“Trái tim” thứ hai của nền kinh tế đang có vấn đề

(ĐTCK) Đại diện cho ngành quỹ Việt Nam, ông Trần Thanh Tân, Chủ tịch Câu lạc bộ Các công ty quản lý quỹ, vừa gây chú ý với các thành viên thị trường tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển TTCK năm 2015 bằng phát biểu: “Để nền kinh tế khỏe mạnh cần hai trái tim tốt: ngân hàng và TTCK, nhưng tiếc là trái tim thứ hai đang có vấn đề”.
TTCK chịu những tác động thái quá với thông tin giá dầu giảm TTCK chịu những tác động thái quá với thông tin giá dầu giảm

Nỗi buồn

“Tôi mới bay từ Sài Gòn ra Hà Nội để dự hội nghị ngành chứng khoán năm 2015, nhưng trời Hà Nội lạnh quá khiến tôi ‘đóng băng’ ý kiến góp ý cho sự phát triển của TTCK”, ông Tân mở đầu tâm tư của mình bằng cách ví von hình ảnh.

Tâm tư có phần nặng trĩu của ông Tân xuất phát từ nhiều giải pháp lớn mà thị trường kỳ vọng được triển khai trong năm qua, nhưng chưa thể đi vào cuộc sống, cũng như sự kém thành công của Quỹ VF1 do ông điều hành (Tổng giám đốc CTCP Quản lý quỹ Đầu tư Việt Nam).

“Giá dầu thế giới bất ngờ sụt giảm mạnh trong năm 2014 gần như lấy đi hết những nỗ lực tăng trưởng của TTCK trong cả năm. Điều này tác động tiêu cực đến các hoạt động đầu tư trên thị trường. Đơn cử, giá trị danh mục của Quỹ VF1 tới tháng 11/2014 tăng 27%, nhưng giá dầu giảm đã lấy 20% vào thời điểm cuối năm”, ông Tân không giấu được nỗi buồn và cho rằng, không có TTCK nào trên thế giới lại phải gánh chịu những tác động thái quá với thông tin giá dầu giảm như TTCK Việt Nam. Điều đó cho thấy, rổ cổ phiếu tính VN-Index không ổn, nên cần phải sớm sửa đổi. Không chỉ sửa sự bất ổn của nhóm cổ phiếu dầu khí, mà còn cần sửa tổng thể theo cách tính chỉ số trên thế giới, tránh cho thị trường phải gánh chịu những tác động thái quá trong tương lai. Nếu tiếp tục duy trì các chỉ số thị trường méo mó như hiện tại, thì ngành quỹ là đối tượng chịu tác động tiêu cực đầu tiên.

Tuy nói là “đóng băng” ý tưởng góp ý cho sự phát triển của thị trường, nhưng kỳ thực, ông Tân chia sẻ nhiều trăn trở của một nhà lập quỹ. Đó là tâm sự của một thành viên thị trường có tâm nguyện mong muốn TTCK phát triển mạnh mẽ hơn, có vị thế xứng đáng hơn trong nền kinh tế.

“Chúng ta nâng niu dòng vốn FDI, nhưng đáng tiếc là dòng vốn FII lại không được nâng niu tương xứng, mặc dù Chính phủ nhiều lần đánh giá TTCK có vai trò quan trọng trong nền kinh tế”, ông Tân nhìn nhận. 

… và hy vọng

“Là người thi thoảng ‘đốt lửa’ nuôi hy vọng, nhưng sau nhiều lần hy vọng không thành hiện thực, có những lúc thấy… nản”, ông Tân chia sẻ. Nhưng không vì thế mà một người nhiều năm gắn bó với ngành quỹ thôi hy vọng, khi ông tâm sự: “Hãy lấy năm 2015 là năm bản lề thúc đẩy TTCK phát triển. Muốn vậy, cần định vị rõ hơn TTCK nằm ở vị trí nào trong nền kinh tế, nếu chỉ đóng vai trò thứ yếu, thì cũng cần nói cho rõ, còn khẳng định là có vị trí quan trọng, thì dòng vốn FII cần được trân trọng như dòng vốn FDI”.

Vị Chủ tịch Câu lạc bộ Các công ty quản lý quỹ có cái nhìn khá lạc quan về nền kinh tế trong năm 2015 khi cho rằng, giá dầu giảm sẽ khiến cho các nước xuất khẩu dầu gặp khó, nhưng ngược lại, kinh tế toàn cầu, đặc biệt là các nền kinh tế lớn hàng đầu thế giới như: Mỹ, châu Âu, Nhật Bản… càng có thêm triển vọng tích cực. Cũng được hưởng lợi nhiều hơn từ giá dầu giảm, cộng với giá các loại nguyên nhiêu liệu đầu vào giảm, lạm phát thấp, GDP lấy lại đà phục hồi, nên kinh tế Việt Nam trong năm nay sẽ “sáng thêm”.

“Tôi hy vọng, TTCK phái sinh sớm ra đời, như vậy sẽ tốt cho nhiều thứ, trong đó có quỹ ETF. Với tính năng phòng ngừa rủi ro, sự ra đời của TTCK phái sinh sẽ giúp các nhà lập quỹ huy động vốn, nhất là từ giới đầu tư nước ngoài tốt hơn. Khi có công cụ phòng ngừa rủi ro, cùng với triển vọng tích cực của TTCK Việt Nam, chi phí quản lý quỹ ETF ở mức thấp, dòng tiền ra - vào thị trường dễ dàng, sẽ tiếp sức cho quỹ ETF phát triển, tăng sức cầu cho TTCK”, ông Tân nói, đồng thời đưa ra hai khuyến nghị để tăng sức cầu cho TTCK trong thời gian tới.

Thứ nhất, cổ phần hóa DNNN cần theo hướng gia tăng tối đa tỷ lệ cổ phần bán ra bên ngoài thị trường, Nhà nước giảm thiểu, hoặc không nắm giữ cổ phần ở những DN hoạt động trong các ngành nghề mà Nhà nước không cần kiểm soát.

Thứ hai, để khắc phục tình trạng loay hoay tìm nguồn vốn mới cho thị trường, đã đến lúc cần định hình cơ chế để huy động các nguồn vốn từ quỹ bảo hiểm xã hội và sắp tới là quỹ hưu trí tự nguyện, quỹ hưu trí bổ sung. Đây là nguồn lực đầu tư lớn mà thế giới đã huy động thành công, nên Việt Nam cần học hỏi để sớm triển khai. Các quỹ đầu tư lớn nhất trên thế giới đều là các quỹ hưu trí, tạo ra sức cầu rất lớn cho TTCK.             

Hữu Đạo

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục