Không thể nóng vội trước thực trạng khó khăn của nền kinh tế hiện nay

(ĐTCK) Sức mua và tồn kho chưa cải thiện, kéo theo nhu cầu đầu tư sản xuất - kinh doanh của DN không tăng, hệ lụy vốn tín dụng ngân hàng không ra được nền kinh tế. Song chúng ta cũng không thể nóng vội trước thực trạng khó khăn của nền kinh tế hiện nay. Muốn thoát được giai đoạn trì trệ này đòi hỏi phải có thêm thời gian, ít nhất là đến cuối năm nay.
TS. Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia TS. Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia

Sức hấp thu vốn của doanh nghiệp còn yếu

Tăng trưởng tín dụng toàn ngành tuy đã dương trở lại kể từ cuối tháng 3/2014, song nhu cầu vốn của DN hiện còn rất yếu và không tăng.

Tình trạng của các DN hiện có thể chia thành ba nhóm. Nhóm thứ nhất là các DN hoạt động tốt, tài chính lành mạnh, được ngân hàng chào mời vay vốn với lãi suất khá thấp, nhưng DN chưa có nhu cầu sử dụng vốn vay để đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh. Nhóm thứ hai là các DN đang cố gắng phục hồi sản xuất, kinh doanh. Trong nhóm này có một số DN có thể tiếp cận được vốn vay, vì nợ xấu không nhiều, nhưng lại gặp khó khăn về thị trường do biến động thời gian qua. Một số khác thì khó tiếp cận vốn vay hơn. Nhóm thứ ba là những DN đang vướng nợ xấu quá nhiều và không có điều kiện để xử lý cũng như không nhìn thấy được triển vọng phát triển trong tương lai, nên đa số không thể tiếp cận được nguồn vốn vay từ ngân hàng để có thể khôi phục hoạt động.

Từ phân tích tình trạng trên, có thể thấy, lãi suất không còn là yếu tố quyết định việc vay vốn của DN lúc này. Mặt bằng lãi suất (cả huy động và cho vay) cũng đã được điều chỉnh xuống mức phù hợp, chênh lệch lãi suất cho vay - huy động giảm. Thực tế, nhiều DN thuộc nhóm 1 còn được ngân hàng cho vay với lãi suất bằng lãi suất huy động. Ngược lại, với những khách hàng có rủi ro cao thì lãi suất cho vay được áp dụng cao hơn để bù đắp rủi ro. Có thể nói, lãi suất cho vay hiện nay là có dư địa để các NHTM cho vay theo mức độ tín nhiệm. Đây là điều rất tốt cho ngân hàng trong bối cảnh hiện nay.

Hiện có 5 lĩnh vực (nông nghiệp, nông thôn; xuất khẩu; công nghiệp hỗ trợ; DN nhỏ và vừa; DN ứng dụng công nghệ cao) được NHNN giảm mức trần lãi suất cho vay xuống còn 8%/năm. Thế nhưng, trong 5 lĩnh vực ưu tiên này cũng có những DN khỏe và DN yếu như đã đề cập ở trên. Vì thế, khả năng hấp thụ vốn của DN nói riêng và nền kinh tế nói chung trong năm nay còn khó khăn, cho dù lãi suất có giảm thêm.

Một cách tổng quát, nền kinh tế đang ở giai đoạn trì trệ, cả về sức mua và môi trường đầu tư. Muốn thoát được giai đoạn trì trệ này, đòi hỏi phải có thêm thời gian, ít nhất là đến cuối năm nay.

Sẽ có cải thiện, nhưng không nên kỳ vọng đột phá

Chưa bao giờ hoạt động của các NHTM lại đứng trước nhiều thách thức như hiện nay. Thách thức thứ nhất là đầu ra khó khăn. Không cho vay được, nhưng các ngân hàng không dám ngưng huy động, vì còn phải giữ khách hàng và dự trữ thanh khoản. Tình trạng này sẽ được giải quyết, nhưng cũng cần có thời gian. Thứ hai là ngân hàng phải hy sinh lợi nhuận để xử lý nợ xấu.

Tình hình tín dụng có thể được cải thiện kể từ quý II/2014, do các DN trong nhóm 1, nhóm 2 mở rộng sản xuất - kinh doanh khi nhìn thấy thị trường có những dấu hiệu thay đổi tích cực. Tuy nhiên, những thay đổi tích cực nửa cuối năm so với những tháng đầu năm mang tính chu kỳ hơn là phản ánh sự phục hồi thực sự của nền kinh tế. Hiện nền kinh tế có một nút thắt được thừa nhận rộng rãi là tổng cầu yếu, cần được kích thích. Chính phủ cũng bắt đầu triển khai giải pháp này, nhưng dù có tích cực thì cũng cần có thời gian để nó lan tỏa trong nền kinh tế.

Trong thời gian qua, nợ xấu đã được các NHTM đẩy mạnh xử lý, nhưng đây vẫn là vấn đề khó khăn đối với nền kinh tế và phải mất nhiều năm mới giải quyết được. Việc đẩy mạnh bán nợ xấu cho VAMC hiện nay cũng chỉ là gom chúng lại một mối.

Những cố gắng của cơ quan quản lý trong thời gian qua mang lại một kết quả rất đáng ghi nhận là ổn định được hệ thống ngân hàng trong sự ổn định chung của các yếu tố kinh tế vĩ mô. Đây là nền tảng để kinh tế hồi phục, tín dụng tăng trưởng trong thời gian tới. Nhưng muốn duy trì được sự ổn định và tăng trưởng bền vững, điều quan trọng đối với ngân hàng hiện nay là phải ngăn chặn được nợ xấu phát sinh. Điều này tất nhiên đòi hỏi sự thận trọng, nghĩa là không thể nóng vội.

Bài viết này nằm trong Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng Việt Nam 2014, do Báo Đầu tư Chứng khoán - Báo Đầu tư xuất bản ngày 5/5/2014. Tinnhanhchungkhoan.vn sẽ lần lượt đăng tải bài viết của Đặc san này trong thời gian tới.

Quý vị độc giả có thể theo dõi tất cả các bài viết trong Đặc san tại:Toàn cảnh ngân hàng Việt Nam 2014: “Đón vận hội mới”

TS. Trần Du Lịch

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục