Rao bán công khai
Trong số báo trước, Báo Đầu tư Bất động sản đăng tải bài viết “Thông tin người mua bị rò rỉ: Khách hàng bức xúc, doanh nghiệp đau đầu”, phản ánh thông tin khách hàng mua bất động sản bị rò rỉ gây phiên hà cho khách hàng, trong khi phía doanh nghiệp bất động sản cũng cho biết, đau đầu về chuyện này do không thể quản hết được nhân viên.
Sau bài viết trên, Báo Đầu tư Bất động sản nhận được nhiều ý kiến phản hồi của bạn đọc phản ánh mình cũng gặp trường hợp tương tự, dù không mua bán bất động sản, hay giao dịch trên mạng.
Sau khi nhận được phản ánh của bạn đọc, phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản đã tìm hiểu và khá giật mình khi dữ liệu của nhiều người dân với đủ các thông tin cá nhân về thu nhập, sở hữu các loại xe hơi, thậm chí cả tiền gửi tiết kiệm tại ngân hàng được rao bán công khai và tràn lan trên mạng.
Với từ khóa “data khách hàng bất động sản”, chỉ trong 0,70 giây, trang tìm kiếm Google cho ra hơn 18.600.000 kết quả. Còn với từ khóa “data khách hàng”, chỉ trong 0,71 giây, có tới 41.100.000 kết quả được đưa ra. Những con số phần nào cho thấy tình trạng buôn bán dữ liệu khách hàng nở rộ như thế nào.
Người rao miễn phí cũng có, nhưng kẻ rao bán với số tiền vài trăm, vài triệu đồng cho một hay trọn bộ data cũng rất nhiều.
Một website chuyên bán data khách hàng nêu mức giá như sau: Danh sách khách hàng thu nhập cao Hà Nội tổng hợp: 500.000 đồng; Bộ data khách hàng sở hữu xe hơi Hà Nội như Ford, Toyota, Mercedes: 500.000 đồng; Bộ data khách hàng mua vàng, gửi tiết kiệm tại các ngân hàng: 700.000 đồng…
Thậm chí, người bán còn kể, một nhân viên bán hàng nội thất mua 1 gói data giá 500.000 đồng (khoảng 900 số), thuê telesales (điện thoại viên) gọi, chi phí khoảng 400.000 đồng. Tổng cộng hết 900.000 đồng chi phí. Chốt được 2 đơn tổng giá trị 80 triệu đồng, nhân viên này nhận được hoa hồng 20 triệu đồng. So sánh với chi phí bỏ ra thì quá lãi.
Rao bán dữ liệu khách hàng tràn lan. Ảnh: Thanh Huyền
Trong vai một nhân viên môi giới địa ốc mới vào nghề, phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản đã gọi tới số hotline của website http://datavip.xyz/ để hỏi mua data khách hàng. Theo tư vấn viên của website này, người mua chỉ cần chuyển khoản 800.000 đồng sẽ được nhận link chia sẻ tài liệu, gồm data các khách hàng trong lĩnh vực bất động sản tại Hà Nội. Còn nếu muốn mua trọn bộ data khách hàng, chi phí là 1.999.000 đồng. Có thể giao hàng bằng hình thức gửi link tải dữ liệu hoặc thuê shipper chuyển USB cho người mua copy.
Trong khi đó, một người tên Nam, chuyên bán dữ liệu các ngành nghề tại website https://datakhachhang.net/ lại cho biết, đã có nhiều người mua dữ liệu khách hàng hơn 330 dự án tại Hà Nội, cập nhật đến tháng 11/2018. Mức giá anh này rao bán là 5 triệu đồng cho gói dữ liệu khoảng 360.000 khách hàng.
Con đường tắt
Trong các lần tiếp xúc với các môi giới bất động sản, phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản cũng ghi nhận được nhiều thông tin thú vị quanh chuyện mua bán data khách hàng. Cơ bản, hầu như nhân viên môi giới nào hiện nay cũng phải bỏ tiền mua data và thuê telesales để “săn” khách hàng tiềm năng. Nhiều môi giới cho biết, đây là con đường tắt, ngắn nhất để tiếp cận “con mồi”.
Anh Lộc, một môi giới lâu năm cho biết, hiện phần lớn môi giới phải mất nhiều chi phí để có thể tìm khách, chốt sales. Từ chi phí mua data, thuê telesales và chạy quảng cáo. Thường thì mỗi môi giới sẽ thuê 1 telesales để gọi và tìm kiếm khách hàng. Với những môi giới có nhiều mối hàng, có thể sẽ phải thuê đồng thời từ 3 - 5 telesales. Chi phí trả cho các telesales dao động trong khoảng từ 1,5 - 3 triệu đồng/tháng, mức chi trả tùy thuộc vào thời gian làm việc và hiệu quả.
Hình ảnh quen thuộc của môi giới truyền thống
Theo các môi giới, chi phí chạy quảng cáo thì cũng rất vô cùng. Người ít, người nhiều tùy thuộc vào phân khúc sản phẩm, từ vài triệu, vài chục triệu, thậm chí đến cả trăm triệu đồng/tháng (trong trường hợp bán biệt thự nghỉ dưỡng).
Anh Hiển, một môi giới từng bán nhiều dự án tại Hà Nội cho biết, các môi giới cũng phải mất một khoản kha khá để có thể mua được data khách hàng. Thường thì các môi giới sẽ mua data khách hàng từ các ngân hàng, các dự án cũ đã bàn giao, đã đi vào sử dụng. Phí mua data cũng tùy mức độ hot của các dự án. Thông thường sẽ dao động trong khoảng từ 5 - 20 triệu đồng/bộ. Các dự án hot hơn có thể cao hơn, điển hình như Dự án Vinhomes Gardenia, để có được data khách hàng, các môi giới phải bỏ ra không dưới 25 triệu đồng/bộ.
Và câu chuyện thời 4.0
Mua data vẫn là hình thức phổ biến, nhưng theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, hiện nhiều môi giới còn thực hiện sự hỗ trợ của công nghệ. Hiện nay, có nhiều đơn vị cung cấp dịch vụ lọc thông tin người dùng bằng phần mềm (Mass Spider, FMail Extra, Plus…).
Theo đó, các môi giới chỉ cần tạo các fanpage lấy tên dự án, hoặc tên ngành nghề, lĩnh vực liên quan. Các phần mềm này sẽ giúp quản trị viên các fanpage dễ dàng lọc ra số điện thoại, tên của người dùng và lập thành một danh sách khách hàng cần chăm sóc cho chủ đầu tư (có thể xuất ra theo định dạng file wold hoặc excel). Tất cả các tài khoản tham gia tương tác cùng fanpage để chế độ công khai số điện thoại, email, thì phần mềm này đều lọc được các thông tin nói trên.
Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, ông Nguyễn Văn Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ Plus 24h (Hà Nội) cho biết, những người có nhu cầu thường sẽ tham gia vào các nhóm bất động sản hoặc like những fanpage liên quan đến bất động sản, thậm chí họ theo dõi những sự kiện liên quan đến bất động sản.
Nắm bắt được thói quen này, các chủ đầu tư, nhân viên môi giới sử dụng các phần mềm để quét thông tin khách hàng đã tham gia tương tác, thu được thông tin cơ bản về số điện thoạt, email… Từ đó, đưa ra các chiến lược marketing và chăm sóc khách hàng cụ thể.
“Khi các doanh nghiệp sử dụng phần mềm, chủ đầu tư sẽ quét được những khách hàng tiềm năng nhất, lọc được những đối tượng có hiệu quả nhất, từ đó nâng cao được hiệu quả kinh doanh”, ông Nghĩa chia sẻ thêm.
Ở một mức độ cao hơn, các doanh nghiệp công nghệ còn thực hiện sẵn việc gom dữ liệu khách hàng, các môi giới chỉ cần tham gia vào hệ sinh thái của doanh nghiệp là có thể tự mình giao tiếp với các khách hàng đã được lọc sẵn.
Khi tìm hiểu về ứng dụng BixBox, phóng viên được người của đơn vị phát triển ứng dụng này cho hay, ứng dụng này tự động thu thập danh sách khách hàng, theo các nhóm từ khóa và theo từng ngành hàng khác nhau dựa trên công nghệ 3G/4G và Google tự động. Sau đó, cập nhật thành danh sách khách hàng, bao gồm số điện thoại, thời gian tìm kiếm, vị trí khách hàng và số lần khách hàng quan tâm.
Môi giới chỉ cần cài ứng dụng (không mất phí tạo tài khoản, không phải cài mã code…) và thực hiện gọi điện cho khách hàng qua ứng dụng của đơn vị này là có thể tiếp cận trực tiếp tới khách hàng.
“Chúng tôi đã liên kết với nhà mạng để môi giới có thể thực hiện cuộc gọi với khách hàng qua cổng chung của công ty (dĩ nhiên, số điện thoại hiển thị là số của môi giới). Môi giới không mất chi phí nào khác ngoài 3 triệu đồng/1.000 phút gọi thành công”, nhân viên kinh doanh của BixBox cho hay.
Với sự nở rộ của việc rao bán dữ liệu, con đường tìm kiếm khách hàng tiềm năng với dân môi giới bất động sản đã ngắn đi nhiều. Tuy nhiên, nó lại đang gây ra nhiều phiền hà cho khách hàng, bởi nhiều khi, đó là những cuộc gọi vô duyên không hề mong đợi.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com