Chuyên gia kinh tế Bùi Trinh bày tỏ lo ngại về việc đến thời điểm này, Việt Nam vẫn không thực sự có ngành hàng nào thực sự phát triển. Ngành nông nghiệp và chế biến từng được coi là ngành có nhiều ưu thế, nhưng khi hội nhập cũng bị thua ngay trên sân nhà, vì không cạnh tranh nổi với hàng nhập khẩu có mức thuế suất thấp.
“Chúng ta vẫn hay hô hào: “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”, tuy nhiên, tôi cho rằng đây chỉ là khẩu hiệu vô nghĩa, bởi hàng Việt Nam nguyên chất có được bao nhiêu. Hiện vẫn có tới 65% nguyên vật liệu để sản xuất hàng hóa, chúng ta phải nhập khẩu từ nước ngoài”, ông Trinh nói.
Nhìn rộng ra công cuộc tái cơ cấu nền kinh tế, GS. Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế chính trị thế giới cho rằng, chúng ta muốn tái cơ cấu nền kinh tế, nhưng lại trên cơ sở tư duy cũ.
“Chúng ta nói xây dựng nền kinh tế thị trường, nhưng trên thực tế, tỷ giá, lãi suất, giá cả nhiều mặt hàng của Việt Nam vẫn chưa thực sự được vận hành theo cơ chế thị trường”, GS. Lược nhìn nhận và dẫn chứng, chỉ cần so sánh về cạnh tranh lãi suất, đã thấy doanh nghiệp Việt Nam yếu hơn các doanh nghiệp nước ngoài, vì doanh nghiệp trong nước phải vay vốn với lãi suất trên 10%/năm, trong khi nhiều nước trên thế giới, lãi suất cho vay đã về mức 0%.
Đồng tình với ý kiến này, chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Đại Lai đánh giá, lãi suất ngân hàng của Việt Nam hiện nay đang cao nhất thế giới, vì từ trước đến nay, chúng ta vẫn có tư duy phải cho người gửi tiết kiệm hưởng lãi suất thực dương - lãi suất phải bù đắp lạm phát, ngoài ra lãi suất cho vay còn phải gánh các chi phí quản lý khác không hề thấp… Theo ông Lai, đáng ra TTCK phải là kênh dẫn vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế thì hiện nay, ngân hàng vẫn đang gánh vai trò này. Chính vì vậy, cần phải khẩn trương tiếp tục tái cấu trúc và phân luồng các ngân hàng. Không nên để ngân hàng nào cũng có chức năng giống nhau, tạo ra sự cạnh tranh thực sự theo cơ chế thị trường.
Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, chúng ta mất 5 năm (từ năm 2011 - 2015) để tái cơ cấu nền kinh tế, nhưng vẫn chưa giải quyết được nhiều vấn đề yếu kém của nền kinh tế.
Theo GS. Võ Đại Lược, để tiếp tục quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, yếu tố quan trọng nhất vẫn là đổi mới tư duy. “Cần phải tái cơ cấu trên một tư duy mới, tư duy của thời đại, chứ không phải tái cơ cấu trên nền tảng tư duy cũ, không thể lấy kinh tế Nhà nước làm chủ đạo”, GS. Lược nhấn mạnh.
Từ góc độ doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Tổng giám đốc CTCP Đầu tư và phát triển hệ thống phân phối Việt Nam nói rằng, câu chuyện phát triển thành công của ngành thủy sản là bài học đáng phải suy ngẫm. Ngành thủy sản 9 năm nay liên tục tăng trưởng xuất khẩu, duy chỉ có năm 2009 là tăng trưởng xuất khẩu giảm sút do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
Trong khi đó, các doanh nghiệp thủy sản hầu hết là doanh nghiệp tư nhân, không có sự tham gia nhiều của các doanh nghiệp Nhà nước. Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản cũng là một trong những hiệp hội hoạt động rất hiệu quả và mang lại nhiều lợi ích thiết thực các doanh nghiệp thành viên.
Vì vậy, theo bà Minh, ngay từ bây giờ, chúng ta phải nâng vị trí các ngành hàng và coi đây là một bộ phận quan trọng phát triển kinh tế. Các hiệp hội chính là cánh tay nối dài của Nhà nước, bởi trong nền kinh tế thị trường, các hiệp hội sẽ làm được những việc mà Nhà nước không thể can thiệp.