Đủ chiêu khuyến mại
Theo khảo sát của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, các nhà phân phối mặt hàng nội thất thường chọn các sự kiện, ngày kỷ niệm trong năm như 20/10, 8/3, 20/11… để “lấy cớ” mở các chương trình khuyến mại, thu hút khách hàng đến với sản phẩm của mình. Thậm chí, khoảng từ 5 năm trở lại đây, nhiều nhà phân phối đã “ngoại lai” những ngày kỷ niệm trên thế giới để bán hàng như: Halloween (ngày hội hóa trang), Black Friday (thứ Sáu đen…
Tuy nhiên, các chiêu đưa ra vẫn chủ yếu là hạ giá, tăng khuyến mại, tặng kèm bộ sản phẩm hoặc tặng các dịch vụ chăm sóc, hậu mãi…
Chỉ cần gõ cụm từ “khuyến mại hàng nội thất” trên Google, chỉ trong vòng 0,50 giây, đã có gần 45 triệu kết quả tìm kiếm từ các nhãn hàng nội thất như PTCasa, Hùng Túy, Nội Thất Xinh, Cozy… với đủ các loại sản phẩm từ hàng bình dân rẻ tiền, đến hàng sang trọng giá hàng trăm, thậm chí cả tỷ đồng.
Mới đây, trong 3 ngày 27, 28 và 29/11, thương hiệu nội thất PTCasa tại cả 2 cơ sở là 177 Cầu Diễn và 324 Cầu Giấy đã đưa ra nhiều hình thức khuyến mại “khủng” cho khách hàng thân thiết. Theo đó, giảm 20%, áp dụng cho tất cả các sản phẩm đang có mặt tại cả 2 showroom, gồm các thiết bị nội thất, vật liệu xây dựng và trang trí nội thất.
Người viết cũng được các nhân viên của hãng nội thất này liên hệ nhiều lần với lời mời gọi đến mua sản phẩm nhân dịp khuyến mại, giá chiết khấu cao, dịch vụ chăm sóc tận tình.
Không chỉ PTCasa, một ông lớn khác trong làng nội thất Thủ đô là Hùng Túy cũng đang chạy chương trình khuyến mại khủng, giảm đến 40% và tặng kèm phiếu mua hàng giá trị lớn từ 25/11/2018 đến 31/1/2019. Hãng Nội Thất Xinh cũng “tung chiêu” thu hút khách hàng với các sản phẩm khuyến mại từ 15 - 20% và tặng kèm các dịch vụ chăm sóc khách hàng với các loại sản phẩm nội thất như sofa, nội thất bếp, bàn ăn…
Hàng loạt các hãng nội thất “tung chiêu” khuyến mại để câu khách
Cũng trào lưu giảm giá này, tại TP.HCM, hãng nội thất Cozy thậm chí còn giảm giá từ 30 - 70% cho các sản phẩm nội thất sofa, giường, nội thất phòng bếp, phòng ngủ… Đặc biệt, hãng này còn áp dụng chương trình khuyến mãi “mua 1 tặng 1”, “mua 1 tặng 2). Cụ thể, khách mua sofa trị giá 8 triệu đồng (giá sau giảm), khách được tặng bàn café trị giá 3 triệu đồng; Tặng ngay sofa giường 7 triệu đồng với đơn hàng trên 30 triệu đồng.
Hoặc khách mua bất kỳ sofa nào sẽ được tặng kèm 2 gối 45x45; bảo hành 3 năm, miễn phí giao hàng trong nội thành TP.HCM. Ngoài ra, chương trình khuyến mãi bao gồm: Giảm 40% sofa Cozy xuất khẩu chất liệu PVC và vải; giảm 40% các loại thảm nhập khẩu; giảm 40% các loại đèn chùm nhập khẩu; giảm 30% sofa Cozy xuất khẩu chất liệu da; giảm 20% mẫu bàn café Thụy Điển, bàn café Cozy…
Nhưng cần cẩn thận
Theo nhận định của giới chuyên gia, ít khách hàng biết rõ thực hư chất lượng sản phẩm mình mua như thế nào, xuất xứ ở đâu và giá ban đầu bao nhiêu, nên dễ dính vào bẫy khuyến mãi của các showroom. Một “chiêu” thông thường với các sản phẩm nội thất giảm giá mà một số nhà phân phối áp dụng là đẩy giá sản phẩm cao lên, rồi thông báo giảm giá để thu hút người tiêu dùng.
Ngoài chiêu nâng giá rồi khuyến mãi giảm giá, nhiều đơn vị phân phối còn dùng chuyên giảm giá một sản phẩm, nhưng theo kiểu “mua xe phải trả thêm tiền mua bánh xe mới đi được”.
