Trầm lặng cổ phiếu “vua”

(ĐTCK) Ngành ngân hàng vẫn có triển vọng khả quan, song những lo ngại về chất lượng tài sản suy yếu do hệ lụy từ thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp trầm lắng khiến dòng tiền gần đây chưa mặn mà với cổ phiếu được mệnh danh là “vua” này.
Tín dụng toàn nền kinh tế trong những tháng đầu năm 2023 tăng chậm, tính đến ngày 27/4 tăng 3,04% so cuối năm 2022. Tín dụng toàn nền kinh tế trong những tháng đầu năm 2023 tăng chậm, tính đến ngày 27/4 tăng 3,04% so cuối năm 2022.

Lợi nhuận quý I/2023 phân hóa

Kết thúc quý đầu năm 2023, lợi nhuận của nhóm ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm cổ phần chi phối ghi nhận tăng trưởng nhờ tín dụng tăng và biên lãi ròng được duy trì. Cụ thể, Vietcombank đạt lợi nhuận trước thuế xấp xỉ 11.200 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái và bằng 26% kế hoạch cả năm; BIDV đạt gần 6.920 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng hơn 53%. VietinBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế 5.980,3 tỷ đồng, tăng 2,7%.

Trong nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, một số ngân hàng có tỷ trọng cho vay lĩnh vực bất động sản cao như Techcombank ghi nhận lợi nhuận quý I/2023 giảm do tăng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng. Ngân hàng này đạt 5.623 tỷ đồng lợi nhuận, giảm 17% so với cùng kỳ, nguyên nhân chính là do thu nhập lãi thuần giảm 19,5%, đến từ việc trả lãi tiền gửi cho khách hàng gia tăng do lãi suất huy động đi lên.

Trong khi đó, Sacombank lãi trước thuế 2.383 tỷ đồng trong quý đầu năm, tăng 50% so với cùng kỳ, động lực chính đến từ hoạt động cốt lõi, thu nhập lãi thuần gấp đôi cùng kỳ. VIB ghi nhận lợi nhuận trước thuế 2.700 tỷ đồng, tăng 18%; MB đạt 6.500 tỷ đồng lợi nhuận, tăng 10,2%; ACB đạt 5.156 tỷ đồng lợi nhuận, tăng hơn 25%; SeABank đạt 1.070 tỷ đồng lợi nhuận, giảm 18%; HDBank đạt 2.857 tỷ đồng lợi nhuận, tăng 26%...

Tốc độ tăng trưởng lợi nhuận cả năm dự kiến giảm

Năm 2023, các ngân hàng đặt kế hoạch lợi nhuận tăng so với năm 2022, nhưng đa số ở mức thấp so với mức tăng trưởng đạt được năm ngoái. Riêng Techcombank đặt kế hoạch lợi nhuận giảm.

Một số ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2023 tăng trưởng cao như Sacombank, dự kiến đạt 9.500 tỷ đồng lợi nhuận, tăng 50,8%, với kỳ vọng biên lãi ròng cải thiện và không còn phải trích lãi dự thu theo Đề án Tái cấu trúc (dự kiến sẽ hoàn thành trong năm nay); HDBank dự kiến đạt 13.197 tỷ đồng lợi nhuận, tăng 28,6%, với kỳ vọng tín dụng tăng mạnh sau khi tham gia tiếp nhận tổ chức tín dụng yếu kém; OCB lên kế hoạch đạt 6.000 tỷ đồng lợi nhuận, tăng 37%.

Trong khi đó, mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2023 của MB là đạt 26.100 tỷ đồng, tăng 15%. Kế hoạch lợi nhuận và mức tăng trưởng của ACB là 20.058 tỷ đồng, tăng 17,2%; VIB là 12.200 tỷ đồng, tăng 15,3%; VPBank là 24.003 tỷ đồng, tăng 13%...

Một số ngân hàng đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2023 tăng quanh mức 10% như MSB (9%), LPBank (11%), TPBank (11%), SHB (6,15 - 6,97%).

Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Phân tích, Công ty Chứng khoán VNDIRECT nhận định, lợi nhuận ngành ngân hàng giai đoạn 2023 - 2024 sẽ tăng trưởng ở mức thấp, bình quân khoảng 11% so với mức tăng khoảng 34% của năm 2022, phần lớn do khả năng tăng trưởng tín dụng chậm lại, biên lãi ròng thu hẹp và chi phí tín dụng tăng.

Công ty Chứng khoán Maybank Investment Bank duy trì quan điểm tích cực đối với ngành ngân hàng, nhưng cho rằng lợi nhuận của hầu hết nhà băng sẽ tăng chậm lại đáng kể trước những khó khăn trong năm 2023. Mặc dù vậy, lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) của phần lớn nhà băng vẫn hấp dẫn, dự kiến đạt mức bình quân 18,5%.

Chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) dự báo, mức tăng trưởng lợi nhuận của ngành ngân hàng năm 2023 khoảng 10%, các hoạt động thanh toán và kênh phân phối bảo hiểm (bancassurance) vẫn khả quan, nhưng các hoạt động ngoài lãi khác tiếp tục đối mặt với khó khăn chung từ thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp.

Chất lượng tài sản sẽ chi phối giá cổ phiếu

Chỉ số giá cổ phiếu ngành ngân hàng sau khi tăng trong tháng 1/2023 liền có diễn biến giảm rồi đi ngang cho đến nay trong biên độ +/-3%. Dòng tiền trên thị trường chứng khoán chủ yếu quan tâm đến nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, nhưng không duy trì lâu ở một nhóm ngành nào, mà luân chuyển nhanh.

Về nhóm ngân hàng, giới phân tích tài chính cho rằng, không phải lợi nhuận, mà chất lượng tài sản mới là yếu tố sẽ chi phối giá cổ phiếu. Điểm quan trọng và đáng quan tâm đầu tiên khi chọn đầu tư vào cổ phiếu ngân hàng là chất lượng tài sản, chứ không phải là hiệu quả kinh doanh của ngân hàng.

Chất lượng tài sản của một ngân hàng được đánh giá qua các yếu tố như nợ xấu, trái phiếu VAMC, tỷ lệ lãi và phí phải thu, mức trích lập dự phòng rủi ro, bên cạnh đó là tỷ lệ an toàn vốn (CAR) và tỷ lệ cho vay trên huy động (LDR - đo lường tính thanh khoản).

Chỉ khi chất lượng tài sản tốt thì việc đánh giá kết quả kinh doanh, khả năng sinh lời mới có ý nghĩa. Các ngân hàng sẽ ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận một cách bền vững hơn trong dài hạn, nếu như chất lượng tài sản thực sự được cải thiện.

Nếu như năm 2022, rủi ro lớn nhất của hệ thống ngân hàng là thanh khoản, lãi suất, thì năm 2023 là rủi ro tín dụng, rủi ro nợ xấu.

Thực tế, giai đoạn nửa cuối năm 2021, nhà đầu tư từng lo ngại về chất lượng tài sản của ngành ngân hàng do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Năm 2022, sóng gió của ngành bất động sản và thị trường trái phiếu doanh nghiệp dấy lên những lo ngại về chất lượng tài sản ngành ngân hàng.

Năm 2023, dù hầu hết nhà băng vẫn đặt mục tiêu lợi nhuận tăng trưởng và kết thúc quý đầu năm, không ít nhà băng ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan, song chất lượng tài sản có dấu hiệu suy yếu, nguy cơ truyền dẫn nợ xấu bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp sang hệ thống ngân hàng khiến nhà đầu tư e ngại về triển vọng của cổ phiếu “vua” trong năm nay.

Báo cáo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tính tới cuối tháng 2/2023, tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống ngấp nghé mức 3%, gấp đôi so với cuối năm 2021; tỷ lệ nợ xấu gộp (bao gồm nợ xấu nội bảng, nợ đã bán cho VAMC, nợ đã thực hiện các biện pháp phân loại nợ) là 5%.

Theo lãnh đạo một số nhà băng, nếu như năm 2022, rủi ro lớn nhất của hệ thống ngân hàng là thanh khoản, lãi suất, thì năm 2023 là rủi ro tín dụng, rủi ro nợ xấu, buộc các ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng. Rủi ro nợ xấu sẽ còn tăng nếu thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp không sớm phục hồi.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho biết, tính tới cuối quý I/2023, tỷ lệ nợ xấu bất động sản đang cao hơn tỷ lệ nợ xấu chung toàn hệ thống ngân hàng.

Về nợ xấu trái phiếu doanh nghiệp, theo thống kê của FiinRatings, nợ xấu trái phiếu doanh nghiệp phi tài chính tính tới đầu tháng 5/2023 là 16,3%.

Bà Trần Thị Khánh Hiền nhìn nhận, định giá ngành ngân hàng đang ở mức thấp, P/B năm 2023 khoảng 1,2 lần, đang tạo ra cơ hội đầu tư dài hạn. Trong ngắn hạn, dòng tiền lớn chưa có dấu hiệu quay trở lại và dòng tiền trên thị trường chủ yếu chảy vào nhóm cổ phiếu đầu cơ.

Giới phân tích kinh tế - tài chính cho rằng, có nhiều tiêu chí để lựa chọn cổ phiếu ngân hàng, nhưng để chọn lọc được một cổ phiếu ngân hàng có tiềm năng tăng trưởng tốt, nhà đầu tư nên xem xét kỹ các tiêu chí: tăng trưởng tín dụng và chất lượng cho vay, tỷ lệ nợ xấu, số lượng trái phiếu VAMC trên bảng cân đối kế toán, tỷ lệ chi phí dự phòng, chất lượng vốn đầu vào, tỷ lệ tăng trưởng huy động và tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn.

Anh Minh
Theo Đặc san Toàn cảnh thị trường ngân hàng 2023

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục