ xấu tại Techcombank tăng 41% so với đầu năm, lên mức 1.829 tỷ đồng, nhưng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm 9% khi chỉ trích lập 2.037 tỷ đồng. Dù vậy, tỷ lệ bao phủ nợ xấu vào cuối quý III/2021 vẫn ở mức cao, đạt 184% (giảm so với mức 259% vào cuối quý II/2021, nhưng vẫn cao hơn mức 148% của cùng kỳ 2020).
“Các ngân hàng trên đều là những ngân hàng có chất lượng tài sản tốt với tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao, vì vậy, việc giảm dự phòng trong quý III/2021 không phải là điều quá ngạc nhiên. Trong khi đó, các ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu thấp đã tăng dự phòng trong quý này. Đây là một chiến lược thận trọng khi xét đến quy mô tài sản bị tác động bởi Covid-19 của các ngân hàng”, một chuyên gia phân tích nhận định.
Tại Đại hội đồng cổ đông bất thường tổ chức đầu tháng 11 này, ông Trần Minh Bình, Chủ tịch HĐQT VietinBank cho biết, ngân hàng này sẽ tăng tỷ lệ bao phủ nợ xấu từ mức 119% vào cuối quý III/2021 lên mức 169% trong những tháng cuối năm, đồng thời tăng chi phí dự phòng rủi ro từ 14.000 tỷ đồng lên khoảng 17.000 tỷ đồng.
Lý giải cho quyết định này, ông Bình cho hay, chi phí dự phòng đảm bảo cho các khoản nợ xấu phát sinh do dịch Covid-19 không chỉ là tăng sự thận trọng, mà còn là bộ đệm dự phòng cho những biến cố có thể xảy ra trong năm 2022. Báo cáo tài chính quý III/2021 của VietinBank cho thấy, tính đến 30/9/2021, dự phòng rủi ro cho vay khách hàng đạt 21.500 tỷ đồng, tăng 8.900 tỷ đồng (tương đương tăng 71%) so với đầu năm.
Chi phí dự phòng rủi ro cho vay trích lập trong 9 tháng đầu năm 2021 là 14.000 tỷ đồng, tăng 2.500 tỷ đồng (tương đương tăng 22%) so với cùng kỳ năm 2020, trong riêng quý III/2021 trích lập 5.500 tỷ đồng. VietinBank đẩy mạnh trích lập dự phòng khi tỷ lệ nợ xấu tăng lên 1,67% - mức cao nhất trong 4 quý gần đây.
Còn tại ACB, số dư nợ xấu tại thời điểm cuối tháng 9/2021 là hơn 2.790 tỷ đồng, tăng 52% so với đầu năm, kéo tỷ lệ nợ xấu tăng từ 0,6% lên 0,8%, nhưng vẫn ở mức thấp so với toàn ngành. ACB đã trích lập hơn 2.000 tỷ đồng để dự phòng cho các khoản nợ xấu tái cơ cấu cho khách hàng ảnh hưởng dịch và tỷ lệ bao phủ nợ xấu được đẩy lên mức 195%.
Tổng nợ xấu của LienVietPostBank đến cuối quý III/2021 tăng 10% so với đầu năm, lên hơn 2.700 tỷ đồng, trong đó tăng mạnh nhất là nợ nghi ngờ, gấp 2,7 lần đầu năm. Mặc dù vậy, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay giảm nhẹ từ mức 1,43% đầu năm xuống 1,42%, lý do bởi trong quý III/2021, ngân hàng này trích lập hơn 271 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng, tăng mạnh 157% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, LienVietPostBank dành hơn 887 tỷ đồng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng, tăng 176% so với cùng kỳ năm 2020.
Theo Thông tư 14/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung Thông tư 01/2020/TT-NHNN và Thông tư 03/2021/TT-NHNN quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng dịch Covid-19, các ngân hàng bắt buộc phải trích 30% dự phòng phần dư nợ tái cơ cấu vào cuối năm 2021 và 100% trong 2 năm tới. Điều này có nghĩa, gánh nặng trích lập dự phòng nợ xấu không vơi đi, hay nói cách khác, nếu nợ xấu càng nhiều thì gánh nặng trích lập sẽ càng lớn.
Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, TS. Vũ Đình Ánh - chuyên gia kinh tế cảnh báo, thực trạng nợ xấu của các tổ chức tín dụng vẫn chưa bộc lộ hết do đang được phép cơ cấu và giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng bị ảnh hưởng dịch theo Thông tư 14/2021. Ngân hàng Nhà nước dự báo, đến cuối năm nay, tỷ lệ nợ xấu nội bảng có thể tăng lên 2-3%, còn tính cả nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý cùng nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu thì tỷ lệ này có thể lên tới gần 8% tổng dư nợ.
“Theo đó, các tổ chức tín dụng sẽ nắm giữ không dưới 200.000 tỷ đồng tài sản đảm bảo liên quan đến nợ xấu cần xử lý”, TS. Ánh nói.
Cần một lộ trình giảm dần giãn, hoãn nợ
Liên quan đến các biện pháp giãn, hoãn nợ cho khách hàng, trong cuộc trao đổi với phóng viên, bà Katia D’Hulster - chuyên gia chính về lĩnh vực tài chính và ông Ruth Neyens - chuyên gia tư vấn cấp cao thuộc Ngân hàng Thế giới (WB) cùng đưa ra nhận định, chính sách này là cần thiết, giúp ngăn chặn sự suy giảm quá mức về nợ xấu gia tăng cũng như khả năng sinh lời của các ngân hàng, nhưng cũng làm che mờ các chỉ số tài chính đang suy yếu của lĩnh vực ngân hàng. Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, vốn là hành động chính trong các chính sách ứng phó với Covid-19 của ngành ngân hàng Việt Nam và quốc tế, chủ yếu tập trung vào hoãn hoặc lùi các khoản thanh toán gốc và/hoặc lãi cho người vay vốn đến một thời điểm trong tương lai.
Chuyên gia WB cho rằng, các biện pháp cứu trợ tạm thời giúp những người đi vay có khả năng giải quyết khó khăn trong khoảng thời gian ngắn, cho phép ngân hàng tiếp tục phân loại khoản vay là “đang hoạt động” trong một thời gian nhất định, thay vì báo cáo là “nợ xấu”, “nợ khó đòi”. Điều này tránh cho ngân hàng phải thực hiện các biện pháp pháp lý để thực thi các quyền và biện pháp khắc phục hậu quả hợp pháp của mình, trì hoãn việc trích lập dự phòng, hỗ trợ ngân hàng duy trì tín dụng cho nền kinh tế thực, giúp hệ thống ngân hàng và thị trường đối phó với một yếu tố bất thường như đại dịch.
Cũng theo chuyên gia WB, việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ là một công cụ chính sách linh hoạt, có thể giúp bên vay vốn phục hồi hoạt động sản xuất - kinh doanh sau thời gian dài bị gián đoạn do dịch. Tuy nhiên, để thực thi biện pháp này thành công, cần xác định rằng, khoản cứu trợ chỉ được cấp trong một thời gian nhất định và chỉ dành cho những khách vay đủ tiêu chuẩn. Đồng thời, việc phân loại và trích lập dự phòng thích hợp cần được tiếp tục thực hiện đối với những người đi vay không đủ khả năng thanh toán, những người không có khả năng trả nợ theo các điều kiện thương mại thông thường.
“Sự kiểm soát chặt chẽ của cơ quan thanh tra - giám sát là điều cần thiết để đảm bảo các biện pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ đạt được mục tiêu”, chuyên gia WB nói, đồng thời nhấn mạnh: “Một trong những thách thức lớn nhất là đưa ra quyết định khi nào sẽ chấm dứt biện pháp hỗ trợ tạm thời và chấm dứt bằng cách nào. Cần thận trọng cân đối giữa các ưu tiên và phán đoán để xác định thời điểm chấm dứt biện pháp hỗ trợ một cách phù hợp, để vừa đảm bảo tiếp tục cấp tín dụng hỗ trợ khách hàng phục hồi hoạt động sản xuất - kinh doanh, vừa tránh việc mất niềm tin vào chính sách cũng như gia tăng rủi ro hệ thống do nợ xấu tích tụ”.
Cũng trong vấn đề có liên quan, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế nêu quan điểm: “Khó khăn lớn nhất trong năm 2022 có thể đến từ việc Ngân hàng Nhà nước nhiều khả năng kéo dài Thông tư 14/2201 đến hết năm, thay vì chỉ đến giữa năm như kế hoạch và như vậy cũng tích tụ thêm rủi ro cho ngành ngân hàng…, cho nên cần có một lộ trình giảm dần giãn, hoãn nợ cụ thể”.