Anh Huy ở chung cư Yên Hòa Condominium (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản về câu chuyện dở khóc dở cười khi săn hàng khuyến mại hãng nội thất Oa oa baby để mua bàn học cho con của gia đình anh.
Anh Huy cho biết, gia đình anh mới chuyển về chung cư này, lại ở gần showroom của hãng nội thất Oa oa baby nên tiện ra sắm bàn học cho con. Đúng dịp hãng nội thất này đang khuyến mại các sản phẩm nội thất với nhiều sản phẩm, trong đó có bàn học bằng gỗ với giá 6 triệu đồng. Khi xem hàng, thấy ưng ý nên gia đình quyết định mua.
“Nhưng câu chuyện khó hiểu khi tính tiền hàng, gia đình phải bỏ ra gần 1 triệu để mua thêm ngăn kéo mặc dù chi tiết này đã đi liền với bàn. Có thắc mắc đến nhà phân phối, thì họ trả lời là chỉ khuyến mại bàn, còn ngăn kéo là sản phẩm bán kèm và phải trả tiền riêng”, anh Huy chia sẻ.
Trước đó, Báo Đầu tư Bất động sản cũng có loạt bài phản ánh về chất lượng và “lời hứa” chăm sóc khách hàng, các dịch vụ đi kèm khi mua sản phẩm khuyến mại của hãng nội thất Uma. Và phần lớn các vụ việc này, người tiêu dùng là người chịu thiệt nhiều nhất.
Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, chị Phạm Hạnh (Hà Nội) cũng cho biết, chị mất công vì ham của rẻ.
“Vào ngày Firday online năm ngoái, lúc 1 - 2 h sáng, mình có đặt mua 1 đệm lò xo và mấy cái vỏ gối. Khi mình đặt thì có hàng, thậm chí để cẩn thận, mình còn quay lại cửa hàng kiểm tra và thấy vẫn còn hàng. Tuy nhiên, phía Uma lại gửi mail thông báo hết hàng và đề nghị mình mua sản phẩm khác với mức giảm giá ít hơn. Dĩ nhiên, mình không chấp nhận, vì không thích kiểu làm ăn như vậy. Bán hàng online mà lại bảo là thông tin chưa cập nhật thì có tin được không? Mình không thích cách bán hàng của Uma”, chị Hạnh nói.
Chia sẻ với báo chí về khiếu nại của người tiêu dùng khi mua hàng khuyến mại qua mạng, một lãnh đạo Sở Công thương TP.HCM thừa nhận, khi đơn hàng đặt mua tăng, số đơn khiếu nại cũng tăng. Trung bình cứ 3 ngày, cơ quan này phải xử lý 1 vụ vi phạm trong lĩnh vực thương mại điện tử. Trong đó, 95% trường hợp vi phạm là các trang thương mại điện tử có bán hàng mà không thông báo, không đăng ký với Bộ Công thương, tức không hợp pháp.
“Theo kết quả khảo sát của chúng tôi, dù tỷ lệ sử dụng các thiết bị kết nối Internet khá cao, nhưng tỷ lệ hộ gia đình không mua hàng trực tuyến vẫn chiếm 55,3% trong tổng số hộ biết về giao dịch thương mại điện tử, chủ yếu do không tin tưởng vào chất lượng hàng hóa, dịch vụ”, ông Hà Ngọc Sơn, Trưởng phòng Quản lý xuất nhập khẩu Sở Công thương TP.HCM cho biết.
Trong khi đó, về kiểm soát chất lượng sản phẩm nội thất trên thị trường, chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, đại diện Đội Quản lý thị trường số 4 (Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội) cho biết, gần như đơn vị này chưa bao giờ kiểm tra đồ gỗ nội thất. Các cửa hàng bán trên phố chủ yếu là các thợ thủ công ở các làng nghề làm ra, nên cũng không nặng nề việc kiểm tra lắm.
“Nói chung, chúng tôi chưa đi sâu về lĩnh vực này. Nếu kiểm tra, chúng tôi chỉ kiểm tra hàng Trung Quốc trôi nổi, nhập đường tiểu ngạch không có hóa đơn”, vị này nói và cho biết, trường hợp các đơn vị phân phối đặt hàng từ các xưởng, làng nghề, nhưng dán nhãn mác của đơn vị khác thì là hàng giả và đơn vị này có thể kiểm tra được, nhưng phải có người khiếu kiện mới thực hiện được. Bởi nguyên tắc hàng giả phải có đơn vị khiếu kiện để khi cơ quan quản lý kiểm tra, có đơn vị xác nhận đây là hàng giả của họ.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com